(Baonghean) - Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn diễn ra vào 24/10, ngay sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, được coi là thông điệp mạnh mẽ về sự ủng hộ của tỉnh đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp; đồng thời gợi mở hướng đi, cách làm để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Khác với các cuộc đối thoại trước đây, cuộc đối thoại của lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp lần này, bên cạnh bàn giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo đà cho các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, thì mong muốn của lãnh đạo tỉnh là được các doanh nghiệp hiến kế về bước đi, cách làm như thế nào và tiến công vào lĩnh vực nào hiệu quả nhất, cũng như cần có cơ chế chính sách gì để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Phát biểu đặt vấn đề của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc: “Ai sẽ là người làm ra của cải, vật chất? Đó là doanh nghiệp và nhân dân, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, là rường cột. Và doanh nghiệp chính là chủ trong ngôi nhà chung của tỉnh” đã được đông đảo doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ và được khích lệ tham gia nhiều ý kiến tâm huyết.
Từ kinh nghiệm kinh doanh của doanh nghiệp ở 7 năm đầu phải trả giá cho việc lỗ 84 tỷ đồng do xác định không đúng sản phẩm là cây dứa vốn không có lợi thế cạnh tranh, nay đã chuyển hướng phát triển mạnh mẽ, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Nafoods Group cho rằng, tỉnh cần quan tâm phát triển nông nghiệp với các cây trồng có lợi thế, từ đó có cơ chế chính sách nhằm tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Có thể đi theo hướng mỗi loại cây trồng hình thành một chuỗi giá trị nông nghiệp riêng với mô hình công ty riêng. Muốn làm được điều này, tỉnh nên thành lập trung tâm khoa học nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra những ý tưởng, những sản phẩm giống cây trồng có chất lượng, đủ sức cạnh tranh với thị trường chung thế giới. Đồng thời có chính sách đầu tư hỗ trợ riêng cho một số doanh nghiệp đầu đàn ở từng ngành, tạo sức lan tỏa kéo các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực phát triển, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân.
Đề cập ở góc độ sản xuất công nghiệp, ông Phan Xuân Hợi - Công ty CP dệt kim Hoàng Thị Loan, nêu vấn đề: Nghệ An là tỉnh đất đai rộng, nguồn lao động dồi dào. Thực tế, ngành dệt may là một trong những thế mạnh của tỉnh, cần có chính sách thu hút các dự án dệt nhuộm, trong đó chú trọng lựa chọn các chủ đầu tư có năng lực tài chính và công nghệ xử lý môi trường tốt.
Đại diện các doanh nghiệp cũng đề cập: Nghệ An có rất nhiều tiềm năng về du lịch với cảnh quan thiên nhiên đẹp, có nền văn hóa phong phú và các di sản dày đặc. Tuy nhiên, mảng du lịch vẫn chưa được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khai thác tốt. Du lịch - thương mại là một trong mũi kinh tế trọng điểm được Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII xác định cần tập trung lãnh đạo và phát triển. Đề nghị tỉnh cần tập trung hơn với sự quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh thu hút và phát triển du lịch trong nhiệm kỳ tới.
Bên cạnh các ngành, lĩnh vực, mũi cần tiến công, ở hội nghị lần này, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trăn trở làm sao để các chủ thể làm ra của cải vật chất có được tâm thế tốt để phát triển. Nhiều đại biểu quan tâm đề xuất tỉnh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có giải pháp chung và cụ thể, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; nhân lực, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp. Có đại biểu cũng cho rằng, mặc dù đã hội nhập nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp trong tỉnh vẫn chưa năng động bắt nhịp. Đây là vấn đề đáng lo, nếu không chuẩn bị tốt thì chúng ta tự đánh mất thị phần trên chính thị trường nội địa. Tỉnh cần tổ chức một hội thảo để đánh giá khách quan các lợi thế và bất lợi khi hội nhập, từ đó chỉ cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp nào bất lợi, sự bất lợi sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và chính người dân, trong việc đảm bảo an ninh xã hội, trật tự an toàn xã hội...
Trước khi hội nghị diễn ra, thông qua vai trò cầu nối của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Nghệ An, 23 kiến nghị từ các doanh nghiệp đã được gửi đến lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp, tập trung vào 5 nhóm vấn đề, gồm: Quản lý nhà nước, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính; thuế - bảo hiểm xã hội; tín dụng - ngân hàng; giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản; thuê đất, thanh toán công trình. Và với tinh thần cầu thị, cởi mở, thẳng thắn và cùng có trách nhiệm lẫn nhau, tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp đã có 10 doanh nghiệp nêu ý kiến với nhiều kiến nghị. Đề cập đến những vướng mắc, khó khăn làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, bên cạnh do chính sách và những quy định của Trung ương thì một số doanh nghiệp cũng thẳng thắn chỉ ra một số ngành chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp và vì doanh nghiệp.
Bà Trần Thanh Thủy - Giám đốc Viễn thông Nghệ An, nêu vấn đề liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng các trạm PTS, theo quy định tại Nghị định 25 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông nếu các công trình hạ tầng viễn thông nằm ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch thì không cần có giấy phép xây dựng. Nhưng do sự không thống nhất giữa các ngành chuyên môn của UBND tỉnh, cụ thể khi Sở Thông tin - Truyền thông ủng hộ các doanh nghiệp viễn thông thực hiện theo Nghị định 25, thì Sở Xây dựng cho rằng phải theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, và trong danh mục yêu cầu phải có cấp phép không có danh mục về trạm PTS.
Cũng liên quan đến việc xây dựng trạm PTS, về hồ sơ về xin cấp phép xây dựng trạm PTS, quy định của tỉnh là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hệ thống PTS phát triển ở vùng sâu, vùng xa, rất nhiều gia đình không có GCNQSDĐ, thực tế này đang gây khó khăn cho các công ty viễn thông nhưng chậm được xử lý, có thể thay thế bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp từ chính quyền địa phương.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty CP Nafoods Group nêu ví dụ: Cách đây 15 năm, doanh nghiệp tham gia nhập khẩu xe máy, tại thời điểm đó, thuế xuất do Hải quan đưa ra sai, trong thời gian tranh chấp, phát sinh lãi với số tiền gần 2 tỷ. Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương, nếu quá 10 năm là được xóa nợ, nhưng cho đến thời điểm doanh nghiệp vẫn chưa được xử lý, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng nêu nhiều quy trình, thủ tục làm khó doanh nghiệp, như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, tài chính... Thông qua đó, cảm nhận chung một điều rằng, sự vào cuộc để giải quyết các vướng mắc, khó khăn ở một số ngành chưa thật sự trách nhiệm. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc cũng đã thẳng thắn chỉ ra, ý kiến trả lời bằng văn bản của các ngành đối với 23 kiến nghị được các doanh nghiệp gửi trước hội nghị, có những vấn đề trả lời chưa thỏa đáng.
Với tinh thần đối thoại là để lắng nghe và giải quyết hiệu quả các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc, tạo ra môi trường để các doanh nghiệp phát triển, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc kết luận tại hội nghị như một lời cam kết: “Chúng tôi tiếp thu đầy đủ các kiến nghị, phản ánh, đề xuất từ các doanh nghiệp và thể chế hóa bằng các văn bản, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện, tạo môi trường và đà cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Cấp ủy và cơ quan nhà nước các cấp vừa là người lãnh đạo, vừa là người quản lý, nhưng cũng là người phục vụ doanh nghiệp và nhân dân. Về phía các doanh nghiệp cũng cần đoàn kết, hợp tác và cộng sự tốt, tránh cạnh tranh không lành mạnh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với văn hóa con người xứ Nghệ, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo vươn lên lớn mạnh đóng góp cho xã hội, quan tâm đến người nghèo, góp sức để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020...”.
Mai Hoa