(Baonghean) - Trong vụ Xuân thường rất dễ xảy ra dịch bệnh cho đàn vật nuôi do thời tiết thường xuyên thay đổi đột ngột, cộng thêm giá rét, mưa ẩm… Nằm ở vùng địa bàn tuyến đầu phía bắc của tỉnh, công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm vụ Xuân năm 2016 đang được Thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu tích cực triển khai.
Huyện Quỳnh Lưu có tổng đàn gia cầm gần 1,4 triệu con. Xác định tiêm phòng bằng vắc-xin là biện pháp kỹ thuật nhằm tạo miễn dịch chủ động, tăng sức đề kháng cho đàn gia cầm để hạn chế và làm giảm mức độ lây lan khi có dịch bệnh xảy ra. Do đó, huyện đang tập trung chỉ đạo 33 xã, thị trấn trên địa bàn triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc-xin vụ xuân năm 2016.
Cán bộ thu ý xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm. Gia đình chị Phạm Thị Đức ở xóm 2, xã Quỳnh Bá có 2.500 con vịt đang độ tuổi sinh sản. Ngay đầu tháng 3, chị đã đăng ký với cán bộ thú y xã để mua vắc-xin về tiêm phòng. Ngày 15/3, cán bộ thú y xã đã tới tận gia trại của gia đình chị để tiến hành tiêm phòng cho đàn vịt. “Dù có tổng đàn gia cầm lớn, nhưng từ khi mua giống về nuôi đến khi đàn vật nuôi sinh trưởng đều tiêm phòng đầy đủ, nhờ vậy đàn vịt rất ít khi bị dịch bệnh. Nhờ chăn nuôi ổn định, mỗi năm gia đình thu về 100 - 120 triệu đồng tiền lãi. Đợt tiêm phòng này, gia đình tôi thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc-xin như viêm gan, dịch tả… bởi đây là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa dịch bệnh. Hiện có khoảng gần 500 con vịt đã được tiêm vắc-xin, còn lại đang tiếp tục tiêm trong những ngày tới” - chị Đức cho biết.
Theo kế hoạch, tiêm phòng vắc-xin vụ xuân cho đàn vật nuôi ở Quỳnh Lưu bắt đầu từ ngày 15/3 và kết thúc ngày 6/4. Đối với đàn gia cầm, người chăn nuôi chủ động tiêm phòng các loại bệnh thông thường như cúm gia cầm (H5N1), newcastle, tụ huyết trùng, gumboro, dịch tả vịt… Đặc biệt, người dân cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để phòng bệnh. Dự kiến lượng thuốc để tiêm phòng cho gia cầm đợt này là gần 1 triệu liều vắc-xin.
Gia cầm thuộc diện tiêm vắc xin cúm gia cầm (H5N1) phải từ 2 tuần tuổi trở lên. Ông Đậu Đăng Định - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, để đảm bảo kế hoạch tiêm phòng, trong thời điểm này, chúng tôi đã cử cán bộ trạm xuống tận các thôn, xóm, đặc biệt xuống tận từng hộ dân để hướng dẫn cách tiêm phòng và kiểm tra việc tiêm phòng sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, để đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tỷ lệ cao nhất, trạm luôn thực hiện theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đây được xem là phương pháp tuyên truyền hiệu quả và tích cực.
Tại thị xã Hoàng Mai, công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đang được các địa phương triển khai đồng bộ. Toàn thị xã có trên 300.000 con gia cầm, tập trung nhiều nhất ở xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Xuân. Theo kế hoạch, thị xã Hoàng Mai chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu tỷ lệ tiêm đạt 90%. Bắt đầu từ 15/3, tất cả các phường, xã sẽ triển khai công tác tiêm phòng cho gia cầm. Các địa phương trực tiếp nắm tổng đàn gia cầm ở các hộ dân để đăng ký vắc-xin với trạm thú y. Sau khi triển khai xong, cán bộ thú y sẽ nhận vắc-xin và xuống tận các hộ dân để tiêm phòng cho vật nuôi. Hiện có khoảng 30% tổng số hộ dân đăng ký mua vắc-xin tiêm phòng cho gia cầm và sẽ tiếp tục đăng ký tiếp trong thời gian tới.
Ông Hồ Nghĩa Bính - Trạm trưởng Trạm Thú y thị xã Hoàng Mai cho biết, trạm đã cử cán bộ phụ trách chỉ đạo sâu sát xuống tất cả các xã, phường. Đặc biệt, công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh của thị xã cũng như tại các xã, phường đều được triển khai sâu rộng, thường xuyên. Nhờ đó, ý thức về tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi của bà con nông dân ngày càng được nâng cao.
Việt Hùng