(Baonghean) - Hiện đã qua thời điểm kết thúc thời gian tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ thu theo kế hoạch, tuy nhiên, kết quả đạt được lại rất thấp. Đây là thực tế diễn ra từ nhiều năm nay ở tỉnh ta, dù dịch bệnh vẫn diễn ra liên tục.
 
Số liệu mới nhất từ Chi cục Thú y tỉnh cho thấy: Đến ngày 14/10/2011, nghĩa là thời điểm kết thúc đợt tiêm phòng vụ thu được một tháng rưỡi, toàn tỉnh mới tiêm được 261.875 liều vắc-xin tụ huyết trùng (THT) trâu bò/546.733 con cần tiêm. Tương tự, ở bệnh THT lợn là 138.440 liều/708.967 con (bằng 19,5%), dịch tả lợn là 145.390 liều/708.967 con (20,5% kế hoạch). Trong đó, nhiều địa phương đạt tỷ lệ cực thấp như với THT trâu bò, TP Vinh tiêm đạt 28,7%, Tân Kỳ chỉ đạt tỷ lệ 20,2%. Với bệnh THT lợn, TP Vinh tiêm đạt 14%, Quỳ Hợp 11,3%, Quế Phong 12,3% và Thị xã Thái Hòa 2,9%...
 
Những con số đó nói lên thực tế đáng lo ngại, tồn tại dai dẳng qua rất nhiều năm ở tỉnh ta. Phó phòng Dịch tễ - Chi cục Thú y tỉnh - ông Đặng Văn Minh, cho biết: Năm nay, ngoài những lý do như mọi năm, còn có thêm những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Từ đầu đợt tiêm phòng đến nay, nhiều đợt mưa lụt kéo dài đã làm công tác tiêm phòng bị gián đoạn. Nhưng quan trọng nhất, đó là đến tận thời điểm này, cả 2 mũi vắc xin chủ lực là lở mồm long móng (LMLM) và cúm gia cầm đều chưa đáp ứng được nhu cầu. Từ đợt dịch LMLM bùng phát ở Tân Kỳ, tỉnh ta mới được hỗ trợ 100.000 liều vắc-xin đa tuýp LMLM. Và như vậy, ngoài đàn gia súc của vùng Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Cửa Lò đã được tiêm phòng LMLM từ chương trình vùng vành đai bò sữa, thì 100.000 liều vắc xin chỉ đủ để tỉnh ta tiến hành tiêm phòng cho các xã vùng dịch, vùng bị uy hiếp của Tân Kỳ và một số vùng có nguy cơ cao, từng tồn tại các ổ dịch cũ như Nam Đàn, Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Đáng lo ngại không kém, đến nay chúng ta vẫn chưa nhận được một liều vắc-xin cúm gia cầm nào. Lý giải cho vấn đề này, Cục Thú y Trung ương đã cho biết, sau khi thống nhất xong vấn đề kỹ thuật, cơ quan này đang tiến hành đấu giá vắc-xin LMLM nhưng chưa thống nhất được về giá với đối tác nước ngoài. Vì vậy, phải chờ một thời gian nữa mới có vắc-xin LMLM để tiêm phòng cho đàn gia súc. Riêng đối với vắc-xin cúm gia cầm, thì hiện virút cúm gia cầm ở Việt Nam đã biến đổi sang một thể khác và hiện vẫn chưa tìm được nguồn vắc-xin tương thích. Bởi vậy, rất đáng lo là trong đợt này, đàn gia cầm ở tỉnh ta vẫn chưa được tiêm phòng.

770159_small_68104.jpg

Cán bộ Trạm thú y huyện Anh Sơn kiểm tra, tiêm phòng đàn gia súc. 
                                                                   Ảnh: Sỹ Thuần

Tuy nhiên, cùng những nguyên nhân khách quan trên, thì với những loại vắc-xin đã được đáp ứng đủ như tụ huyết trùng, dịch tả lợn, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh ta vẫn rất thấp. Nguyên nhân vẫn là những lý do “muôn thuở”: ý thức người chăn nuôi, sự lơ là của chính quyền một số địa phương... Ông Trần Minh Hạnh - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh đến tận từng khối xóm, gia đình, nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn chưa nhận thức rõ vai trò của việc tiêm phòng là tự bảo vệ tài sản của mình, không tự giác khai báo, dẫn đến việc thống kê đàn vật nuôi không chính xác, bỏ lọt gia súc, gia cầm trong diện tiêm. Đó là điều rất nguy hiểm, đặc biệt trong điều kiện tổng đàn của chúng ta rất lớn nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, các lực lượng chức năng không thể kiểm soát nổi nếu không có sự phối hợp tích cực của chính các hộ dân.
 
Hiện tại, giá vắc-xin phòng bệnh tai xanh và LMLM khá cao, ở mức hơn 17 nghìn đồng/liều cũng là một nguyên nhân quan trọng làm rất nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ còn tiếc tiền, chỉ miễn cưỡng tiêm phòng theo kiểu “được chăng hay chớ”. Thực tế, hầu như chỉ có các hộ chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại mới tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết. Những năm gần đây, với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, các cấp chính quyền cơ sở đã có sự chuyển biến khá tích cực trong chỉ đạo, phối hợp với lực lượng thú y trong công tác tiêm phòng. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ chuyên môn và chính quyền cơ sở còn lơ là, chưa thực sự vào cuộc với quyết tâm cao. Việc quản lý đội ngũ cán bộ thú y cơ sở không thống nhất, dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm của đội ngũ làm công tác này. Tại địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa, đời sống còn khó khăn, việc tiêm phòng cho đàn gia cầm chưa trở thành thói quen trong suy nghĩ và việc làm của người dân.
 
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta, dịch bệnh vẫn liên tiếp xảy ra, dù các biện pháp khống chế, dập dịch đã được tiến hành khá bài bản. Thực tế đáng ngại đó có một phần nguyên nhân rất quan trọng của việc tiêm phòng yếu. Theo Thạc sỹ Đặng Văn Minh Phó phòng Kiểm dịch Chi cục Thú y, thì trước khi tổ chức chiến dịch tiêm phòng, cũng cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như: dùng vôi bột, hóa chất phun tiêu độc, khử trùng khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh. Cùng với đó, việc tập huấn kỹ thuật tiêm phòng cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở, bảo đảm kiểm soát chất lượng các loại vắc-xin thông thường trên địa bàn cũng rất cần được quan tâm. Đặc biệt, phải tiến hành một cách chặt chẽ, đảm bảo tính chính xác ngay từ bước điều tra, thống kê gia súc, gia cầm, đảm bảo không để lọt vật nuôi cần tiêm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến người dân về lợi ích của tiêm phòng cũng như những tác hại nếu đàn vật nuôi không được tiêm phòng, tích cực đôn đốc các hộ chăn nuôi tự giác tiêm phòng, giúp bà con nhận thức rõ việc tiêm phòng là tự bảo vệ tài sản của mình. Vì vậy, cần chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí được tiêm phòng miễn phí vẫn không tiêm.


Phú Hương