(Baonghean)  - Du lịch cộng đồng ở Quỳ Châu được đề cập từ lâu và trên thực tế, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều đề án, chương trình phát triển du lịch cộng đồng, nhưng hiệu quả đạt được còn hạn chế. Bởi vậy, trăn trở để tìm ra nguyên nhân và xác định mũi đột phá để “kích cầu” du lịch đang được các cấp ở huyện Quỳ Châu chú trọng.

Trong bức tranh du lịch cộng đồng ở Quỳ Châu, nổi bật nhất là cảnh sắc thơ mộng và những nét văn hóa, phong tục, tập quán độc đáo ở làng Thái cổ Hoa Tiến (Châu Tiến). Đây là làng có 100% đồng bào dân tộc Thái, hiện đang bảo tồn được nguyên gốc nhà sàn cùng một số hiện vật khác như: Cối giã gạo, xe nước, nghề dệt thổ cẩm truyền thống... Năm 2009, làng Thái cổ Hoa Tiến được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát chọn điểm để xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng. Từ đó đến nay, mỗi năm, làng Thái cổ Hoa Tiến chỉ đón từ 1 đến 2 đoàn khách du lịch nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. 
 
images1172576_du_kh_ch_nu_c_ngo_i_h_o_h_ng_nh_y_s_p_trong_chuong_tr_nh_l__h_i_hang_bua_nam_2014..jpgDu khách nước ngoài nhảy sạp tại Lễ Hội Hang Bua năm 2014. Ảnh: Thành Chung
 
Chúng tôi tìm đến gia đình anh Sầm Văn Sơn - một trong những hộ được chọn là điểm lưu trú của các đoàn khách quốc tế khi về với làng Thái cổ Hoa Tiến. Gia đình anh sinh sống trong ngôi nhà sàn rộng rãi, có tuổi đời non nửa thế kỷ, với lối kiến trúc cơ bản bảo tồn vẹn nguyên theo nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái, các đồ dùng, vật dụng trong gia đình được gia chủ kỳ công sắp đặt, giữ gìn để không “hiện đại hóa”, làm mất đi vẻ đẹp mộc mạc của không gian sống. Anh Sầm Văn Sơn cho biết, những ngôi nhà sàn như gia đình anh được các đoàn khách nước ngoài rất thích thú: “Gia đình tôi đã 2 lần đón khách lưu trú, họ sinh hoạt, ăn ở cùng với các thành viên trong gia đình một cách rất tự nhiên, hào hứng. Bên cạnh đó, họ tham gia vào các hoạt động trong ngày cùng gia đình như trồng trọt, chăn nuôi, đi lấy nước, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần...”. 
 
Tuy nhiên, anh Sơn chia sẻ, các đoàn khách nước ngoài cũng bày tỏ sự tiếc nuối về việc kết nối tour, tuyến từ làng Thái cổ Hoa Tiến đến các điểm du lịch khác trên địa bàn như hang Thẩm Ồm, hang Bua, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống ... “Khi khách có yêu cầu, gia đình chúng tôi phải sắp xếp công việc đồng áng để đưa họ đi chứ không có phương tiện vận chuyển bằng ô tô chuyên dụng cho du lịch. Giá cả cho chuyến đi cũng chỉ là ước tính chứ chưa có quy định chung. Mặt khác, thật sự bản thân tôi cũng không có đủ kiến thức để giới thiệu cho họ về các điểm đến hấp dẫn, lại khác biệt về ngôn ngữ, thói quen... nên rất khó để phục vụ khách chu đáo.” - anh Sầm Văn Sơn tâm sự.
 
Câu chuyện làm du lịch cộng đồng của gia đình anh Sầm Văn Sơn cũng chính là thực trạng chung của việc phát triển du lịch cộng đồng Quỳ Châu. Nghĩa là, tiềm năng về cảnh sắc thiên nhiên, về sự độc đáo trong phong tục, tập quán là sẵn có, cùng với sự thân thiện, hiền hòa, mến khách của đồng bào... vẫn chưa thể đủ để “hút” và “níu” khách. Cần hơn cả là chiến lược dài hơi, có tầm nhìn cả vĩ mô và vi mô, khai thác tốt tiềm năng sẵn có gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát triển kinh tế. Những mục tiêu ấy, nhiều năm qua, huyện Quỳ Châu đã đặt ra trong Nghị quyết Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015 và ban hành nhiều chương trình, dự án phát triển du lịch. Tiêu biểu có Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010, trong đó nhấn mạnh đầu tư vào du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, qua 5 năm nhìn lại, du lịch Quỳ Châu nói chung và loại hình du lịch cộng đồng nói riêng vẫn chưa có nhiều khởi sắc.
 
Theo đó, hầu hết các di tích, danh thắng trên địa bàn còn ở dạng hoang sơ, chưa được đầu tư, nâng cấp; chưa khoanh vùng bảo vệ theo Pháp lệnh Di tích; công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch thiếu và yếu, kém hấp dẫn du khách. Mặt khác, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng còn hạn chế, mà ở Quỳ Châu, ngoài thổ cẩm, chưa có sản phẩm nào khác để đa dạng hóa lựa chọn cho du khách. Cùng với đó, việc tập huấn cho nhân dân hiểu về hình thức du lịch cộng đồng và tổ chức các lớp học để trang bị nền kiến thức, nhận thức, ngoại ngữ gần như là chưa có, dẫn đến lúng túng, thiếu chuyên nghiệp trong việc tiếp đón khách lưu trú. Hiện, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đủ đáp ứng nhu cầu, toàn huyện chỉ có 3-4 nhà nghỉ, khách sạn, tổng số phòng chưa đến 50.
 
Nguyên nhân được chỉ ra là do điều kiện kinh tế, xã hội của huyện và đời sống của nhân dân còn khó khăn, nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế, nhất là về cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn. Cùng với đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò du lịch cộng đồng trong tổng thể phát triển kinh tế địa phương chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa các ban, ngành, các địa phương ở huyện và các sở, ban, ngành của tỉnh trong quản lý du lịch có mặt thiếu tính đồng bộ như quản lý quy hoạch du lịch, tổ chức quản lý hệ thống kinh doanh dịch vụ du lịch, xây dựng mô hình điểm tham quan và giới thiệu sản phẩm các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống... Mặt khác, không thể phủ nhận kinh phí để đầu tư, duy trì và phát triển các mô hình câu lạc bộ dân ca, dân vũ... còn hạn chế, dẫn đến sự èo uột, mờ nhạt, thiếu chiều sâu trong hoạt động này, kém hấp dẫn du khách.
 
Trao đổi về định hướng phát triển du lịch cộng đồng ở Quỳ Châu, ông Lang Văn Chiến, Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu khẳng định, xác định phát triển du lịch Quỳ Châu là đúng hướng, mục tiêu đã được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, phấn đấu đến năm 2015 (có tính đến 2020), du lịch Quỳ Châu trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn vùng Tây bắc Nghệ An, với cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật vững mạnh, có các sản phẩm du lịch độc đáo. Song song với đó, huyện sẽ nghiên cứu xây dựng các điểm du lịch lịch sử, danh lam, thắng cảnh có tính kết nối, để hình thành các tour du lịch khép kín, phù hợp quy hoạch trên hành trình du lịch sinh thái - cộng đồng của tỉnh để thu hút du khách. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọng thương mại - dịch vụ du lịch chiếm khoảng 37,5%, doanh thu du lịch tăng bình quân từ 21 - 22%/ năm.
 
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần đến sự quyết tâm cao và nguồn lực mạnh. Quyết tâm thể hiện trong việc quán triệt phát triển du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, đẩy mạnh việc quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chú trọng áp dụng các kênh truyền thông hiện đại như mạng xã hội, website... Còn nguồn lực, không thể trông chờ hoàn toàn vào nguồn ngân sách của Nhà nước, mà chính quyền huyện nhà nên năng động, tích cực mở rộng tìm kiếm và kêu gọi xã hội hóa, đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có. Hy vọng, đây sẽ là mũi đột phá hiệu quả để nâng du lịch cộng đồng huyện Quỳ Châu xứng với tiềm năng, lợi thế, tạo điểm nhấn và sức lan tỏa du lịch cho cả vùng miền Tây xứ Nghệ trong tương lai không xa.
 
Phương Chi