Lương tối thiểu năm 2016 nếu tăng 350-550 nghìn theo từng vùng thì tiền lương tối thiểu mới chỉ đạt được 89% của mức sống tối thiểu.

"Kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015” cho thấy, chỉ 8% người lao động có tích lũy từ thu nhập hàng tháng.

Tiền lương tối thiểu năm 2016 tăng 16% có hợp lý? ảnh 1
 

Tháng 4 năm 2015, Viện Công nhân – công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiến hành khảo sát tại 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương và một số loại hình doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, lương cơ bản trung bình của người lao động là 3 triệu 817 nghìn đồng/tháng. Với mức lương đó, sau khi chi phí hàng ngày, chỉ có 8% người lao động có tích lũy từ thu nhập hàng tháng. Cộng thêm các khoản tăng lương theo năng suất lao động, tiền hỗ trợ nhà ở, đi lại, phụ cấp… trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản chiếm từ 20-25%. Năm 2015, với mức tăng 14,3% đáp ứng được 78-83% mức sống tối thiểu của người lao động. Đặc biệt, khi tăng lương tối thiểu thì người lao động mới được hưởng lợi nhiều.

Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, doanh nghiệp muốn giữ được người lao động thì phải có các khoản trợ cấp, hỗ trợ để người lao động đảm bảo đủ sống: "Khảo sát cho thấy, 62% người lao động nói không có tiết kiệm, chỉ 8% có tích lũy. Đó là chưa kể những người lao động có gia đình, rồi người lao động không được hưởng như tiền điện bằng định mức thấp nhất... chúng ta thấy rằng hầu hết người công nhân khó khăn. Chúng tôi nghĩ rằng phải điều chỉnh tiền lương hợp lý thì mới đảm bảo ít nhất. Nếu theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động lương tối thiểu năm 2016 là 350-550 nghìn theo từng vùng thì tiền lương tối thiểu cũng đạt được 89% của mức sống tối thiểu. Lộ trình phải đến 2017 thì mới đáp ứng mức sống tối thiểu."

Nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm tới mức tăng lương tối thiểu hướng đến nhóm lao động có mức lương thấp hơn tiền lương tối thiểu hiện hành. Đối với nhóm lao động có mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng của nhà nước thì công đoàn cần tăng cường thương lượng tập thể nhằm tăng lương cao hơn cho công nhân lao động mỗi năm. Cùng với việc tăng lương tối thiểu, cần kết hợp với việc tăng năng suất lao động, tăng cơ cấu đầu tư và đổi mới trang thiết bị.

Ông Lê Trọng Sang, Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói: "Yếu tố quan trọng quyết định đến đảm bảo quá trình nâng lương cho người lao động bắt buộc rằng khi tăng tiền lương cần kết hợp tăng năng suất lao động, tăng năng suất đầu tư, đổi mới trang thiết bị, hợp lý hóa  dây chuyển sản xuất. Hiện nay, chúng ta đổi mới năng suất lao động chứ chưa đổi mới công nghệ”./.

Theo VOV.VN