Tiến sĩ người Nghệ ở Mỹ lập dự án neo giữ cội nguồn bằng tiếng Việt ảnh 1

Gia đình anh Nguyễn Nghĩa Tài ở Mỹ. Ảnh: NVCC

8 năm trước, ở một thành phố nhỏ thuộc vùng Tây Bắc nước Mỹ, một ông bố, một bà mẹ Việt khát khao tìm kiếm nguồn sách tiếng Việt để đọc cho con nghe, song hầu như không thể tìm thấy; nếu có thì cũng thật quá đắt đỏ. Thi thoảng có người về Việt Nam, họ lại nhờ người mang sách sang, nhưng có sách thì dùng được, có sách thì không.

Sau một thời gian, gia đình họ chuyển đến sống ở California. Đến nơi ở mới, họ quen nhiều bạn Việt hơn, nhưng có một điều làm họ băn khoăn là rất nhiều trẻ em sinh ra ở đây đều không biết tiếng Việt, biết rất ít về Việt Nam mặc dù cha mẹ là người Việt. Họ nghĩ đến câu chuyện của gia đình mình, liên tưởng đến sự mất kết nối của một bộ phận trẻ em người Việt ở nước ngoài xung quanh mình; và nhớ về Andrew Carnegie - người mà hơn 100 năm trước đã bỏ tiền xây dựng nhiều thư viện miễn phí trên toàn nước Mỹ và khắp thế giới. Họ nghĩ, mình phải làm một điều gì đó!

Trẻ em người Việt ở Mỹ nhận sách từ dự án Stories of Vietnam. Ảnh: NVCC

Ông bố, bà mẹ Việt trong câu chuyện trên chính là vợ chồng anh Nguyễn Nghĩa Tài. Họ ấp ủ và khởi động ý tưởng tạo ra một kết nối vô hình với quê hương Việt Nam thông qua các câu chuyện thiếu nhi gần gũi. Anh Nguyễn Nghĩa Tài chia sẻ: “Tôi tin rằng việc bố mẹ đọc sách tiếng Việt cho trẻ nhỏ trong quá trình học nói, học chữ là một trong những cách tốt nhất để phát triển khả năng ngôn ngữ, đồng thời khích lệ các con hướng về cội nguồn. Thói quen đọc sách và tìm hiểu về cội nguồn của mình sẽ phần nào giúp các con thêm yêu văn hóa Việt Nam, tự hào về nguồn gốc của mình, từ đó đóng góp xây dựng một cộng đồng người Việt lớn mạnh hơn trong tương lai”.

Sau nhiều năm ấp ủ và phác thảo ra được mô hình, anh Tài chia sẻ ý tưởng cho một nhóm cha mẹ nuôi con ở Mỹ. May mắn thay, ý tưởng ấy nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt. Cũng từ nhóm cha mẹ đó, anh đã gặp được những người đồng hành để cùng xây dựng nên dự án ý nghĩa này.

Giao diện website của dự án Stories of Vietnam, với bài thơ chủ đề bộc lộ nội tâm của những đứa trẻ gốc Việt sinh ra, lớn lên ở nước ngoài. Ảnh chụp màn hình

Trước khi đi vào vận hành, nhóm thực hiện dự án đã làm một khảo sát nhỏ với hơn 200 phụ huynh nuôi con ở nước ngoài, để tìm hiểu vấn đề mọi người gặp phải trong quá trình nuôi dạy những đứa trẻ đa ngữ. Và những tâm tư như “khó khăn lớn nhất là con càng lớn, mức độ cọ sát với văn hoá Mỹ càng nhiều thì con càng ít hứng thú với văn hoá và tiếng Việt”; “Sự khác biệt văn hóa phương Đông và phương Tây khiến đôi khi con hỏi lại rằng điều gì mới là đúng”… đã càng thêm thôi thúc nhóm vận hành dự án bắt tay vào biến ý tưởng thành hiện thực.

Dự án được đặt tên là Stories of Vietnam, chính thức vận hành vào năm 2021. Đây là dự án phi lợi nhuận được xây dựng nhằm hỗ trợ trẻ em Việt Nam đang sinh sống ở Mỹ tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Việt. Thông qua hoạt động gây quỹ, dự án có nguồn lực để duy trì việc xuất bản và tặng sách song ngữ hoàn toàn miễn phí cho các gia đình gốc Việt tại Mỹ, với hi vọng các cha mẹ có thêm nguồn sách chất lượng, mang tính giáo dục cao để cùng con đọc và hiểu thêm về ngôn ngữ, văn hóa quê hương, từ đó có sự gắn kết với cội nguồn.

Khó khăn lớn nhất của dự án là việc gây quỹ để phát triển, song anh Nguyễn Nghĩa Tài chia sẻ, rất may mắn khi có rất nhiều bạn tình nguyện ở khắp nơi trên thế giới với các chuyên môn khác nhau chung tay giúp đỡ, nên Stories of Vietnam hy vọng sẽ sớm tìm được nguồn tài trợ ổn định và lâu dài. Dự án cũng luôn không ngừng tìm kiếm những nguồn sách chất lượng và uy tín. Từ nửa cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, Stories of Vietnam đã ký biên bản ghi nhớ với hai tổ chức chuyên về phát triển thói quen đọc sách và nâng cao giáo dục cho các bạn nhỏ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Trong 1 năm qua,Stories of Vietnamđã xuất bản 3 đầu sách song ngữ, trao tặng hơn 3.000 bản in tới các gia đình ở 382 thành phố tại 46 bang ở Mỹ, nội dung online được tải về từ 1.246 thành phố ở 41 quốc gia; hơn1.500 trẻ em đọc sách của dự án. Những con số biết nói ấy chính là những thành quả đầu tiên từ sự chung tay góp sức của cộng đồng vì một thế hệ con em gốc Việt ham đọc sách, ham học hỏi, hiểu chính mình, có bản sắc cá nhân, duy trì kết nối với cội nguồn và biết tôn trọng bình đẳng,đa dạng.

Trên website của Stories of Vietnam, rất nhiều phản hồi tích cực từ các gia đình thụ hưởng dự án được ghi nhận. Chị Lan ở bang New Jersey (Mỹ) nhắn tin đầy cảm kích: “Mình mới nhận được cuốn sách “Lại May Hỏng Rồi” do dự án Stories of Vietnam gửi tặng hai bạn nhỏ nhà mình. Sách in và thiết kế rất đẹp, song ngữ, hoàn toàn miễn phí, nội dung biên soạn công phu. Ngoài câu chuyện chính liên quan tới ngày Tết, nhóm biên soạn còn đưa thêm các thông tin về văn hoá, lịch sử để cha mẹ và các con đọc thêm. Bất ngờ và thán phục đội ngũ làm dự án chất lượng tuyệt vời, rất có tâm và có tầm. Cảm ơn các bạn đã thực hiện một dự án rất ý nghĩa để gìn giữ tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho các gia đình Việt Nam ở nước ngoài.”

Phản hồi tích cực của những gia đình nhận sách từ dự án Stories of Vietnam. Ảnh chụp màn hình

Hướng về quê hương, neo giữ cội nguồn không phải là những sáo ngữ, những khẩu hiệu mà đó thực sự là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của một đứa trẻ.

“Mỗi lần các con nhận được cuốn sách định kỳ là nhận được nhiều quan tâm và yêu thương, như một cái cây nhỏ được chăm sóc, rễ sẽ bám thật chặt và cây sẽ vươn thật cao. Một khi con biết mình đến từ đâu, là ai, con cũng sẽ ít cảm thấy chênh vênh khi đối mặt giữa hai nền văn hóa khác nhau; sẽ tự tin hơn khi đi tìm bản sắc cá nhân” - anh Nguyễn Nghĩa Tài chia sẻ.

Và vẫn với niềm tin rằng “Mỗi cuốn sách là một món quà bạn có thể mở đi mở lại” (Garrison Keillor) và thói quen đọc sách được hình thành và duy trì khi các bạn nhỏ được cuộn mình “trong lòng cha mẹ” (Emilie Buchwald), Stories of Vietnam mạnh dạn ấp ủ việc tặng sách cho các bạn nhỏ gốc Việt cả trong và ngoài phạm vi nước Mỹ.