"Thủ phạm" gây ra sự kiện tuyệt chủng tồi tệ nhất trên Trái Đất cách đây hơn 250 triệu năm có thể không phải là núi lửa hay các tiểu hành tinh ngoài không gian như những suy đoán trước đây mà là một "nhân vật" nhỏ bé hơn nhiều: các vi khuẩn.

images956099_201444_tuyetchung1.jpgẢnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo giả thuyết mới công bố của nhóm các nhà khoa học đến từ Trung Quốc và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ, một loại vi khuẩn tên gọi Methanosarcina có thể chính là nguyên nhân gây ra sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi trên Trái Đất 252 triệu năm trước đây.

Nghiên cứu lớp trầm tích đá ở khu vực miền Nam Trung Quốc, loài vi sinh vật này sinh trưởng trong môi trường biển với tốc độ chóng mặt thải khí mêtan vào khí quyển và gây ra những thay đổi lớn trong môi trường hóa học đại dương cũng như khí hậu trên Trái Đất.

Theo chuyên gia Gregory Fournier của MIT, núi lửa phun trào không thể gây ra hiện tượng diệt vong đột ngột như vậy nhưng có thể đã giải phóng một lượng niken vào môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn Methanosarcina sinh sôi.

Carbon dioxide (CO2) giải phóng từ hoạt động phun trào núi lửa sẽ giảm dần theo thời gian thay vì gia tăng nhanh chóng và liên tục như nghiên cứu chỉ ra.

Điều này hướng các nhà khoa học đến giả thuyết về một sự tham gia của một loại vi khuẩn có khả năng liên tục sản xuất ra CO2 với cường độ cao, từ đó dẫn đến một quá trình hủy diệt sự sống chớp nhoáng và khủng khiếp.

Sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi là sự kiện tuyệt chủng nghiêm trọng nhất trên Trái Đất, làm cho 96% các loài sinh vật biển và 70% các loài động vật có xương sống trên đất liền diệt vong.

Đây cũng là sự kiện duy nhất làm biến mất phần lớn các loài côn trùng, làm mất khoảng 57% các họ và 83% các chi.

Do phần lớn sự đa dạng sinh học bị mất đi, nên quá trình khôi phục sự sống trên Trái Đất sau đó diễn ra lâu hơn các sự kiện tuyệt chủng khác.

Hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho nguyên nhân dẫn đến sự kiện này.

Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu mới nhất này đã nhận được sự hỗ trợ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, Quỹ Khoa học tự nhiên Trung Quốc và Chương trình Nghiên cứu cơ bản quốc gia Trung Quốc./.

Theo TTXVN