Tin lời quảng cáo có cánh trên mạng, nhiều chị em rút ruột nửa tháng lương mua collagen xách tay để rồi chuốc họa vào thân.
“Loạn” thị trường collagen trên mạng
Chưa đầy 30 tuổi, làn da chị Thanh Nga (Hà Nội) đã nhăn nheo chảy xệ như phụ nữ tứ tuần. Đêm nào thức muộn làm việc, hôm sau da dẻ nhợt nhạt, nám sạm thấy rõ. Nghe đồng nghiệp kháo nhau nếu không bổ sung collagen giúp da săn chắc ngay bây giờ, thì chỉ vài năm nữa thôi khuôn mặt sẽ già nua không thể nào cứu vãn nổi, chị Nga tức tốc lên mạng tìm mua sản phẩm uống.
Có hàng chục loại collagen được shop online giới thiệu cho chị Nga. Không chỉ khác nhau xuất xứ (Mỹ, Nhật, Pháp…), mà còn về thành phần, nguồn gốc chiết xuất collagen (sụn cá, tảo biển…), dạng bào chế (nước, bột, viên nén). Mức giá không hề nhỏ, loại rẻ nhất cũng khoảng vài trăm nghìn.
Chủ shop không tiếc lời ngợi khen, ví von loại collagen cao cấp có giá 1,2 triệu đồng/hộp là “thần dược” cải lão hoàn đồng của phụ nữ Nhật. Người bán còn nhanh miệng khuyên "thượng đế", nếu muốn hiệu quả phải dùng liên tục 3 hộp trong 3 tháng. Chị Nga mủi lỏng rút hầu bao mua cả liệu trình.
Tuy nhiên suốt 3 tháng trời liên tục "bồi bổ" collagen, chị Nga tiêu tốn vài triệu đồng nhưng tình trạng da không cải thiện, thậm chí cơ thể còn có dấu hiệu tồi tệ hơn.
"Uống được một thời gian da tôi có vẻ căng lên nhưng cân nặng có tăng lên, người rất nặng nề, hay lơ mơ, nôn nao, khó tập trung hơn trước. Phản hồi với chủ shop thì không thấy trả lời, đòi đổi trả thì người bán còn nhảy dựng lên mắng tôi té tát", chị Nga kể về cú lừa nhớ đời.
Thị trường online cũng khiến chị Lan Anh (Hà Nội) phải bỏ nghề kinh doanh dược mỹ phẩm, vì không thể cạnh tranh được với hàng xách tay trôi nổi. Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm loại collagen đến từ nhiều thương hiệu khác nhau. Chúng không chỉ khác nhau xuất xứ (hàng nội, nhập ngoại, xách tay, handmade), mà còn về thành phần, nguồn gốc chiết xuất collagen (sụn cá, tảo biển,…), dạng bào chế (nước, bột, viên nén). Mức giá không hề rẻ, khoảng dăm trăm nghìn đến hơn triệu đồng một lọ.
Là người trong nghề, chị Lan Anh biết nhiều đầu mối bán collagen cộp mác Nhật, Pháp, Đức... nhưng sản xuất trong nước hoặc nhập chui từ Trung Quốc về. Họ thường mời chào mua sỉ với giá chiết khấu đến 50%, khiến nhiều người mờ mắt vì tham.
Nhiều người quảng cáo có người nhà bên Mỹ xách tay collagen về Việt Nam, song thực chất là mua hàng nhập nhèm nguồn gốc từ các trang mạng nước ngoài. Thử truy cập trên Taobao, Amazon..., chị Lan Anh tìm thấy hàng trăm loại collagen từ đủ các nước mới nhiều mức giá khác nhau.
Tỉnh táo chọn sản phẩm làm đẹp
Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Da liễu TP.HCM, nếu mua phải sản phẩm collagen giả, sản xuất trong môi trường kém vệ sinh sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Sản phẩm có thể không đảm bảo đủ hàm lượng in trên bao bì, lẫn tạp chất, kim loại nặng (arsenic, chì, thuỷ ngân, đồng, cadmium…) và các chất bảo quản độc hại.
Sau 30 tuổi, phái đẹp có thể bổ sung thêm collagen để trẻ hóa làn da, làm mờ nếp nhăn, dẻo dai xương khớp, tinh tường đôi mắt… Bởi collagen tồn tại khắp nơi trong cơ thể, chiếm 70% cấu trúc da, 90% giác mạc, 20% cấu trúc xương và 50% khớp.
Bác sĩ Hoàng khuyên, phái đẹp nên mua các sản phẩm bổ sung collagen từ những cửa hàng mỹ phẩm, tiệm thuốc tây uy tín hoặc đại lý chính hãng. Để tránh tiền mất tật mang, nên kiểm tra tem chống hàng giả của Bộ Công an bằng cách hơ trên lửa (nếu tem đổi màu trắng sang đỏ là hàng thật). Đặc biệt, nên ưu tiên sản phẩm đã được kiểm nghiệm lâm sàng trên một nhóm người cụ thể nhằm đo lường tính hiệu quả và an toàn trước, trong và sau quá trình sử dụng.
Hiện trên thị trường chỉ có một số ít sản phẩm collagen được kiểm nghiệm lâm sàng. Vì vậy, khi chọn mua nên tìm hiểu xem loại collagen đó có chứng nhận kiểm nghiệm lâm sàng hay không, thực hiện trên quy mô bao nhiêu người, đánh giá thực tế của khách hàng ra sao sau thời gian sử dụng đủ lâu. Điều này sẽ giúp chị em mua được sản phẩm tốt, an toàn và đáng tiền.
Theo VNN