“BÌNH CŨ, RƯỢU MỚI”
Trong tiệc năm mới diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn gây dựng hòa bình với Triều Tiên, hy vọng Nhà lãnh đạo Kim Jong-un giữ vững cam kết và mong muốn sẽ nhận món quà tốt đẹp từ Bình Nhưỡng.
Ở chiều ngược lại, ngay ngày đầu tiên của năm mới 2020, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un công bố “con đường cách mạng”, đưa ra lời cảnh báo về tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, cho thấy cả thái độ thách thức lẫn sự thận trọng khi đối phó với Washington. Khác với những kỳ vọng của nhà lãnh đạo Mỹ, giới chuyên gia cho rằng, Tổng thống Trump đang đứng trước nguy cơ thất bại trong “ván cờ Triều Tiên”.
Tổng thống Trump bước vào năm mới với việc đối mặt với những đợt khủng hoảng mới, bùng nổ kéo dài với đối thủ cũ Triều Tiên - đang trực tiếp cho thấy thái độ thách thức lẫn sự thận trọng khi đối phó với Wasington, nhất là những tuyên bố của ông Trump về việc khẳng định sức mạnh của Mỹ trên trường quốc tế. Thời điểm của những thách thức mới này là rất quan trọng, bởi nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng, Tổng thống Trump đang đánh giá sai cơ bản về các phản ứng của đối thủ, bởi dường như Triều Tiên không e sợ Mỹ.
Vấn đề cốt lõi trong niềm tin của Tổng thống Trump nằm ở triển vọng đầu tư các khách sạn ven biển tuyệt vời ở Triều Tiên, “sẽ vượt qua tất cả các lợi ích quốc gia khác”, để xoa dịu những bất đồng vốn âm ỉ cháy. Nhưng Tổng thống Trump đã đánh giá thấp niềm tin của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế của Mỹ cho biết: “Sau 3 năm không có khủng hoảng quốc tế, thì nay Mỹ đang phải đối mặt với Triều Tiên và yêu cầu Triều Tiên nhượng bộ thông qua ngoại giao”. Tổng thống Trump không chấp nhận một mối quan hệ ngoại giao truyền thống, mà luôn đưa ra một hiệp ước tạm thời hoặc áp dụng những biện pháp trừng phạt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù nhiều thông điệp gửi đi với tín hiệu tích cực, đầy hy vọng, song đó không phải là một chiến lược. Thậm chí, đây được xem là vấn đề cơ bản của Tổng thống Trump khi bước vào năm 2020. Tổng thống Trump đã từng rất tự tin khi kết thúc cuộc gặp đầu tiên với Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018, nhưng những diễn biến sâu đó không hề suôn sẻ như mong đợi.
Sau 3 lần gặp gỡ hội nghị thượng đỉnh, các cuộc đàm phán Mỹ - Triều vẫn bế tắc ở một nút thắt duy nhất: Washington sẵn sàng nới lỏng lệnh trừng phạt tới đâu và Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân tới mức độ nào.
Các nhà phân tích cho rằng, ông Kim Jong-un đang tính toán dựa trên bối cảnh bất ổn chính trị ở Mỹ, nơi Tổng thống Trump đang phải đối mặt với phiên tòa luận tội của Thượng viện, cùng lúc đó dồn sức cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Lãnh đạo Triều Tiên không muốn vội vàng ký một thỏa thuận có nguy cơ bị hủy bỏ nếu ông Trum không tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
“Kim Jong-un sẽ tiếp tục tìm cách khiêu khích Washington như một cách để chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai mà không cần thách thức trực tiếp Tổng thống Trump”.
CUỘC CHIẾN CHỐNG RÁC THẢI NHỰA
Đích thân Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên của Thái Lan đã có mặt tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Bangkok để phát túi vải cho khách hàng mua sắm. Trong khi đó, tại nhiều cửa hàng bách hóa, khách hàng cũng đang nói không với túi nhựa, bởi người dân ngày càng nâng cao nhận thức về tác hại của nylon đối với môi trường, đặc biệt là sinh vật biển. Bắt đầu từ ngày 1/1, 25.000 nhà bán lẻ, siêu thị tại Thái Lan đã ngừng phát miễn phí túi nylon sử dụng một lần cho khách hàng. Đây là một trong những nỗ lực của nước này nhằm thoát khỏi danh sách những nước có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới.
Cùng với chiến dịch “Mỗi ngày nói không với túi nhựa”, Cục Kiểm soát ô nhiễm (PCD) đã đưa ra kế hoạch hành động trong giai đoạn 20 năm về quản lý chất thải nhựa từ 2018-2037, bao gồm các biện pháp ngăn chặn người Thái sử dụng 7 chủng loại mặt hàng nhựa như: nắp chai nhựa, nhựa phân hủy Oxo, microbead, túi nhựa có độ dày dưới 36 micron (được biết đến rộng rãi là túi nhựa sử dụng 1 lần), hộp đựng thức ăn làm bằng polystyrene, cốc nhựa và ống hút. Các quan chức Thái Lan hy vọng, động thái trên sẽ giúp giảm tiêu thụ 45 tỷ chiếc túi nylon mỗi năm.
Theo ước tính mỗi năm, người tiêu dùng Thái Lan sử dụng 700.000 tấn polystyrene cho các hộp đựng thực phẩm, 1,72 triệu tấn cốc nhựa và ống hút, cùng với 1,17 triệu tấn túi nhựa, làm tăng thêm khoảng 27 triệu tấn chất thải. PCD đã khởi động kế hoạch bằng cách tuyên bố cấm sử dụng nắp nhựa đối với nước uống đóng chai từ năm 2018, với hy vọng điều này sẽ giảm được khoảng 520 tấn nhựa mỗi năm. Tiến tới Bộ Môi trường và Tài nguyên sẽ ban hành lệnh cấm cốc nhựa và ống hút vào năm tới. Ngoài ra, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan đã tuyên bố cấm sử dụng microbead trong tất cả các sản phẩm mỹ phẩm.
Một số nhân viên thu ngân tại siêu thị Golden Place cho biết, các cửa hàng hiện bán túi giấy giá 2 baht đối với mỗi khách hàng không mang theo túi riêng, tuy nhiên thừa nhận không đủ kiên nhẫn “nói không với túi nhựa” đối với những mặt hàng lớn và nặng. Hơn thế, trong khi người dân ủng hộ chủ trương, thì chiến dịch chống túi nhựa sử dụng một lần lại là một kịch bản ác mộng đối với các nhà sản xuất, bởi lo ngại sẽ chịu thiệt hại lớn từ lệnh cấm.
Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp nhựa Thái Lan Somchai Techapanichkul cho biết, chiến dịch ngừng sử dụng nhựa một lần của Chính phủ gây tổn hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thể điều chỉnh sản xuất kịp thời loại sản phẩm có chất liệu nhựa dày hơn.
Theo hiệp hội, có khoảng 500 nhà máy sản xuất nhựa trên toàn quốc với hơn 8.000 nhân viên. Số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh do lệnh cấm gần như chắc chắn. Điều này đồng nghĩa với tình trạng người lao động mất việc làm trong tương lai, và thiệt hại đối với ngành công nghiệp này ước tính khoảng 30 tỷ baht mỗi năm.
“Chúng tôi không phản đối lệnh cấm của Chính phủ, tuy nhiên nó cần có lộ trình dần dần. Việc dừng ngay lập tức sẽ phá hủy hoàn toàn hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, chúng tôi chưa thấy bất kỳ động thái nào của Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp đối mặt với “cú đánh” này” - ông Somchai nói và cho biết Hiệp hội đã gửi kiến nghị cho Bộ trưởng, yêu cầu bồi thường cho các công ty và người lao động.
Để thay thế túi nylon, nhiều nhà sản xuất đã chuyển sang sản xuất túi có nguồn gốc từ thiên nhiên. Chi phí đầu tư cho sự đổi mới này không tốn kém, tuy nhiên, chi phí của mỗi chiếc túi này lại cao gấp 4 lần túi nylon, dẫn đến làm tăng chi phí cho các cửa hàng. Do đó, việc thay thế túi nylon không hề dễ dàng trong “một sớm, một chiều”.
Song song với việc giảm thiểu dùng túi nylon, các nhà chức trách cho rằng, Chính phủ cũng cần đưa ra biện pháp trong quản lý chất thải nhựa, và thúc đẩy tái chế bằng cách khuyến khích mọi người xử lý chất thải có trách nhiệm, không vứt xuống biển.
Nếu như năm ngoái, thế giới chứng kiến những thảm họa thiên nhiên đến từ biến đổi khí hậu, với việc ngay từ đầu năm 2020, Thái Lan đã thể hiện quyết tâm trong bảo vệ môi trường sống. Ước tính, chỉ trong nửa cuối năm 2019, Thái Lan đã giảm tiêu thụ được 2 tỷ chiếc túi nylon, tương đương với hơn 5.000 tấn rác thải nhựa ra môi trường.