Quốc Hội kiểm số phiếu và công bố sáng 8/4, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được đa số phiếu bầu làm Phó Chủ tịch nước.

images1501134_dang_thi_ngoc_thinh_1tg_boez.jpgBà Đặng Thị Ngọc Thịnh (Ảnh: Dương Cầm/Một thế giới)

Theo thông tin trên Một thế giới, sinh ra tại Quảng Nam, đến 5 tuổi, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh và gia đình đã di cư vào Sài Gòn, mang theo nghề dệt truyền thống của người dân xứ Quảng, mưu sinh tại ngã tư Bảy Hiền, cái nôi của cách mạng, vùng lõm chính trị của miền Nam.

Chính vì vậy, bà đã sớm giác ngộ cách mạng, từ năm 13 tuổi. Được các anh, chị đi trước dìu dắt, năm 1974, bà đã tham gia hoạt động bí mật thuộc Ban binh vận Sài Gòn Gia Định. Theo lời bà: “Đó là một giai đoạn giúp cho tôi rèn luyện và trưởng thành rất nhiều”.

Sau ngày thống nhất đất nước, bà được phân công về công tác ở Quận ủy quận 1, TP.HCM. Ở văn phòng Quận ủy, được tiếp xúc với nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối, bà học được nhiều bài học về tư duy lãnh đạo, cũng như cách nghĩ, cách làm của họ.

Năm 1982, bà được phân công về làm Trưởng ban dân vận phường Bến Thành. Đây là phường trung tâm của quận 1, và quận 1 lại là trung tâm của TP.HCM nằm trong tổng thể TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước. Bà Thịnh có rất nhiều áp lực. Chính sự áp lực đã khiến bà đã có một động lực để làm tốt trọng trách được giao.

Họ và tên: Đặng Thị Ngọc Thịnh

Ngày sinh: 25/12/1959

Giới tính: Nữ

Dân tộc: Kinh

Tôn giáo: Không

Quê quán: Xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Trình độ học vấn: Trên ĐH

Trình độ chính trị: Cử nhân chính trị

Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ xây dựng Đảng, Cử nhân khoa học Sử, Cử nhân Luật

Ngày vào đảng: 19/11/1979

Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII

Đại biểu Quốc hội khoá XI, XIII

Nơi ứng cử: Vĩnh Long

Một thời gian ngắn, bà được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành, nằm trong Ban thường vụ Quận ủy quận 1. Năm 1987, bà được bầu làm Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành. Bà Thịnh đã gần gũi, hiểu được nỗi lo cơm áo, gạo tiền của người dân, giải quyết tình hình an ninh trật tự trên địa bàn mình phụ trách.

Sau nhiệm kỳ 4 năm đảm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành, bà Thịnh được đề cử, đảm nhiệm chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận 1. Bà trở thành Viện trưởng Viện kiểm sát cấp Quận trẻ tuổi nhất cả nước, mới 32 tuổi.

Một thời gian, bà được tín nhiệm đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 1, phụ trách mảng kinh tế. Đây là quận trọng điểm về kinh tế của cả thành phố, bà Thịnh đã trăn trở, suy tư rất nhiều kinh tế của quận phát triển.

Bà tiếp tục được tín nhiệm, được điều động về làm Phó Chủ tịch Hội phụ nữ TP.HCM. Chỉ hơn 1 năm, bà trở thành Chủ tịch Hội Phụ nữ TP.HCM, nhiệm kỳ kéo dài trong 4 năm.

“Kinh qua nhiều chức vụ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: Phong trào, công tác đoàn thể, công tác quản lý nhà nước, nội chính…là nền tảng giúp cho tôi làm tốt những công việc sau này”, bà Thịnh chia sẻ.

Làm tốt vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ TP.HCM, bà Thịnh đã được điều động về làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số và Trẻ em Trung ương.

Tháng 4 năm 2006, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (nhiệm kỳ 2006-2010), bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được bầu làm ủy viên dự khuyết BCH Trung ương khóa X. Từ tháng 10/2007, bà giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đến tháng 5/2009, theo quyết định điều động luân chuyển cán bộ của Bộ Chính trị, bà về giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, phụ trách công tác cơ sở Đảng.

Tháng 10/2010, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), bà được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khóa IX.

Tháng 3/2015, theo Quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Tháng 1/2016, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2016-2020), bà được bầu vào BCH Trung ương khóa XII./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN