(Baonghean) - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm chăm lo công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) với nhiều giải pháp cụ thể. Qua đó, góp phần phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, gây dựng hạt nhân cho các phong trào cơ sở.
Nỗ lực phát hiện, tạo nguồn
Tại huyện Quỳ Châu, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát hiện, tạo nguồn, công tác phát triển đảng viên nữ tăng dần tại 146/146 chi bộ nông thôn, trong đó chủ yếu là nữ dân tộc thiểu số (DTTS).
Ví như tại xã Châu Hội, 6 tháng đầu năm 2017, Đảng bộ xã kết nạp 6 đảng viên trong đó có 3 đảng viên nữ. Nhiều chi bộ trên địa bàn duy trì và phát triển được tỷ lệ kết nạp đảng viên nữ hàng năm. Nổi bật là Chi bộ bản Hội 1, trong tổng số 33 đảng viên có tới 13 đảng viên nữ.
Chị Lữ Thị Thảo, sinh năm 1986, được kết nạp vào Đảng trong năm 2016 chia sẻ: “Nhờ tích cực tham gia sinh hoạt đoàn thể, tôi đã được chi bộ phát hiện, giáo dục, bồi dưỡng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là một niềm vinh dự, tự hào và động lực lớn để những người phụ nữ dân tộc Thái như chúng tôi tiếp tục cố gắng phấn đấu khẳng định vai trò, vị thế trong cộng đồng”.
Đồng chí Lang Văn Xuân - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu cho hay: Mỗi năm huyện kết nạp từ 150-170 đảng viên, trong đó đảng viên nữ chiếm trên 60% chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Không chỉ là hạt nhân trong các phong trào cơ sở, nhiều đảng viên nữ dân tộc thiểu số còn là điển hình kinh tế giỏi, là bí thư chi bộ, trưởng bản được Đảng tin, dân mến. Hiện toàn huyện Quỳ Châu có tới 74 đảng viên nữ là bí thư chi bộ...
Tại huyện Quế Phong, nếu năm 2015, trong tổng số 231 đảng viên được kết nạp chỉ có 59 đảng viên nữ thì đến năm 2016 trong tổng số 211 đảng viên được kết nạp, đảng viên nữ là 92 đồng chí (chiếm 43,60%).
8 tháng đầu năm 2017, trong tổng số 140 đảng viên mới kết nạp trên toàn huyện, có tới 60 đảng viên nữ, chủ yếu là nguồn phát hiện, bồi dưỡng ở chi bộ cơ sở. Điển hình như Đảng bộ xã Thông Thụ có 13 chi bộ thôn bản, bình quân mỗi năm phát triển được 3-5 đảng viên nữ. Hiện tại, đảng viên nữ có 93 đồng chí/ tổng số 367 đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Theo bà Lương Thị Hồng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thông Thụ: “Ngoài việc phân công cán bộ, đảng viên nữ gương mẫu, giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết trực tiếp phát hiện, tìm nguồn từ các quần chúng ưu tú là nữ, cấp ủy, chính quyền còn chỉ đạo các đoàn thể như đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân thúc đẩy các hoạt động phong trào. Qua đó lựa chọn nhân tố tích cực để bồi dưỡng, tạo nguồn".
"Trong năm 2017, đến thời điểm này, Đảng bộ xã Thông Thụ đã kết nạp được 2 đảng viên nữ là chị Ngân Thị Náng, SN 1993 ở bản Mường Phú và Lô Thị Hoàn, SN 1986 ở chi bộ trường mầm non...” - bà Hồng cho hay.
Thực tế ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy, để làm tốt công tác phát triển đảng viên từ quần chúng tích cực là nữ người dân tộc thiểu số, giải pháp hữu hiệu nhất là thông qua chính những đảng viên nữ để tuyên truyền, vận động. Muốn vậy, trước hết phải gây dựng được những đảng viên nữ thật sự tiêu biểu làm “hạt nhân”, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Như tại xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Đảng bộ xã đã gây dựng được những nhân tố “hạt giống” là cán bộ nữ, nổi bật là chị Hờ Y Nhìa, sinh năm 1985, vốn là Chủ tịch Hội LHPN xã được tín nhiệm bầu vào chức danh Phó Bí thư trực Đảng ủy xã, đồng thời là Ủy viên BCH Đảng bộ huyện Kỳ Sơn.
Hiện nay, Đảng bộ xã Nậm Cắn có 9 đảng viên nữ người Mông, trong đó có 5 người là cán bộ. Cũng nhờ cách làm dùng chính đảng viên nữ làm “gương” để tuyên truyền, vận động quần chúng nữ cùng với nhiều giải pháp thiết thực khác hiện nay, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn có số lượng đảng viên nữ đông đảo gồm 463 đồng chí, trong đó có 45 đảng viên nữ người Mông...
Cần tiếp tục thay đổi nhận thức
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song nhìn chung, hiện nay, công tác phát triển đảng viên nữ nói chung, đảng viên nữ DTTS nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Có những chi bộ nhiều năm không phát triển được đảng viên nữ dân tộc thiểu số.
Nguyên nhân là do định kiến “trọng nam khinh nữ” còn nặng nề ở nhiều địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cả tâm lý an phận, tự ti trước rào cản xã hội của phụ nữ vùng cao.
Mặt khác, theo ông Lim Dương Sinh - Bí thư Đảng ủy xã Châu Hội (Quỳ Châu): “Phụ nữ vùng cao chịu nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội học hành, trình độ, năng lực tham gia công tác xã hội, nhận thức về Đảng còn hạn chế nên khó đủ tiêu chuẩn để tạo nguồn phát triển đảng”.
Số có đủ trình độ, năng lực thì an phận, thiếu chí hướng phấn đấu hoặc bận rộn với công việc gia đình, không được gia đình ủng hộ, nên động lực phấn đấu bị “triệt tiêu”.
Thực tế cho thấy, để làm tốt công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số, cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhận thức về Đảng cho quần chúng, trong đó nữ dân tộc thiểu số, tạo niềm tin và động cơ để họ tích cực tham gia các hoạt động xã hội và phấn đấu vào Đảng.
Bên cạnh đó cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức của cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là bí thư chi bộ thôn, bản về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số nói riêng.
Đồng thời, tăng cường củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là Hội phụ nữ, đoàn thanh niên cơ sở để thu hút đoàn viên, hội viên nữ tham gia.
Qua thực tiễn phong trào nhằm phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp; chú trọng phân công đảng viên có kinh nghiệm, uy tín, am hiểu phong tục tập quán để giúp đỡ quần chúng ưu tú trong quá trình phấn đấu, rèn luyện.
Đồng chí Lang Văn Xuân - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu nhấn mạnh: “Phải làm sao để thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn ăn sâu bám rễ trong cộng đồng và mạnh dạn bố trí, giao việc giúp đảng viên nữ vùng cao có môi trường để phát huy, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình, cộng đồng, xã hội”.
Khánh Ly