Chiều 29/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì.

Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: TTXVN

Năm 2022, giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ

Trong bối cảnh khó khăn và đầy biến động của năm 2022, ngành Nội vụ đã cùng cả hệ thống chính trị xây dựng và hoàn thiện thể chế, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thông những điểm nghẽn trong quá trình tổ chức thực thi chính sách. Đồng thời, tập trung mạnh mẽ nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ cấp có thẩm quyền giao theo chương trình công tác của Bộ Nội vụ.

Theo đó, năm 2022, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Trong năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương: giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020, Nghị định số 108/2020 của Chính phủ.

Ngoài ra, đến nay, cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, các bộ, ngành đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành. Ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.

Các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: TL

Về tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế.

Đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương trên 79.000 người; trong đó, các bộ, ngành trên 5.500 người và địa phương trên 73.500 người. Điển hình là các tỉnh: Thanh Hóa (4.615); Quảng Nam (3.148); Nghệ An (3.011); Lạng Sơn (2.898); Bình Phước (2.648). Đồng thời, tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022 - 2026.


Giai đoạn 2020 - 2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng hơn 18.800 công chức và hơn 125.100 viên chức. Trong đó, tuyển dụng được 258 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Kết quả tuyển dụng đã cơ bản kịp thời khắc phục tình trạng gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc.

Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thống nhất chủ trương và nghị quyết tổ chức thực hiện. Tích cực tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập đơn vị hành chính đô thị và sắp xếp, mở rộng không gian đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của nhiều địa phương.

Ngành đã chủ động tham mưu đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, tạo bước chuyển biến tích cực về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến quốc gia từ Trung ương đến địa phương. Hoạt động được gắn với đẩy mạnh Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước.

Công tác thi đua - khen thưởng, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, văn thư - lưu trữ và các nhiệm vụ khác tiếp tục có chuyển biến, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành năm 2022.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh: TL

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, ngành Nội vụ cũng chỉ rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có mặt còn hạn chế; tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; về tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức… còn nhiều hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, địa phương.

Tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và kết quả đạt được của toàn ngành Nội vụ trong năm qua, góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như công tác xây dựng thể chế, chính sách có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn; việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và vị trí việc làm.

Bước vào năm 2023, Thủ tướng yêu cầu ngành Nội vụ tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nội vụ; đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đồng bộ, thống nhất; xây dựng cơ chế liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VOV

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu ngành tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2030. Đổi mới mạnh mẽ, thực chất công tác thi đua, khen thưởng để thực sự là động lực thúc đẩy hệ thống chính trị và toàn dân đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Bên cạnh đó, ngành phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, vận động chức sắc, đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo. Tiếp tục làm tốt công tác văn thư, lưu trữ; quản lý nhà nước về hội, quỹ và các tổ chức phi chính phủ; tăng cường công tác thanh tra công vụ, công chức, góp phần nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ; đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tận dụng tối đa tài nguyên số phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành Nội vụ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Nội vụ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Dịp này, Bộ Nội vụ chính thức đưa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đi vào hoạt động.