Vay tín dụng tiêu dùng để mua tủ lạnh giá 13 triệu đồng, sau 2 năm trả cả gốc và lãi lên tới 20 triệu đồng, nhưng khách hàng vẫn chấp nhận.

Chỉ với 2 triệu đồng có thể sở hữu máy tính, mua điện thoại thông minh chỉ cần 1 triệu đồng… là những quảng cáo người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp tại các cửa hàng, trung tâm điện máy. Sự kết hợp giữa các công ty tài chính và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đã mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn khi mong muốn sở hữu những sản phẩm thiết yếu trong lúc chưa có đủ tiền. Điều cần thiết đối với những khách hàng  là “hãy làm người tiêu dùng thông thái”.


images1413225_vay_tieu_dung_vlxa.jpgẢnh minh họa.

Hoàng Văn Minh- quê Thanh Hóa, là sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học Y Hà Nội. Năm học này, lịch đi thực tập và thư viện cùng với học thêm tiếng Pháp dày đặc trong tuần đã buộc Minh phải tính đến chuyện mua xe máy. Không đủ tiền để trả hết một lúc, Minh tìm đến sự tư vấn của công ty tài chính thông qua hướng dẫn của chủ cửa hàng xe máy trên Phố Huế. Tại đây, Minh đã được vay tới 80% số tiền của chiếc xe trị giá trên 20 triệu đồng, lãi suất khoảng 40%/năm cộng với số tiền trả góp hàng tháng. “Tính ra mỗi tháng em chỉ phải trả chưa tới 2 triệu đồng trong vòng 2 năm, chi phí như vậy là phù hợp với khả năng của gia đình em. Thủ tục vay vốn cũng đơn giản và thuận tiện”- Minh hồ hởi nói.

Theo anh Tú, chủ một cửa hàng xe máy trên Phố Huế, hình thức mua xe trả góp khá thích hợp với sinh viên, người lao động có thu nhập không cao mà đang cần phương tiện đi lại. Việc hợp tác giữa công ty tài chính với cửa hàng đã khiến lượng xe bán ra nhiều hơn trong những tháng qua. “Dĩ nhiên, nếu so với lãi suất ngân hàng  mức lãi suất gần 40%/năm là rất cao nhưng đa phần khách hàng mua xe của tôi khi được tư vấn đều chấp nhận mức lãi suất này bởi họ cho rằng vẫn rẻ hơn đi vay  tín dụng đen còn nếu vay ngân hàng thì rất khó, lại không thể trả góp từng tháng như tại công ty tài chính”- anh Tú chia sẻ.

Bác Nguyễn Đình Tiên ở Âu Cơ- Hà Nội, hiện là khách hàng quen thuộc của một siêu thị điện máy trên đường Tây Sơn sau 2 lần sử dụng dịch vụ cho vay tài chính để mua hàng. Bác Tiên cho biết, hai năm trước, muốn mua một chiếc tủ lạnh mới trị giá 13 triệu đồng nhưng không đủ tiền, nhân viên siêu thị đã hướng dẫn bác vay vốn của công ty tài chính để mua. Đến nay, bác đã trả xong khoản vay cũ và vừa vay khoản mới để mua điều hòa.

Trả lời câu hỏi tại sao lãi suất cao thế mà vẫn vay, bác Tiên bộc bạch: “Đúng là lãi cao quá, đến khi thanh toán hết hợp đồng giá cái tủ lạnh lên tới gần 20 triệu đồng nhưng tôi thấy vẫn rẻ hơn đi vay nóng ở ngoài mà mình lại chủ động được việc trả nợ. Mỗi tháng trích lương ra gần 1 triệu đồng thấy không “xót” bằng việc trả cả khoản tiền. Hơn nữa, vì có nhu cầu mà chưa đủ tiền mua nên đi vay thế này là phù hợp”.

Do không được huy động vốn giá rẻ của người dân như các ngân hàng thương mại; chi phí hoạt động cao (nhân viên, quản lý khách hàng, kênh phân phối trung gian…) nên lãi suất cho vay tại các công ty tài chính hiện đang cao hơn rất nhiều so với mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, với ưu điểm nhanh chóng, thuận tiện, không cần tài sản đảm bảo, chủ động thời gian trả nợ theo khả năng nên việc vay vốn tại các công ty tài chính vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Điều cần thiết đối với các khách hàng khi thực hiện việc vay vốn tại các công ty tài chính chính là xác định rõ nhu cầu thực tế của mình, thu nhập hàng tháng cũng như khả năng trả nợ để có thể tìm một gói vay phù hợp cho bản thân.

Được biết, hiện nay, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng- Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của Công ty tài chính. Khi thông tư này được ban hành sẽ là hành lang pháp lý tốt để quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng. Người dân sẽ được tiếp cận với dịch vụ cho vay thuận tiện hơn, có sự cạnh tranh hợp lý hơn về lãi suất giữa các công ty tài chính./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN