Vùng miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị là Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hoà, có diện tích gần 1,4 triệu ha, chiếm 84% diện tích toàn tỉnh. Là nơi có Vườn quốc gia Pù Mát và hai khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia là Pù Hoạt, Pù Huống, cả Vườn quốc gia Pù Mát và hai khu bảo tồn trên vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tuy nhiên công tác đầu tư phát triển du lịch sinh thái miền Tây thời gian qua còn rất khiêm tốn...
Là khu vực bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật đa dạng, phong phú với nhiều loài đặc hữu, được ghi vào sách đỏ của Việt Nam và thế giới, cơ bản vẫn giữ được vẻ hoang sơ, nguyên sinh là những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Cụ thể như trong các khu bảo tồn thiên nhiên này có nhiều rừng cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, nhiều loại gỗ quý như rừng cây cổ thụ Pơ mu, Sa mu dầu có đường kính từ 3,4 - 4,7 m mà theo các nhà chuyên môn đánh giá hiếm có nơi nào ở Châu Á có được. Có hệ thực vật với hơn 2.600 loài, trong đó có 50 loài thuộc quý hiếm, trên 250 cây dược liệu quý. Hệ động vật gồm 150 loài thú, 300 loài chim, 25 loài bò sát, 82 loài cá, 15 loài lưỡng thể, trong đó nhiều loài được ghi vào sách đỏ.
Vùng miền Tây nằm trên địa hình nhiều dãy đá vôi kết nối nhau, có nhiều đỉnh cao trên 2.700 m, có nhiều hang động, thác nước hấp dẫn như thác Kèm ở Con Cuông, thác Xao Va, thác 7 tầng ở Quế Phong, hang Bua, hang Thẩm ồm, thẩm Chạng ở Quỳ Châu...
Bên cạnh đó, miền Tây là khu vực rộng lớn có 6 dân tộc anh em sinh sống lâu đời, có nhiều di tích LS - VH và nhiều nét văn hoá độc đáo như di tích Thành Trà Lân, bia Ma Nhai, Cây Đa Cồn Chùa ở Con Cuông, đền Chín Gian ở Quế Phong, di chỉ Làng Vạc ở Thị xã Thái Hoà...Đây cũng là nơi lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn...mang đậm nét văn hoá đặc sắc chính là tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Tiềm năng du lịch của miền Tây Nghệ An rất lớn cả về tự nhiên và xã hội, nhân văn. Với 37% các dân tộc thiểu số (hơn 426 ngàn người), miền Tây Nghệ An có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái như vùng miền núi Tây Bắc nước ta. Đồng thời với nhiều hang động, thác nước, suối nước nóng...trong vùng có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù như dưỡng bệnh, du lịch thể thao, mạo hiểm, nghiên cứu khoa học...
Thời gian qua, việc phát triển du lịch ở miền Tây tỉnh ta đã có bước phát triển ban đầu, như: hình thành hai trung tâm du lịch quan trọng của tỉnh là Trung tâm du lịch Vườn quốc gia Pù Mát và Trung tâm du lịch văn hoá - sinh thái Quỳ Châu - Quế Phong theo hai tuyến (đường QL 7 và đường 48). Từ đó bước đầu thu hút trong công tác đầu tư, khai thác du lịch vùng miền Tây đúng định hướng. Nhiều tour du lịch tham quan Vườn quốc gia Pù Mát, thác Xao Va, thác Khe Kèm...đã được tổ chức phục vụ du khách, nhất là lượng khách đến thăm quan Vườn quốc gia Pù Mát năm sau cao hơn năm trước (trong đó thu hút nhiều khách nước ngoài). Cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là giao thông đến các điểm tham quan được quan tâm đầu tư hơn.
Tiêu biểu: nâng cấp đường nối từ QL 7 vào Vườn quốc gia Pù Mát, đường vào thác Khe Kèm ở Con Cuông; đường từ QL 48 vào Hang Bua, hang Thẩm Ồm; đường giao thông nối các huyện biên giới...Bên cạnh đó, công tác đào tạo nhân lực du lịch vùng miền Tây được chú ý hơn, nhận thức về phát triển du lịch cũng được nâng cao một bước.
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị chưa đáp ứng yêu cầu; tiềm năng du lịch miền Tây chưa được quảng bá sâu rộng và thường xuyên tới du khách và thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Thứ hai, công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học chưa được quan tâm đúng mức, do vậy môi trường sinh thái còn bị nhiều tác động xấu, nhất là vùng phụ cận nơi có dân cư sinh sống, nạn săn bắt động vật hoang dã quý hiếm còn xẩy ra nhiều mà chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Lượng du khách hàng năm đến miền Tây vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, vì vậy tốc độ tăng trưởng về du lịch quá chậm, chưa tạo được bước chuyển trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch (đường giao thông, lưu trú, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, điện nước...) còn quá khó khăn. Đến nay toàn vùng mới có 41 cơ sở lưu trú với 468 phòng, có khả năng phục vụ 180 ngàn du khách/năm, chủ yếu là nhà khách của các cơ quan, phần lớn chưa đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch; chỉ có nhà khách của Vườn quốc gia Pù Mát và một vài khách sạn ở Thị xã Thái Hòa đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu đón khách quốc tế. Thứ tư, việc tiến hành nghiên cứu, khảo sát nhằm tìm ra những sản phẩm đặc thù du lịch miền Tây chưa được tổ chức, đầu tư; do vậy chưa có đủ tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá cho du khách.
Mặt khác, hiện chưa có quy chế quy định thống nhất giữa các đơn vị quản lý Vườn quốc gia Pù Mát và hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống cũng gây nhiều khó khăn cho việc đưa đón khách tham quan tới đây.
Phát triển du lịch miền Tây Nghệ An là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện đề án phát triển KT- XH miền Tây Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005. Ngày 8-8-2007, UBND tỉnh Nghệ An đã có QĐ số 94/2007/ QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch miền Tây Nghệ An đến năm 2010.
Theo Đề án được duyệt, đến 2010 sẽ cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch trong vùng; tập trung chủ yếu ở Vườn quốc gia Pù Mát, các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống và Quỳ Châu - Quế Phong. Đồng thời hoàn thành quy hoạch các điểm du lịch hình thành trong quá trình phát triển của vùng như các điểm du lịch hồ thuỷ điện Bản Vẽ, Khe Bố, Bản Mồng, Hủa Na...gắn với du lịch sinh thái trong vùng.
Tập trung đầu tư hạ tầng và dịch vụ du lịch, tạo được sản phẩm du lịch đặc thù. Cụ thể như ở Vườn quốc gia Pù Mát tập trung vào các sản phẩm du lịch sinh thái, khai thác tuyến Phà Lài - Khe Khặng, tuyến vào thác Kèm là vùng lõi của Vườn quốc gia theo đường sông và đường bộ. Đầu tư mở tuyến mới vào bản Tùng Hương và vào rừng cây cổ thụ Pù Xiêm Liệp, các làng nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống...
Ông Cao Đăng Vĩnh - Giám đốc Sở VHTT và DL cho biết: Để khai thác du lịch miền Tây một cách bền vững và thân thiện, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung đầu tư vào các dự án như chỉnh trị dòng chảy sông Giăng từ đập Phà Lài đến bản Cò Phạt dài 8 km với 52 điểm thác, gềnh đảm bảo thuyền du lịch lên xuống quanh năm an toàn; xây dựng các điểm dịch vụ tại đập Phà Lài, bản Cò Phạt, thác Kèm; đầu tư mở đường từ đường 7 vào bản Tùng Hương và đường đi bộ leo núi vào rừng cổ thụ Pù Xiêm Liệp; đầu tư dự án phục hồi Thành Trà Lân, nâng cấp đường vào bia Ma Nhai. Tuyến du lịch Quỳ Châu - Quế Phong tập trung vào dự án xây dựng khu du lịch sinh thái thác Sao Va, mở thêm các tour du lịch lễ hội Hang Bua, lễ hội đền Chín Gian...
Mỗi trung tâm du lịch cần khẩn trương tập trung đầu tư vào từ 1 - 2 điểm du lịch cộng đồng, xem đây là điểm nhấn và là sản phẩm du lịch đặc thù của vùng. Cùng với việc tập trung đầu tư, mở các tour tuyến du lịch mới, cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch cho miền Tây trên nhiều mặt như giáo dục ý thức cộng đồng với việc bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, tránh không bị mai một; tuyên truyền nâng cao hình ảnh du lịch miền Tây, nhất là giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc thù của miền Tây bằng nhiều hình thức đa dạng như tập gấp, đĩa CD, VCD, phim du lịch, mở trang web du lịch miền Tây Nghệ An.
Các ngành, các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, khẩn trương và đồng bộ hơn trong việc thúc đẩy phát triển du lịch. Các địa phương có tiềm năng du lịch cần phối hợp các ngành hữu quan, các doanh nghiệp du lịch trong việc khảo sát, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch và đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch miền Tây xứ Nghệ.