(Baonghean) Vấn đề nợ xấu đang là mối lo hàng đầu của các doanh nghiệp và ngân hàng. Làm thế nào để xử lý nợ xấu, hạn chế được rủi ro là vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An đến 30/6/2012, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh lên tới 1.994 tỷ đồng, chiếm 3,15% trong tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 1.028 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó 60% là nợ xấu của doanh nghiệp, còn lại của hộ kinh doanh, cá thể. Nợ xấu tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực: kinh doanh bất động sản, xây dựng, dịch vụ thương mại, công nghiệp khác. Tuy nhiên, dư luận vẫn hoài nghi về con số nợ xấu thực còn lớn hơn nữa mà các tổ chức tín dụng đang “ém nhẹm” chưa hoàn toàn minh bạch. Thanh tra ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cho biết, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng trong nước theo kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là 8,6% (tương đương 202.000 tỷ đồng).

778903_small_78328.jpg

Khối doanh nghiệp xây dựng - một trong những lĩnh vực có nợ xấu nhiều nhất.

Tuy tất cả những khoản nợ xấu đều đã được các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và có tài sản bảo  đảm, nhưng điều đáng nói là một lượng vốn lớn đang “nằm yên” để dự phòng, gây lãng phí! Vấn đề nợ xấu trở nên nóng bỏng hơn lúc nào hết khi nền kinh tế suy yếu kéo dài, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ, con số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể ngày càng nhiều thêm. Giải pháp nào nâng cao hiệu quả công tác xử lý nợ xấu hiện nay? Đó là bài toán chưa có đáp án hữu hiệu khi mà kết quả lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng trả nợ của khách hàng.

Ông Phan Hữu Phùng- Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Nghệ An chia sẻ: Nợ xấu đang là mối lo lớn  nhất hiện nay với chúng tôi. Chi nhánh đang đánh giá lại khách hàng, đối với những khách hàng có khả năng trả nợ trong tương lai, chúng tôi tiến hành cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ cho khách hàng, tạo điều kiện để khách hàng vượt qua khó khăn. Cẩn trọng phân tích, đánh giá lại dòng tiền của doanh nghiệp đang đọng ở đâu, hàng tồn kho hay chưa thu hồi được công nợ, xác định đúng điểm nghẽn của doanh nghiệp để có phương án áp dụng phù hợp nhất. Tuỳ theo từng lĩnh vực kinh doanh của khách hàng để đánh giá, xác định cụ thể, có giải pháp linh hoạt với điều kiện cụ thể của mỗi khách hàng. Đối với khách hàng không có khả năng trả nợ, Chi nhánh  phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Hơn lúc nào hết, giai đoạn này, cả ngân hàng và khách hàng cùng đồng hành, hợp tác với nhau để giải bài toán khó này.

Ông Bùi Xuân Hương- Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Eximbank Vinh bộc bạch: Theo tôi, hiểu và chia sẻ với khách hàng là cách xử lý nợ xấu mang tính hiệu quả nhất. Bên cạnh cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất cho khách hàng, cán bộ Eximbank Vinh tư vấn khuyên khách hàng bán tài sản trả nợ, đồng thời hỗ trợ về thông tin (môi giới) để giúp khách hàng bán tài sản. Có thể sử dụng biện pháp cấn trừ nợ có kỳ hạn (mua bán có kỳ hạn tài sản thế chấp). Song song với xử lý nợ, cán bộ ngân hàng tham mưu, tư vấn với khách hàng về dòng tiền, luồng tiền đang đọng ở đâu? Nếu khách hàng đang kinh doanh bài bản, ngân hàng sẽ cho gia hạn nợ, phân kỳ trả nợ khác nhau, giảm lãi suất để giảm áp lực cho khách hàng. Tin rằng với những khách hàng khi được cơ cấu đúng tiêu chí, phù hợp với điều kiện thì chắc chắn sẽ sớm có nguồn thu, trả nợ cho ngân hàng.

Cũng theo ông Bùi Xuân Hương, nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng nhanh, ngoài yếu tố khách quan do doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, lượng hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp xây dựng khó thu hồi vốn, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thị trường đóng băng… dẫn đến khả năng thanh toán nợ đến hạn không đảm bảo, thì hầu hết các khoản nợ xấu bắt nguồn từ khâu thẩm định quá hời hợt của cán bộ tín dụng khi dự án không tốt cũng đánh giá là tốt để dễ dàng giải ngân vốn cho vay…

Không ít khách hàng khi được kiểm tra về việc sử dụng vốn sau khi vay đã thừa nhận một phần vốn vay được sử dụng vào sản xuất- kinh doanh, phần khác dùng mua sắm vật dụng, thậm chí là chi tiêu cá nhân… đến khi phần vốn đầu tư sản xuất- kinh doanh thua lỗ, không còn nguồn khác để trả nợ ngân hàng, dẫn đến phát sinh nợ xấu. Nhiều khách hàng vay sản xuất kinh doanh nhưng thực tế lại sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến rủi ro, thua lỗ, phát sinh nợ xấu…

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Để công tác xử lý nợ xấu có hiệu quả cần nâng cao trình độ thẩm định của cán bộ tín dụng, đồng thời kiểm tra chặt chẽ quá trình trước, trong và sau khi cho vay để kịp thời có biện pháp xử lý nếu khách hàng sử dụng vốn sai mục đích. Khi khách hàng có dấu hiệu phát sinh nợ xấu, phải tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp phù hợp… Xử lý nhanh tài sản bảo đảm để thu hồi vốn- là giải pháp căn cơ cần làm ngay trong lúc này.


Quỳnh Lan