(Baonghean) - Chính phủ đã thể hiện sự mạnh mẽ trong tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn bằng chính sách tín dụng mới. Đó là Nghị định số 55/CP về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nghị định với những qui định thông thoáng như có thể vay không thế cháp lên tới 500 triệu đồng/ hộ và 3 tỷ đồng đối với HTX, trang trại, liên hiệp HTX. Nhưng chính sách này thể hiện không dễ tiếp cận đối với các trang trại, HTX.
Trang trại, HTX khó tiếp cận được vốn
Nhiều chủ trang trại cho biết chính sách tín dụng trên “trái khoáy”, khó tiếp cận bởi qui định là không phải thế chấp nhưng lại phải gửi lại giấy chứng nhận quyền sử đụng đất tại ngân hàng.
Anh Nguyễn Văn Đại ở xóm 7 Nam Xuân (Nam Đàn) là chủ trang trại chăn nuôi khá lớn với tổng đàn nái là 70 con và hơn 200 lợn thịt. Trang trại của anh còn trồng rau sạch và đầu tư xây dựng cơ bản hết gần 5 tỷ đồng. Anh Đại cho biết: được phổ biến về Nghị định 55/ CP, cho vay tới 1 tỷ đồng đối với trang trại và lại không cần thế chấp, tôi và các trang trại khác trên địa bàn mừng lắm. Đi tập huấn lòng khấp khởi, nhưng tập huấn xong mới biết là không dễ tiếp cận nguồn vốn.
"Tôi dự định vay tiền để đầu tư khoảng 100 lợn nái nữa, mỗi con khoảng 7 triệu đồng, tổng là 700 triệu đồng, và 300 triệu thức ăn phục vụ cho đàn lợn nái, tổng cộng cũng 1 tỷ đồng. Tôi cũng biết vay tiền không được cầm tiền về ngân hàng sẽ làm thủ tục và chuyển tiền cho cơ sở bán giống, bán thức ăn và mình chỉ được nhận giống, thức ăn. Nhưng với qui định là phải nộp cho ngân hàng nông nghiệp nơi cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với đối tượng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất QSDĐ) thì tôi không vay được nữa. Bởi không riêng gì tôi mà các trang trại đều đã cầm cố giấy chứng nhận QSDĐ để vay vốn tại ngân hàng trong quá trình đầu tư ban đầu"- anh Đại cho biết.
Anh Nguyễn Vinh Phong, chủ trang trại Phong Oanh, Nam Xuân Nam Đàn cũng chia sẻ: Nghe tin có Nghị định số 55/CP cho vay nông nghiệp nông thôn không cần thế chấp, tôi mừng thầm, tôi đang cần vay vốn để thay đàn nái với 30 con bởi sau 3 năm phải thay nái do giống đã kém, đồng thời vay thức ăn cho đàn nái đó. Hiện nay tôi đang còn nợ ngân hàng 1,1 tỷ đồng trước đây vay để đầu tư tài sản, cải tạo ao hồ… đã thế chấp giấy CNQDĐ, mỗi tháng tôi phải trả lãi khoảng 10,5 triệu đồng. Nhưng nếu phải nộp giấy chứng nhận QSDĐ cho khoản vay mới thì tôi không có cơ hội vay.
Còn đối với Công ty Đại Thành Lộc, đầu tư trang trại chăn nuôi lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ với tổng đàn nái 2.400 con, mỗi tháng sản xuất 5.200 con lợn con, vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng ở Nam Hưng (Nam Đàn) đến nay vẫn chưa được hưởng một chính sách gì về tín dụng. Trang trại này qui mô 26 ha ở Nam Hưng, dự án được triển khai từ năm 2011 đã đi vào hoạt động hiệu quả và tạo nguồn cung về giống tốt cho nhiều địa bàn. Nhưng theo ông Nguyễn Hữu Đảm thì Công ty chưa từng được hỗ trợ gì từ chính sách nông nghiệp.
Chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Nguyễn Văn Lực, khối 4 thị trấn Hưng Nguyên, người duy nhất mới được vay 400 triệu đồng theo chính sách của Nghị định 55/CP. Trang trại ông Lực nuôi 2000 con vịt đẻ, 20 con lợn thịt và có khoảng 5 tấn cá/ năm. Ông Lực cho biết ông mới được vay từ tháng 11/2015,nhưng để được vay ông cũng phải để giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại ngân hàng nông nghiệp. Ông Lực cho hay: “ Đảng và nhà nước có chính sách thông thoáng vậy thôi, nhưng thực hiện không dễ đâu bởi ngân hàng lúc nào họ cũng nắm đằng chuôi. Không có bìa đất khó mà vay được”.
Ông Trần Quốc Chung, Chủ tịch Hiệp hội trang trại Hưng Nguyên cho hay ông đã từng được vay 2 tỷ đồng và thế chấp giấy CNQSDĐ ở ngân hàng. Nhưng nay khoản đầu tư nói trên không đủ cho trang trại, ông muốn vay thêm thì khó mà vay được bởi các qui định “ trái khoáy” của Nghị định 55/CP. Ông Chung khẳng định: Nếu nói vay mà phải là khách hàng tốt và có bìa đất thì vay đâu cũng được chứ đâu cần tới Nghị định 55/CP.
Nam Đàn là địa phương có phong trào chăn nuôi mạnh. Triển khai NĐ 55, Agribank Nam Đàn đã tập huấn cho khách hàng và đến nay đã có những khách hàng đầu tiên được vay vốn theo NĐ số 55/CP. Đó là chị Phạm Thị Thìn, xóm 5 xã Nam Tân được vay 20 triệu để chăn nuôi bò không thế chấp, anh Trần Quí Hòa, xóm 6 Nam Nghĩa, Nam Đàn vay 20 triệu mua bò (không thế chấp), anh Trần Đình Sơn, xóm 7 xã Xuân Lâm vay 589 triệu đồng mua máy gặt đập liên hoàn, ông Chu Văn Bính xóm Hội 1 Kim Liên, Nam Đàn vay 600 triệu đồng mua máy gặt đập liên hoàn, Trần Tiến Đồng xã Vân Diên vay 200 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, dịch vụ…
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Sỹ Hiền, Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Đàn thì hết tháng 10, mới có hộ gia đình là vay được vốn, còn các trang trại, HTX chưa giải ngân trường hợp nào.
Còn ở Agribank Hưng Nguyên, triển khai Nghị định số 55/CP, đến nay đã có tổng số 450 khách hàng được vay vốn, dư nợ đạt từ tháng 7 đến nay đạt 47,5 tỷ đồng. Tuy nhiên theo ông Phạm Văn Hưng, TP tín dụng chi nhánh NH NN huyện Hưng Nguyên thì trong 450 khách hàng vay vốn đó, chỉ có một trang trại được vay vốn, còn lại là các hộ gia đình cá nhân.
Ngân hàng nói gì?
Ông Phạm Văn Hưng, trưởng phòng tín dụng chi nhánh NN NN và PTNT Hưng Nguyên cho biết: Việc gửi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại ngân hàng không phải là thế chấp mà ngân hàng chỉ giữ hộ, để phòng trừ trường hợp rủi ro, nhưng ngân hàng không có quyền xử lý tài sản. Và ông Hưng cũng cho biết để được vay theo Nghị định 55/CP thì hộ cá nhân vẫn gửi lại bìa đất, có thể nói tỷ lệ giữ bìa đất lên tới 100%.
Còn các trang trại, HTX để được vay thì phải xếp loại A, tức là khách hàng tốt. Trao đổi về việc xử lý bìa đất đối với các hộ vay bị thua lỗ thì ông Hưng cũng cho biết: hiện ngân hàng chưa biết xử lý thế nào chỉ biết giữ nguyên đó thôi. Điều này cũng ngầm cho biết: nếu bị thua lỗ, nông dân cũng khó lấy lại được bìa đất. “Chính sách rộng thoáng, nhưng ngân hàng cũng phải làm chặt. Cho vay nhưng ngân hàng phải chịu trách nhiệm với khoản vay của mình”, ông Hưng nói.
Theo lý giải của ông Trần Văn Đức, Phó Giám đốc Ngân hàng NN và PTNT, chi nhánh Nghệ An thì Nghị định 55/CP có mức vay lớn hơn, đối tượng rộng rộng hơn, qui định thoáng hơn. Từ tháng 7 lại nay chúng tôi đã cho vay chính sách này và mức tăng trưởng đạt hơn 7%. Dư nợ 3 tháng triển khai nghị định 55 đã đạt 918 tỷ đồng. Tuy nhiên hầu hết khách hàng phải có bìa đất gửi tại ngân hàng.
Về việc để vay được tiền phải có bìa đất gửi tại ngân hàng, ông Đức cho biết: thực chất là ngân hàng không bắt buộc thế chấp giấy CNQDĐ của hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại mà chỉ giữ hộ tại ngân hàng. Đây là qui định nhằm tránh người vay mang tài sản đi thế chấp nhiều nơi. Theo hướng dẫn của Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam (số 515/QĐ –HĐTV – HSX) thì: “Cơ chế đảm bảo tiền vay là người vay không có tài sản đảm bảo phải nộp cho Agribank nơi cho vay giấy chứng nhận QSDĐ (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận QSDĐ) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và đất không có tranh chấp do UBND xã xác nhận”.
Với qui định nói trên, có thể nói các HTX và trang trại khó mà được vay vốn từ Nghị định này. Bên cạnh đó các chủ trang trại mới, các HTX mới cũng khó tiếp cận được với khoản vay bởi phải là “ khách hàng tốt” của ngân hàng.
Châu Lan
Box: Sau khi Nghị định số 41/CP thể hiện nhiều hạn chế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/CP có hiệu lực ngày 27/7/2015 (thay thế Nghị định số 41/CP) thì tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn cho cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo 8 mức: 50, 100 cho tới 500 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; Tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Tối đa 2 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã; Tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản…
So với qui định của Nghị định 41 trước đây thì mức vay đối với HTX, trang trại đã gấp 4 đến 5 lần (trước đây tối đa 500 triệu đồng).