Theo Sputnik, hôm 12/9, tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ đã đánh chặn thành công mục tiêu siêu thanh bằng tên lửa đối không nội địa Astra.

Không quân Ấn Độ cho biết, đây là bài thử nghiệm thứ 8 gần như là bài thử nghiệm cuối cùng trước khi dòng tên lửa này được chính thức trang bị cho tiêm kích Su-30MKI.

Theo kịch bản cuộc thử nghiệm, ngay khi phát hiện và khóa mục tiêu là vật thể bay không xác định có tốc độ bay gần đạt Mach 5, tiêm kích Su-30MKI đã phóng một quả tên lửa Astra và lập tức mục tiêu bị bắn hạ.

Lần gần đây nhất, Không quân Ấn Độ tiến hành thử nghiệm với tên lửa Astra là hồi đầu năm 2017, khi đó quả tên lửa này mang theo radar dẫn đường được phóng đi từ chiếc Su-30MKI và tiêu diệt thành công mục tiêu là chiếc máy bay không người lái.

images2006153_tiem_kich_su30mki_diet_muc_tieu_sieu_thanh_171728766.jpgTiêm kích Su-30MKI phóng tên lửa Astra.

Những vụ thử nghiệm thành công với tên lửa Astra được đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa không đối không của Ấn Độ.

Được biết, tên lửa Astra do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ tự thiết kế và phát triển và hiện có 2 phiên bản là Astra Mk-1 và Astra Mk-2.

Theo thiết kế được tiết lộ, biến thể tên lửa Astra Mk-1 đạt tầm bắn xa 44km với xác suất trúng đích ngay trong lần phóng đầu tiên, trong khi đó, biến thể Astra Mk-2 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa trên 100km.

Việc Không quân Ấn Độ tiếp tục thử nghiệm thành công tên lửa Astra đã đưa nước này trở thành nước thứ 5 trên thế giới có công nghệ sản xuất tên lửa đối không tầm xa. Hiện nay chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp có khả năng sản xuất loại tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu trên không vượt ngoài phạm vi tầm nhìn (90-120 km).

Tuy nhiên, chuyên gia trung tâm quốc tế thuộc Sở Nghiên cứu Kinh tế và Quan hệ quốc tế - Viện khoa học Nga cho rằng, đây không phải là lý do duy nhất để Ấn Độ tiến vào “câu lạc bộ quyền lực”.

Ấn Độ sử dụng bất kỳ hệ thống vũ khí nào đều là để “chứng thực vị thế” của nước này. Nhưng mục đích chủ yếu trong việc phát triển dòng tên lửa này không phải là vị thế mà là nhu cầu quân sự. Ông này cho rằng, Ấn Độ có 2 đối thủ tiềm tàng là Trung Quốc và Pakistan, vì vậy cần phải có loại vũ khí có thể chiếm ưu thế trước máy bay và tên lửa của 2 nước này.

Như vậy, một khi tên lửa Astra được kết hợp với tiêm kích Su-30MKI sẽ tạo nên sức mạnh tấn công cực uy lực của Không quân Ấn Độ. Bởi Su-30MKI có khả năng cực kỳ cơ động và linh hoạt trong tác chiến, đặc biệt dòng tiêm kích này sở hữu hệ thống radar siêu mạnh N011M Bars.

N011M Bars được coi là trái tim của Su-30MKI, đây là loại radar đa chế độ với băng tần kép kỹ thuật số. N011M Bars cung cấp chế độ giám sát không đối không, đối hải, đối đất cùng lúc.

Radar này có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 400km, theo dõi mục tiêu ở cự ly 200km ở bán cầu trước và 60km ở bán cầu sau. N011M có khả năng theo dõi 15 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.

Trợ giúp cho radar N011M Bars là trạm định vị laser quang học OLS-30, đây là một sự kết hợp giữa hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại IRST và hệ thống chỉ thị mục tiêu laser.

Phạm vi phát hiện mục tiêu của OLS-30 lên đến 90km, mục tiêu được hiển thị lên màn hình LCD trong buồng lái tương tự như radar.

Với khả năng của cặp đôi Su-30MKI và Astra, Ấn Độ sẽ có lợi thế rất lớn trước đối thủ trong các cuộc chiến không đối không.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN