(Baonghean) - Lâu nay, sản phẩm gừng Kỳ Sơn đã chứng minh được giá trị thương hiệu của cây bản địa, trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho rất nhiều hộ đồng bào vùng rẻo cao này. Tuy nhiên, do chưa có sự liên kết vững chắc giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nên đầu ra của sản phẩm gừng còn bấp bênh. Vì vậy, sự vào cuộc của doanh nghiệp trong thu mua, chế biến gừng xuất khẩu đang là tín hiệu vui cho cây trồng này.  

Thực tế chứng minh, cây gừng rất phù hợp với địa hình khí hậu các xã của huyện vùng cao Kỳ Sơn như: Na Ngoi, Mường Lống, Tây Sơn, Đoọc Mạy… là những nơi có độ ẩm tương đối lớn. Điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt, sản phẩm gừng Kỳ Sơn được đánh giá là sạch và cho hàm lượng tinh dầu cao, nên được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng. Nhận thấy tiềm năng đó, trong giai đoạn từ năm 2005 - 2013, thông qua nhiều chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh, huyện và các tổ chức quốc tế, nhiều mô hình trồng gừng trình diễn đã được đưa vào thực hiện trên địa bàn nhiều xã để phổ biến kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, thu hoạch cho người dân giúp nghề trồng gừng phát triển bền vững hơn. 

Tại xã Tây Sơn, mặc dù diện tích gừng chưa lớn bằng một số xã khác nhưng đây lại là xã đầu tiên cây gừng được đưa vào trồng thí điểm. Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, Vừ Nỏ Dềnh cho hay: “Đến nay gần như hộ nào cũng trồng gừng, hộ ít nhất trồng 4 - 5 sào và hộ nhiều nhất khoảng 10 sào. Đặc biệt, xã làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng nên cây gừng càng có điều kiện phát triển, năng suất khá”. Đơn cử như gia đình anh Dềnh, trồng khoảng 1 sào gừng, năng suất bình quân 2 tạ/vụ, thu về khoảng 25 triệu đồng/năm. 

Gừng sau thu hoạch ở Na Ngoi đang được bảo quản để làm giống cho vụ tới. Ảnh: Văn Hải

Còn tại xã Na Ngoi – địa phương có diện tích gừng lớn nhất huyện Kỳ Sơn với trên 230 ha gừng trồng rải rác khắp địa bàn xã, bình quân mỗi hộ trồng từ 0,8 đến 1 ha, mỗi năm Na Ngoi cung cấp ra thị trường gần 1.000 tấn gừng với giá bình quân 10 ngàn đồng/kg. Trao đổi về hiệu quả của cây gừng với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ông Lầu Vả Chồng, Chủ tịch xã Na Ngoi khẳng định: “Với giá trị mang lại, gừng trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con người Mông, Thái, Khơ mú ở địa phương. Thời gian qua, xã đã vận động, giao chỉ tiêu trồng gừng cho các bản. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là do bà con thấy hiệu quả tích cực khai thác quỹ đất để trồng gừng nên diện tích gừng của Na Ngoi tăng nhanh”.

Diện tích gừng của Kỳ Sơn hiện nay đạt 375 ha. Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn, so với một số cây trồng khác được đưa vào trồng ở Kỳ Sơn trước đây, cây gừng có lợi thế là đầu tư ban đầu không lớn; thời gian từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 8 tháng. Cây gừng khẳng định chỗ đứng trên địa bàn Kỳ Sơn có vai trò rất quan trọng trong giảm nghèo cho huyện vùng biên này. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của lãnh đạo địa phương và người trồng gừng đó chính là đầu ra cho sản phẩm gừng, còn bấp bênh. Có mùa giá gừng tươi chỉ khoảng 3.000 đồng/kg; có mùa lại lên đến 35.000 đồng/kg. Trong vụ gừng năm 2014, giá gừng tươi đạt 12 - 14 ngàn đồng/kg. Ông Lầu Vả Chồng trăn trở: “Sản xuất, thu hoạch gừng cũng rất vất vả và mất nhiều công sức. Khi thu hoạch, bà con phải gùi chuyển từ núi cao xuống, hong phơi xong lại gùi từ nhà ra chợ hoặc gần đường để đại lý đến mua. Vì vậy, người dân chỉ mong muốn giá gừng ổn định để yên tâm canh tác”. Còn ông Nguyễn Đình Trị, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: “Theo quy hoạch, Kỳ Sơn phát triển diện tích gừng vào khoảng 500ha. Tuy nhiên, do chưa có đầu ra vững chắc nên trước mắt huyện tập trung nâng cao chất lượng và duy trì diện tích hiện có. Hiện nay, trên địa bàn huyện, phần lớn sản lượng gừng do HTX Hương Sơn đứng ra thu mua”.

Ông Mùa Nỏ Xử, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Nỗ lực tìm đầu ra cho cây gừng, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đã làm việc với Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An để mời gọi đầu tư dự án chế biến tinh dầu gừng công nghệ cao khi doanh nghiệp  này đang xúc tiến tìm hiểu. Nếu thành công đây là giải pháp cơ bản để tìm đầu ra một cách bền vững cho cây gừng. 

Hiện nay, Tổng công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An đang triển khai thực hiện dự án Trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây dược liệu, giống cây trồng sản xuất chế biến gừng và chuối” trên diện tích hơn 76 ha đặt tại địa bàn xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 110 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng đã có quyết đinh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Sau khi tiến hành nghiên cứu và khảo sát, công ty đưa ra mô hình: liên kết sản xuất - điều hành - phân phối - tiêu dùng. Công ty xây dựng thành 2 hệ thống sản xuất hỗ trợ nhau là: vùng nguyên liệu chủ lực và hệ thống khu nguyên liệu liên kết với các nông trại, khu thực nghiệm, vùng trồng gừng và các sản phẩm nông nghiệp khác được hợp tác sản xuất, trong đó có các vùng sản xuất của nông dân và doanh nghiệp khác trên địa bàn. Với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp thuộc dự án, trong đó có cả sản phẩm gừng hứa hẹn có đầu ra ổn định. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Hiền, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp ở khu vực Kỳ Sơn, Tương Dương, đặc biệt là sản phẩm gừng. Hiện nay, công ty đang xúc tiến các bước nhằm đưa dự án vào hoạt động trong thời gian tới”.

Với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng và tiềm năng lao động sẵn có, cùng sự vào cuộc của doanh nghiệp đang mở ra cơ hội phát triển cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn. Đó cũng là nền tảng và động lực giúp huyện 30a đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào vùng biên.

Nguyễn Hải - Nhật Lệ