(Baonghean) - Sau một vụ đông thắng lợi, hiện nay, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung ra đồng làm đất, chỉnh trang đồng ruộng chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Trên các cánh đồng, những ruộng mạ phủ nilon đã bắt đầu lên mầm xanh tốt, sẵn sàng cho việc gieo cấy dự kiến bắt đầu từ ngày 25/1.

Theo lịch thời vụ của huyện Tân Kỳ, từ ngày 5/1 tất cả các xã bắt đầu ra trà mạ đầu tiên. Thế nhưng ở các xã vùng cao, do đặc thù riêng, bà con đã tiến hành gieo mạ từ ngày 1/1/2015. Dù không còn chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng hầu hết diện tích mạ của Tân Kỳ đều được che phủ nilon để chống rét và chuột phá hại, hạt giống trước khi ngâm ủ được xử lý cẩn thận. Thời tiết nắng ấm nên những diện tích mạ đã gieo hiện phát triển rất tốt, tuy nhiên bà con vẫn chủ động dự phòng 10 - 15% lượng giống lúa để phòng thiệt hại do thời tiết diễn biến bất lợi.
 
images1114421_b__con_x__hung___o_l_m_d_t_chu_n_b__cho_v__xu_n__nh_cs.jpgBà con nông dân xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) làm đất chuẩn bị cho vụ xuân Ảnh: c.S
 
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, ông Nguyễn Bá Thức cho biết: Vụ xuân năm nay huyện chủ trương ổn định diện tích các loại cây trồng như lúa, ngô, rau, đậu và giảm diện tích trồng lạc, tăng diện tích mía, nhất là ở các vùng bãi sông hay bị hạn. Toàn huyện phấn đấu đạt 34.842 tấn lương thực, trong đó 27.342 tấn lúa và 7.500 tấn ngô. Hiện tại, vẫn đủ nguồn nước đáp ứng tưới cho cấy lúa, tuy nhiên khả năng đến cuối vụ xuân, các công trình hồ đập trên địa bàn sẽ cạn nước nếu trời không có mưa. Các công trình trạm bơm dọc sông Con chủ động hơn, nhưng cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho khoảng 30 - 35% diện tích lúa trên địa bàn.
 
Bởi vậy, sử dụng nước hết sức tiết kiệm hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của huyện, nhằm cố gắng giữ được nguồn nước ít nhất là cho trà mạ của lúa mùa. “Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là diện tích mía trồng mới. Trong kế hoạch, chúng tôi dự kiến sẽ có 7.000 ha mía, trong đó trồng mới 2.500 ha, gồm 700 ha vụ thu đông và 1.800 ha vụ xuân. Thế nhưng, do lượng mưa năm nay quá thấp, nên nhiều vùng mía đã chặt xong mà không thể trồng mới, hoặc những vùng đã trồng được thì tỷ lệ nảy mầm cũng rất thấp. Chúng tôi đang vận động người dân cố gắng tận dụng nguồn nước sẵn có tưới cho mía nhưng cũng không đáng kể”- ông Thức chia sẻ. 
 
Còn tại huyện Quỳnh Lưu, đến thời điểm này, khoảng 50% diện tích đã sẵn sàng mọi điều kiện cho sản xuất vụ xuân, những diện tích còn lại, bà con tập trung ra đồng vệ sinh đồng ruộng, làm đất. Đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa, chỉnh trang giao thông, thủy lợi nội đồng nên hiện hơn 90% diện tích đất được làm bằng máy, vừa đẩy nhanh tiến độ sản xuất, vừa giải phóng sức lao động và tăng hiệu quả sản xuất. Là vụ sản xuất được cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và nhân dân quan tâm chú trọng đầu tư thâm canh, năm nay Quỳnh Lưu bước vào sản xuất vụ xuân với những điều kiện khá thuận lợi. Hệ thống kênh tưới, kênh tiêu và các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp đang tiếp tục được đầu tư tu bổ, nâng cấp.
 
Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình kỹ thuật như thâm canh lạc phủ nilon, phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng (ICM), canh tác lúa cải tiến (SRI) đang được nhân dân ứng dụng rộng rãi. Một số giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được khẳng định, bổ sung vào cơ cấu giống. Tuy nhiên, xác định vẫn còn những khó khăn như thời tiết vụ xuân thường có những diễn biến bất lợi cho cây trồng, đầu vụ thường có các đợt rét đậm, rét hại, nhất là cây lúa thời gian mạ nên huyện đã chỉ đạo bà con thực hiện phủ nilon 100% diện tích. Từ đầu tháng 1/2015, tại một số vùng sâu trũng, nhiễm mặn cần cấy mạ già ở các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Diễn, Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá... bà con bắt đầu ra mạ, dự kiến tùy theo trà, theo vùng sẽ gieo sớm hay muộn, nhưng ngày 20/1 sẽ kết thúc việc gieo mạ trên địa bàn toàn huyện. “Do lượng mưa năm 2014 thấp, một số hồ đập chưa tích đủ nước, một số hồ đang trong quá trình sửa chữa nên không có nước để phục vụ sản xuất.
 
Việc triển khai nâng cấp đập Bà Tùy, Hóc Mét, Hồ Trung và một số hồ đập ảnh hưởng đến tích nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2015 tại xã Quỳnh Tân, Quỳnh Châu, Tân Sơn..., một số vùng cuối kênh tưới, cao cưỡng, vùng trồng màu thường xuyên thiếu, không chủ động nguồn nước nên vụ xuân năm nay chúng tôi sẽ chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng ngô và các loại cây màu chịu hạn khác. Phấn đấu có trên 50% diện tích gieo trồng các loại giống lúa chất lượng cao”- ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết.
 
Vụ xuân năm nay, với chủ trương trên cơ sở điều kiện từng vùng để bố trí cơ cấu giống cây trồng và thời vụ hợp lý, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng khó khăn để đảm bảo an toàn cũng như nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 86 nghìn ha lúa, trong đó 16 nghìn ha lúa chất lượng; 17 nghìn ha ngô. Trong định hướng cơ cấu giống, chỉ đưa vào các giống lúa đã được công nhận chính thức và đã qua mô hình, khảo nghiệm tốt tại Nghệ An. Năm nay, tiết lập xuân trùng vào ngày 4/2/2015, tức là ngày 16/12/2014 âm lịch, các địa phương căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống và điều kiện thực tế để bố trí lịch thời vụ phù hợp, đảm bảo cho lúa xuân trổ tập trung từ 25/4 đến 5/5, riêng những vùng chạy lụt trổ từ 20/4 đến 25/4. Từ đó, lịch gieo mạ được xác định từ 5/1 đến 25/1 để kết thúc gieo cấy trước 15/2. Theo dự báo, sắp tới trên địa bàn tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường, cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm đầu vụ xuân hay có rét đậm rét hại nên việc che phủ nilon được chú trọng nhằm đảm bảo cho cây mạ sinh trưởng và phát triển tốt. 
 
Từ dự báo của ngành Khí tượng thủy văn, dự kiến vụ xuân năm nay sẽ diễn ra trong điều kiện nhiệt độ thời tiết cao, nguy cơ thiếu nước là rất lớn do lượng mưa năm 2014 thấp. Theo ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung chỉ đạo các đơn vị thủy nông và người dân sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Những vùng cuối kênh, vùng sử dụng nước hồ đập, không chủ động nước hoàn toàn thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các loại cây màu khác có khả năng chịu hạn, trong đó đặc biệt chú trọng đến cây ngô. Một điều đáng quan tâm là nạn chuột đồng hiện đang phát triển rất mạnh, là mối nguy rất lớn có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất vụ xuân. Bởi vậy, các địa phương cần sớm phát động phong trào diệt chuột để bảo vệ mùa màng. Cùng với đó, với xu thế thời tiết hiện tại và theo dự báo, sâu bệnh ở vụ xuân năm nay có khả năng sẽ xuất hiện sớm, phát triển mạnh; bệnh đạo ôn lá có khả năng xuất hiện ngay từ khi lúa mới cấy xong, thậm chí trên mạ. Vì thế, bà con cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra kỹ để phát hiện và phòng trừ kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại của sâu bệnh đối với lúa xuân.
 
Phú Hương