(Baonghean) - Nhờ việc thực hiện có hiệu quả công tác vận động nông dân dồn điền đổi thửa, nên trên địa bàn huyện Anh Sơn đã tạo được bước chuyển tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, chuyên sâu. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc đối thoại với đồng chí Đặng Thanh Tùng - Bí thư Huyện ủy Anh Sơn xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Đề nghị đồng chí đánh giá về một số kết quả nổi bật đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU về dồn điền đổi thửa?
Đồng chí Đặng Thanh Tùng:Anh Sơn là huyện miền núi thấp, điều kiện sản xuất đất nông nghiệp manh mún, không tập trung, cũng như đưa cơ giới hóa vào sản xuất, do vậy, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa là giải quyết được vấn đề bức thiết trong sản xuất nông nghiệp. Trước khi Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08- CT/TU, thì BCH Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về việc tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất. Theo đó, UBND huyện cũng ban hành đề án vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất.
Anh Sơn không làm ồ ạt các xã trên diện rộng mà chọn 2 xã làm điểm là Cẩm Sơn và Hùng Sơn, đây là 2 xã có kết quả rõ nét từ khi có Chỉ thị số 02- CT/TU, chuyển dịch tốt cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh hàng hóa có hiệu quả, thuộc 2 xã vùng tả hữu ngạn sông Lam để nhân ra diện rộng. Các xã đều có nghị quyết chuyên đề về vận động nhân dân chuyển đổi ruộng đất, thành lập ban chỉ đạo cấp xã, tiểu ban chỉ đạo ở các thôn, xóm.
Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo, công tác tuyên truyền vận động, sự vào cuộc quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nên đã thống nhất từ chủ trương đến hành động, và kết quả đạt được khá thuyết phục. Toàn huyện đã có 20/20 xã thực hiện; với diện tích bình quân sau dồn điền, đổi thửa 1.277 m2/thửa; bình quân 2,8 thửa/hộ; việc thực hiện dồn điền đổi thửa đã tạo một bước hoàn thiện về hạ tầng đồng ruộng, hệ thống giao thông nội đồng, mương thủy lợi; đặc biệt việc đưa cơ giới hóa vào các công đoạn của quá trình sản xuất nông nghiệp, đã trở thành cuộc "cách mạng" thực sự.
Trên các vùng đất sau chuyển đổi, các xã đã quyết liệt trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống mới, cây mới, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, tăng giá trị sử dụng đất, và cuối cùng là thông qua chuyển đổi ruộng đất đã làm thay đổi tư duy, tăng thu nhập đáng kể cho chính người dân trên thửa ruộng sau chuyển đổi.
Phóng viên:Như đồng chí đã nói mục đích của việc dồn điền đổi thửa là thay đổi tư duy của người nông dân, tăng giá trị sử dụng đất, tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ dân, cụ thể vấn đề này, đồng chí có thể cho biết ở Anh Sơn ra sao?
Đồng chí Đặng Thanh Tùng:Sau chuyển đổi ruộng đất với việc tích tụ được diện tích trên mỗi thửa của mỗi hộ lớn hơn rất nhiều so với trước chuyển đổi, cơ bản đã khắc phục được tình trạng đất manh mún. Nông dân Anh Sơn có bước chuyển khá mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ ở những vùng, ở một số xã thuận đường giao thông bà con nông dân mới sản xuất hàng hóa như Cẩm Sơn, Tường Sơn, Đỉnh Sơn, mà các xã vùng trong như Hùng Sơn, Tào Sơn cũng đã có bước chuyển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, trồng cây nguyên liệu.
Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa thì tại Anh Sơn, nông dân sau chuyển đổi ruộng đất rất tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, dần khép kín quy trình sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Hiện địa bàn huyện đã có hơn 2.240 máy nông nghiệp, trong đó chỉ có 364 máy mua theo cơ chế hỗ trợ chính sách, 1.817 máy nông dân tự mua bao gồm máy cày, máy tuốt lúa, máy tẻ ngô, sấy ngô, máy hái chè, máy phun thuốc...
Phóng viên:Vậy bài học gì mà Anh Sơn cần được rút ra và có ý nghĩa trong chỉ đạo thực tiễn thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Thanh Tùng:Một số bài học có ý nghĩa thực tiễn thông qua chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa cần phải tiếp tục phát huy như sau:
Một là, phải xác định được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích to lớn của dồn điền, đổi thửa, từ đó phải thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền vận động, thuyết phục nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Hai là, quan điểm chỉ đạo phải cương quyết, xác định dồn điền đổi thửa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; tránh tư tưởng qua loa, hình thức, đối phó; cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã phải thực sự quan tâm vào cuộc; không được coi đây là nhiệm vụ riêng của UBND, của cán bộ chuyên môn; quá trình thực hiện các bước phải thực sự khoa học, dân chủ, khách quan, công tâm; “dồn điền, đổi thửa” đến đâu phải cho nhân dân thấy hiệu quả đến đó như chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp giao thông thủy lợi nội đồng, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả…
Ba là, đề án, phương án, kế hoạch các bước dồn điền đổi thửa của xã và của thôn, bản phải sát đúng với tình hình thực tế về đất đai, con người, điều kiện kinh tế, xã hội của xã và của từng thôn, bản. Phải phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ phụ trách lĩnh vực, địa phương, cơ sở; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Bốn là, phải đánh giá, rút kinh nghiệm; biểu dương, khích lệ, động viên khen thưởng kịp thời những đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, hiệu quả, đồng thời kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể và từng cá nhân đối với những đơn vị thực hiện chậm, kém hiệu quả.
Phóng viên:Trong nhiệm kỳ này Anh Sơn có giải pháp gì để khắc phục tình trạng còn manh mún đối với đất bãi, đất vùng nguyên liệu cho cây công nghiệp?
Đồng chí Đặng Thanh Tùng:Hiện nay, Anh Sơn đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu cho một số loại cây công nghiệp chính của huyện như mía, chè, sắn. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay trên phạm vi quy hoạch vùng nguyên liệu này gắn với chế biến đối với từng loại cây này đang khá manh mún, ảnh hưởng đến việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cũng như thay đổi quy trình nâng cao hiệu quả sản xuất cây công nghiệp.
Trên diện tích quy hoạch cây mía nguyên liệu, Công ty CP mía đường sông Lam cũng đã có động thái rất tích cực thuê lại đất của nhân dân trong Thung Bừng, Thung Cang (xã Cẩm Sơn) với việc thay giống mới, đưa cơ giới hóa vào các công đoạn sản xuất và một số vùng nguyên liệu khác đã tạo nên một sự đối chứng so sánh khác biệt về hiệu quả của cây mía. Đồng thời, Công ty mía đường sông Lam đã làm việc với các xã Đỉnh Sơn, Hùng Sơn, Cẩm Sơn và Hội Sơn có diện tích đất bãi ven sông Lam trồng màu kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng mía. Và đây cũng là cơ sở để Công ty mía đường sông Lam triển khai đồng loạt trên vùng nguyên liệu trong các vụ sau.
Có thể nói, từ động thái tích cực của Nhà máy đường sông Lam và chúng tôi thấy sự cần thiết phải có diện tích lớn liền thửa để đưa cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo năng suất hiệu quả cao, sẵn sàng cho một nền kinh tế nông nghiệp gắn với chế biến trong giai đoạn hội nhập TPP. Tới đây, Anh Sơn sẽ rà soát lại quy hoạch, nghiên cứu tìm giải pháp hợp lý để đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, tạo nên sự bền vững giữa sản xuất và chế biến, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi loại cây trồng.
Phóng viên:Cảm ơn đồng chí!
Hữu Nghĩa (Thực hiện)