(Baonghean) - Nhà máy Xi măng Sông Lam là dự án trọng điểm của tỉnh, sau 15 tháng đã cho ra lò những sản phẩm đầu tiên đạt chất lượng quốc tế. Từ tháng 11/2016, Nhà máy chính thức đi vào sản xuất với sản lượng gần 13.000 tấn clinker/ngày. Tuy nhiên, giai đoạn 2 vẫn tồn tại và phát sinh một số vướng mắc liên quan đến mặt bằng, đường vận chuyển nguyên liệu đá vôi...
Đẩy nhanh tiến độ thi công
Công ty CP Xi măng Sông Lam đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận QSD đất vào năm 2008 với diện tích 348.850 m2. Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam giai đoạn 1 sau thời gian 15 tháng xây dựng và lắp đặt đã chính thức đưa vào vận hành cả 2 dây chuyền sản xuất clinker. Dây chuyền thứ nhất đã cho ra lò những tấn clinker đầu tiên; năng suất lò đạt 6.000 tấn clinker/ngày.
Tháng 11/2016, dây chuyền thứ 2 cũng đã hoàn thành công tác chạy thử thiết bị và làm lễ đốt lò. Hiện Công ty xi măng tiếp tục hoàn thiện các phần việc đường nội bộ, rãnh thoát nước, trồng cây xanh, xây dựng hệ thống cung cấp nước cho sản xuất.
Ông Hoàng Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Hiện nay chúng tôi đang tập trung giải phóng mặt bằng cho tuyến đường vận tải khai thác mỏ đá vôi; đã lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ GPMB cho 15 hộ dân có đất lâm nghiệp bị ảnh hưởng với tổng giá trị bồi thường GPMB gần 3 tỷ đồng; tổng diện tích đất thu hồi 145.193 m2. Hội đồng bồi thường GPMB đã có văn bản gửi Công ty CP Xi măng Sông Lam bố trí nguồn kinh phí để sớm chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, để phục vụ vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm của Nhà máy Xi măng Sông Lam, tuyến đường N5 nối Khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương) có chiều dài 29,1km, sau gần 1 năm khởi công xây dựng công trình, tuyến chính đi qua 2 huyện là Nghi Lộc, Đô Lương mặt bằng đã được bàn giao cho đơn vị thi công. Tính đến hết tháng 3/2017, nền đường, cầu, cống, móng cấp phối đá dăm thực hiện đạt 100%, gia cố xi măng đạt 93%, thảm nhựa lớp 1 đạt gần 40% tổng chiều dài dự án. Sở GTVT đang chỉ đạo các nhà thầu bố trí đủ 7 mũi thi công trên tuyến, phấn đấu hoàn thành thảm nhựa lớp 1 xong trước ngày 30/4, xong toàn bộ dự án tuyến đường N5 trước ngày 30/6/2017, kịp phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam giai đoạn 2 đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, giai đoạn 2 vẫn tồn tại và phát sinh một số vướng mắc liên quan đến mặt bằng, đường vận chuyển nguyên liệu đá vôi...
Mới đây, tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác UBND tỉnh, UBND huyện Đô Lương với Công ty CP Xi măng Sông Lam về tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư thực hiện dự án và các công trình hạ tầng có liên quan, lãnh đạo công ty cho biết: Công ty đã đưa 2 dây chuyền sản xuất clinker vào hoạt động nhưng nguồn nguyên liệu chưa chủ động.
Hiện tại nhà máy đang tận dụng đá vôi từ việc tẩy sửa mặt bằng trên diện tích 3,5 ha bãi tập kết xe máy cho khu vực mỏ nên chất lượng đá không tốt và khối lượng nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong năm 2017. Ngoài ra, nhà máy thiếu nguồn latarit cung cấp cho sản xuất. Hệ thống mương tưới tiêu dọc 2 bên tuyến đường từ nhà máy vào mỏ chưa được giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư thi công. Riêng mỏ đá vôi, Công ty đang làm thủ tục cấp phép khai thác với diện tích 50,8 ha. Nhưng nếu được cấp quyền khai thác thì vướng vị trí khoảng cách đến kho K41 không được phép nổ mìn khai thác.
Theo ông Đinh Quốc Quyền - Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Sông Lam cho biết: Diện tích mặt bằng nhà máy giai đoạn 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, với 363.353m2 thuộc xã Minh Thành (Yên Thành) và xã Bài Sơn (Đô Lương) nhưng chưa được giải phóng mặt bằng. Một số hộ dân bị ảnh hưởng gần nhà máy và diện tích đất phía Bắc nhà máy (giai đoạn 2) thuộc xã Bài Sơn do chênh lệch độ cao quá lớn, nên dễ bị sạt lở trong mùa mưa bão sắp tới cần được di dời và GPMB.
Xung quanh những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện giai đoạn 2, lãnh đạo UBND huyện Đô Lương cho biết, đối với tuyến mương tiêu dọc hai bên đường công vụ và băng tải, huyện đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB cho 82 hộ dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng; tổng diện tích đất thu hồi 6.374 m2. Đồng thời, tiến hành đo đạc, thống kê, kiểm đếm đất đai và các tài sản trên đất cho 30 hộ dân có đất nông nghiệp và 16 hộ dân có đất thổ cư bị ảnh hưởng bởi dự án đã được UBND tỉnh cho phép di dời. Huyện Đô Lương đề nghị Công ty CP Xi măng Sông Lam sớm hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường để UBND huyện Đô Lương có căn cứ thực hiện di dời và tái định cư cho các hộ dân nằm sát nhà máy đã được UBND tỉnh cho phép di dời.
Được biết, hiện nay UBND tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí GPMB với gần 23 tỷ đồng để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng của phạm vi mở rộng nhà máy và các công trình có liên quan còn thiếu tại giai đoạn 1. “Chúng tôi đang chuẩn bị khởi công dự án giai đoạn 2, bởi vậy, mong muốn UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng, cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất tiếp tục giúp đỡ chủ đầu tư sớm hoàn thành công trình theo tiến độ. Về phía Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu tiên nhận lao động địa phương vào làm việc tại nhà máy (khi hoàn thiện, cụm công trình sẽ cần trên 2.000 lao động) và hỗ trợ người dân quanh vùng xây dựng các công trình công cộng, tích cực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển công nghiệp hài hòa với cuộc sống nhân dân” - lãnh đạo Công ty CP Xi măng Sông Lam nhấn mạnh.
Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam là dự án trọng điểm của tỉnh Nghệ An, được xây dựng với công suất 18.000 tấn/ngày. Trong đó, giai đoạn 1 (từ 2015 - 2017) đầu tư 2 dây chuyền có tổng công suất 12.000 tấn clinke/ngày (tương đương 4 triệu tấn xi măng/năm); giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Giai đoạn 2 (từ 2017 - 2020); dây chuyền thứ 3 với công suất 6.000 tấn clinke/ ngày. |
Thu Huyền