(Baonghean) - Sau một thời gian dài căng thẳng về lãi suất cao, thắt chặt tín dụng, khó cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn thì trong tháng 4 và đầu tháng 5/2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách tín dụng cởi mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp với tình hình tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh của mình... có đủ điều kiện để tiếp cận được vốn ?
Cơ chế mở từ chính sách
Sau chưa đầy 1 tháng thực hiện hạ lãi suất tiền gửi xuống 13%/năm (theo Thông tư số 05 ngày 12/3/2012), ngày 10/4/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục ban hành Thông tư số 08/2012/TT-NHNN tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất tiền gửi VNĐ. Cụ thể: Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 4%/năm; Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 12%/năm. Cũng trong ngày 10/4/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 2056/NHNN-CSTT về hoạt động tín dụng.
Chính sách đã thông thoáng - cần sự vào cuộc thực hiện công tâm
của các tổ chức tín dụng
Theo đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích không vượt quá 16% tổng dư nợ cho vay. Tuy nhiên, đối tượng không vượt quá 16% này so với các văn bản trước đây có mở thêm tín dụng đối với lĩnh vực không khuyến khích mà không tính vào dư nợ cho vay không khuyến khích như bất động sản... nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản đang bế tắc hiện nay.
Ngày 23/4/2012, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Theo đó: "Các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ do tổ chức tín dụng đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ".
Như vậy, Quyết định số 780/QĐ-NHNN là giải pháp tiếp tục tháo gỡ về cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước để các tổ chức tín dụng trên cơ sở đó có thể áp dụng đối với các trường hợp khách hàng của mình và tiếp tục đầu tư tín dụng cho khách hàng với lãi suất phù hợp.
Ngày 24/4/2012, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Văn bản số 2506/NHNN-CSTT, yêu cầu các tổ chức tín dụng: Chủ động phối hợp với khách hàng vay trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh; cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng... Quy định mới giúp giảm áp lực trả nợ đến hạn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn sản xuất kinh doanh khó khăn này, đồng thời các tổ chức tín dụng cũng bớt căng thẳng khi hạn chế được nợ quá hạn gia tăng.
Mới đây (ngày4/5), NHNN tiếp tục có Thông tư 14 về việc áp trần lãi suất cho vay 15%/năm đối với 4 lĩnh vực, có hiệu lực từ ngày 8/5/2012. Những biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt, cởi mở như trên của Ngân hàng Nhà nước, được xem là động thái rất tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Và bài toán đảm bảo tăng trưởng?
Ông Phan Đức Tiến- Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Nghệ An chia sẻ: Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 05 quy định trần huy động vốn tối đa 13% đối với VNĐ, thì Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An đã mạnh dạn điều chỉnh lãi suất cho vay, tuy nhiên việc điều chỉnh được áp dụng theo thời gian cho vay và các nhóm khách hàng khác nhau, với các mức lãi suất từ 14%/năm- 19%/năm. "Khi lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 12%/năm thì không điều chỉnh hạ lãi suất cho vay nữa, vì đợt điều chỉnh lần trước đã hạ xuống thấp với biên độ giao động rộng. Do đó, hiện nay chúng tôi căn cứ áp dụng lãi suất cho vay ở mức thấp đối với từng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể".
Tính đến ngày 27/4, sau hơn 1 tháng thực hiện hạ lãi suất cho vay, dư nợ của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp tăng 300 tỷ đồng. Với 25.464 lượt hộ khách hàng được vay vốn, trong đó 268 doanh nghiệp, 23.254 hộ sản xuất và 1.942 đối tượng khách hàng khác. Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết thêm, những ngày cuối tháng 4/2012 khách hàng đến trả nợ nhiều hơn khách hàng vay vốn. Do hàng hoá sản xuất ra khó tiêu thụ, tồn kho nhiều, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không hiệu quả, phải trả nợ vốn vay. Các năm trước, vào thời điểm tháng 4, tháng 5, dư nợ cho vay tăng mạnh, năm nay cơ bản là khách hàng cũ, trong đó không ít khách hàng vay đảo nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nghệ An, thực hiện các văn bản chỉ đạo của NHNN, Chi nhánh đã ban hành Quyết định số 0128/QĐ- KHTH điều chỉnh lãi suất vay bằng VNĐ. Bà Lê Thị Lý- Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp- Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Nghệ An cho biết: Tính đến ngày 25/4/2012, sau 2 tuần thực hiện hạ lãi suất cho vay, chi nhánh đã giải ngân cho vay với doanh số 177 tỷ đồng, trong đó 57 doanh nghiệp được vay vốn 128 tỷ đồng, và hơn 200 khách hàng cá nhân vay 49 tỷ đồng, với lãi suất cho vay từ 14,5%- 17%/năm.
Còn tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bến Thuỷ áp dụng hình thức linh hoạt, lãi suất cho vay từ 15,5%- 18%/năm, riêng đối tượng cho vay thu mua nông sản- lãi suất 12%/năm nhưng không có khách hàng để giải ngân. Theo lãnh đạo Phòng khách hàng doanh nghiệp Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bến Thuỷ cho biết: Không ít doanh nghiệp mới đến xin tiếp cận vay vốn nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp âm, vốn sở hữu âm, hoạt động thua lỗ, vay nợ ở nhiều nơi, không đủ điều kiện để vay vốn. Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng rất chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp "đi vay để cho vay", huy động vốn phải trả lãi suất cho khách hàng, nếu vốn không cho vay ra được thì ngân hàng cũng gặp khó khăn, sử dụng nguồn vốn huy động hiệu quả thấp. Do đó, khách hàng đủ điều kiện cho vay, ngân hàng sΩn sàng đón nhận và hỗ trợ.
Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, nhu cầu vay vốn giảm, ngân hàng muốn tìm khách hàng đủ điều kiện để giải ngân cũng không dễ. Làm sao vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa đảm bảo chất lượng đầu tư tín dụng đang là bài toán khó của ngân hàng. Không chỉ doanh nghiệp gặp khó mà ngân hàng cũng trăn trở trong bối cảnh hiện nay: làm sao để đồng vốn phát huy hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị vật chất cho nền kinh tế!?