Cây thuốc ngâm rượu được bày bán tại thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn. Ảnh Hồ Phương
Cây thuốc ngâm rượu được bày bán tại thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Hồ Phương

Mường Xén là thị trấn huyện lỵ của huyện Kỳ Sơn, cách biên giới Việt - Lào, nơi có cửa khẩu Nậm Cắn 25km. Tại khu chợ chính của thị trấn và các điểm bán hàng rải rác dọc tuyến Quốc lộ 7A qua Mường Xén, người ta không khó tìm thấy những mặt hàng được cho là thuốc bổ từ cây rừng. Các thứ cây dễ tìm nhất vẫn là ba kích, xuyên đá, nấm ngọc cẩu, nấm linh chi và nhiều thứ cây rừng để ngâm rượu được quảng cáo có lợi cho sinh lý, chữa được một số bệnh.

Bất cứ người bán nào cũng có thể thao thao bất tuyệt về những thứ cây rừng trong sạp hàng của họ. Nào là ngọc cẩu tốt cho đàn ông. Cây xuyên đá chữa được bệnh đau lưng, nấm linh chi thì là thuốc thần. Dẫu vậy thì mỗi người nói chẳng ai giống ai.

Người bán cứ hồn nhiên chào hàng, khách vãng lai cũng hồn nhiên mua về dùng, làm quà biếu. Mọi sự diễn ra đã qua nhiều năm và dường như các cơ quan quản lý y tế cũng như dược liệu ở địa phương vùng cao này cũng chưa mấy để tâm.

Trên địa bàn huyện Tương Dương cũng là địa phương mà các thứ cây rừng dùng ngâm rượu được bày bán tràn lan dọc quốc lộ. Lâu nay, bản Cây Me xã Thạch Giám đã thành điểm dừng chân của khách vãng lai. Bà con cũng thoải mái bày bán các thứ cây thuốc từ cây rừng cạnh các nông sản như bí đỏ, rau cải, hoa quả và các loại rau ...

Người ta cũng rất dễ tìm thấy nấm ngọc cẩu, sâm cau hay chuối hột tại các sạp hàng được bày ngay cạnh đường cái.

Không khó để tìm thấy những bình rượu thuốc ngâm sẵn được bày bán ở các khu chợ hay thị trấn vùng cao. Ảnh: Đào Thọ

Tại thị trấn Kim Sơn huyện Quế Phong phía Tây bắc của tỉnh, trong số "biệt dược" từ cây rừng mới chỉ có cây chè hoa vàng là được chính quyền địa phương đem đi đánh giá về những công hiệu chữa bệnh...

Cũng chính bởi các loại cây rừng được bày bán tràn lan, kèm theo là lời rao về công dụng mà thói quen ngâm những thứ cây rừng được cho là có tác dụng chữa bệnh cũng rất phổ biến ở vùng cao. Không chỉ vậy, trên một số tài khoản mạng xã hội được cho là của người miền núi xứ Nghệ cũng rao việc thu mua những thứ cây được cho là dược liệu từ rừng. Các trang facebook này còn rao bán những thứ thuốc nam và quảng cáo là có thể chữa khỏi bệnh, dù bệnh nặng.

Người thanh niên bản Chà Lắn xã Hữu Lập, nơi xảy ra vụ ngộ độc rượu khiến 3 người chết khoe chai rượu thuốc với phóng viên. Ảnh : Hữu Vi

Đã đến lúc các ngành chức năng cần vào cuộc quản lý việc buôn bán cũng như sử dụng các thứ cây rừng được cho là có tác dụng chữa bệnh. Người ta không thể phủ nhận tác dụng thực sự của một số loài thực vật rừng đem ngâm rượu uống có thể chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe. Nhưng việc người dùng thiếu hiểu biết về tác dụng thực sự của nó nhiều khi lại là một mối nguy cơ lớn.

Sự việc ở xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn mới đây là một điều đáng tiếc khi 3 người trong một gia đình tử vong sau khi uống rượu ngâm từ một thứ cây rừng mà những người trong bản cũng không biết là thứ cây gì. Người ngâm rượu thuốc đã vĩnh viễn ra đi mang theo cả bí mật về thứ cây rừng được coi là nguyên nhân chính giết chết họ.

Công tác tuyên truyền về sử dụng cây rừng làm thuốc chữa bệnh cũng như bảo vệ sức khỏe có lẽ cần được quan tâm hơn. Để những việc đau lòng xảy ra rồi chúng ta mới nghĩ đến việc này thì quả là đáng tiếc.