Đây là ngôi Đền tưởng niệm liệt sĩ lớn nhất tại TPHCM, được xây dựng ngay giữa lòng "tam giác sắt" trên vùng đất nổi tiếng Địa đạo Củ chi năm xưa, tưởng nhớ công lao to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ.
Trong không khí trang trọng, thiêng liêng, trước Anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hương hồn các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, hương hồn của 45.639 Anh hùng Liệt sĩ và các Liệt sĩ vô danh, đoàn đại biểu đã thành kính dâng hương, đặt vòng hoa, mặc niệm tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại huyện Củ Chi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, tặng quà 100 gia đình chính sách, hộ nghèo của huyện.
Bước ra từ các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc, Củ Chi đối mặt với đói nghèo, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần “Đất thép thành đồng”, Đảng bộ, chính quyền và người dân Củ Chi đã không ngừng nỗ lực, từng bước cải thiện các mặt đời sống vật chất, tinh thần. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là trên 50 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân trên đất nông nghiệp đạt 360 triệu đồng/ha/năm, có những mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao như trồng lan, trồng cỏ nuôi bò, hoa cây cảnh đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm.
Hiện nay, gần 1.400 km đường giao thông ở huyện Củ Chi được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 730 km kênh mương thủy lợi đã được xây dựng phục vụ nước tưới quanh năm cho gần 25.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của người dân địa phương; nhiều trường học, trạm xá, nhà văn hóa được xây dựng mới khang trang, đáp ứng nhu cầu của người dân... Toàn huyện Củ Chi hiện có 20.539 hộ gia đình chính sách và 8.003 đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hiện nay còn 8%.
Gặp gỡ, nói chuyện chúc Tết người dân huyện Củ Chi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi tới nhân dân vùng “Đất thép thành đồng” Củ Chi những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc đón Tết vui tươi, phấn khởi nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018. Chủ tịch nước ghi nhận và hoan nghênh các cấp chính quyền của TPHCM, huyện Củ Chi đã quan tâm chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, bảo đảm “nhà nhà đều có Tết”, người dân vui Xuân, đón Tết trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân”, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có công với cách mạng.
Việc vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, chăm lo cho gia đình chính sách, người nghèo và nạn nhân chất độc da cam tại Củ Chi là việc làm có ý nghĩa sâu sắc, một món quà ấm áp nghĩa tình trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thể hiện lòng tri ân của cộng đồng, xã hội đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước mong các cấp chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt hơn nữa việc chăm lo đời sống cho người dân, nhất là các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang vui mừng nhận thấy, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng huyện Củ Chi hôm nay đã thay da đổi thịt, đạt được những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là kết quả đáng tự hào, thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền Thành phố và tinh thần trách nhiệm của địa phương. Thành công của TPHCM và huyện Củ Chi có sự đóng góp lớn lao, lặng lẽ của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, của những người đã để lại phần thân thể mình trên vùng “Đất thép thành đồng”. Tinh thần cách mạng, ý chí quật cường đã tiếp tục phát huy trong thời kỳ mới.
Chủ tịch nước bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao của các gia đình chính sách, người có công và động viên các gia đình chính sách nêu gương sáng trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tất cả người dân, nhất là thế hệ trẻ học tập noi theo.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, có được cuộc sống ổn định, kinh tế-xã hội phát triển bền vững là mong muốn của người dân địa phương và cũng là của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm, chúc Tết một số nhân sĩ, trí thức tại TPHCM và Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM và Nhà văn, nhà thơ Vũ Hạnh ( tên thật là Nguyễn Đức Dũng) - nguyên là cán bộ văn hóa Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, là nhà văn nổi tiếng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau năm 1975 ông đã từng giữ chức Tổng Thư ký Hội Văn nghệ TPHCM.