Dễ chảy máu cam, thường bầm tím chân tay một cách dễ dàng, hoặc đánh răng hay chảy máu, thì nguyên nhân có thể do thiếu vitamin K.
Vitamin Kkhông phải là vitamin mà cơ thể có thể tổng hợp, vì vậy cần bổ sung từ các nguồn khác, mà cụ thể là thực phẩm.
Rau xanh: Các loại rau lá xanh được biết đến là nguồn cung cấp chất chống ô xy hóa, chất sắt, chất xơ, đồng thời dồi dào hàm lượng vitamin K. Cải xoăn, cải bó xôi, rau cải xanh và rau diếp chứa phong phú vitamin K mà cơ thể cần.
Quả việt quất: Chứa nhiều chất xơ, các chất dinh dưỡng phytonutrients, việt quất cũng rất phong phú hàm lượng vitamin K1. Loại vitamin này giúp đông máu, đồng thời có lợi cho xương.
Chất béo lành mạnh: Một muỗng dầu đậu nành chứa 20 - 27 microgram vitamin K, trong khi các loại dầu thực vật khác chỉ có từ 2 - 4 microgram. Ngoài ra, xốt mayonnaise và bơ thực vật cũng chứa hàm lượng vitamin K dồi dào.
Thảo mộc: Các loại thảo mộc xanh không chỉ có đặc tính chống ô xy hóa, trì hoãn quá trình lão hóa mà còn chứa nhiều vitamin K. Chẳng hạn, 100 gr rau mùi tây chứa 164 microgram vitamin K, và húng quế chứa 410 microgram.
Đậu nành lên men: Natto được làm từ đậu nành lên men, là một loại thức ăn phổ biến ở Nhật Bản. Nó cũng là một nguồn tuyệt vời chứa vitamin K, vì 500 mg natto chứa trên 100% lượng vitamin K cần nạp vào cơ thể hằng ngày.
Hành lá: Chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, hành lá giúp bổ sung một lượng vitamin K cho cơ thể. Không chỉ vậy, hành lá cũng chứa chất đạm, chất xơ, vitamin C và vitamin B.
Bột ớt: Theo trang Livestrong.com, bột ớt chứa nhiều vitamin C, vitamin A, vitamin K, kali, selen, phốt pho, can xi và kẽm.
Cà rốt: Một củ cà rốt to vừa phải chứa 10% lượng vitamin K mà cơ thể cần hằng ngày.
Ngũ cốc: Các loại thực phẩm từ ngũ cốc chứa một lượng nhỏ vitamin K. Bánh mì sandwich, bánh bích quy, bánh hamburger... có từ 1 - 11 microgram vitamin K trong mỗi 100 gr.
Theo TNO