Một ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời làm báo của mình, là lần tôi về với quê nhà, nơi cơn lũ dữ vừa đi qua. 

Sinh viên Đại Học Vinh trong ngày lễ nhận bằng tốt nghiệp - Ảnh: Trọng Sách

1 Một ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời làm báo của mình, là lần tôi về với quê nhà, nơi cơn lũ dữ vừa đi qua. Về, không giản đơn là để tác nghiệp, mà tận sâu thẳm lòng mình, tôi mong mỏi một sự sẻ chia. Những con đường, mảnh vườn, khoảnh sân, nền nhà và ngay cả tường nhà cũng đọng bùn đặc quánh. Giữa những vội vã, xót xa của bao người đang thu dọn, tôi chợt nhìn thấy cô bé con chừng mươi tuổi, đôi tay run rẩy bới tìm trong đống bùn đặc quánh ấy những cuốn sách còn sót lại sau lũ. Đôi mắt em ầng ậng nước. Đối với em, đó là thứ tài sản quý giá nhất, gắn bó nhất, có được nhờ mồ hôi của mẹ em đổ trên đồng, và nó còn gói ghém những kỷ niệm, những giấc mơ của em. Mỗi lần mở những trang sách ấy, em thấy cả một thế giới mới mở ra trước mắt mình, thế giới của sự hiểu biết, dắt em lớn lên mỗi ngày. Cô bé ấy, tôi được biết thường phải đi mò cua, bắt cá để kiếm thêm tiền phụ mẹ, với mong ước được tới trường…

Chính là nó, cái khát vọng khám phá, khát vọng lớn lên, được “bơi ra biển cả” đã thúc giục con người ta tìm đến tri thức. Con đường ấy, đối với nhiều người là vô cùng gập ghềnh, trắc trở, nhưng người ta vẫn cần mẫn đi. Những bước chân vượt đèo vượt suối, những bước chân vượt trên cả nỗi đau đớn tật nguyền. Trong bom đạn rú gào, thì tiếng đọc bài vẫn vang lên trong những căn hầm tối. Dưới những mái lán chơ vơ giữa đại ngàn, những con chữ hiện ra lấp lánh trong mắt các em nhỏ chứa đựng niềm vui lớn lao…

2 Trong rất nhiều lời ru con, sao tôi cứ nhớ đến thế lời ru người mẹ xứ Nghệ. Lời ru hay cũng chính là những dặn dò: “Con ơi mẹ dặn con này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Là người đói sạch, rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền”. Có gì như sâu thẳm trong lời ru kia. Người mẹ không chỉ nhắc con chăm lo đèn sách, đạt giấc mơ “công thành danh toại”, mà nhắc con về lẽ sống, nhắc con về cái “nợ nước non”. Con hãy học để có được tri thức, và đem chính tri thức, sự hiểu biết của con để đáp đền quê hương, đất nước. 

Tri thức phải đi cùng với nhiệt huyết, với sự cống hiến, với lý tưởng sống cao đẹp. Chính điều ấy đã làm nên một hình tượng Trần Văn Ơn - anh học sinh 19 tuổi - “đem xương máu, sinh mạng của mình để đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm” trong cuộc biểu tình của đồng bào và sinh viên, học sinh ở Sài Gòn - Chợ Lớn chống lại chính quyền thực dân Pháp ngày 9/1/1950. Để từ đó, ngày mà anh Ơn ngã xuống được chọn là Ngày truyền thống Học sinh- sinh viên Việt Nam.

3 Tôi nhớ mãi lần chúng tôi, đám bạn đại học gặp lại mẹ một người bạn cùng lớp khi ra trường được 2 năm. Bác ấy già xọm đi một cách đáng ngạc nhiên, mái tóc bạc gần hết và nỗi buồn thì như ngưng mãi trong đáy mắt. Chúng tôi hỏi thăm về cậu bạn, cái cậu bạn trong con mắt lũ nhà quê chúng tôi thời ấy là “công tử nhà giàu”, tiền tiêu như nước, sau giờ lên lớp là “đi bar”, “đi sàn” và rất vui vẻ khi bị đúp lại một năm. Mẹ cậu ấy nói với chúng tôi, cậu ấy đã ra trường, đi làm ở một cơ quan tốt, thế nhưng đang phải chịu án kỷ luật  nghỉ việc. Và người mẹ ấy, đã nói với chúng tôi những lời gan ruột: “Điều bác tiếc nuối nhất, không phải là công việc tốt của con trai mình mà chính là tuổi trẻ mà nó đã đánh rơi, các cháu ạ. Thời học sinh, sinh viên, thời thanh xuân đẹp đẽ nhất của cuộc đời, nó đã sống mà quên đi hoài bão”. Những lời nói bằng tất cả những đau xót, hối hận của lòng mẹ đã khiến chúng tôi lặng đi. Và đó cũng là điều mà tôi rất muốn nói cùng các bạn - những người đang ngồi trên ghế giảng đường: Đừng đánh rơi tuổi trẻ! 

Nghệ An cuối tuần