Để thực hiện thuần thục tính năng, kỹ chiến thuật trên tàu tên lửa lớp Molniya, ít ai biết rằng các thủy thủ phải trải qua quá trình huấn luyện thế nào.

Cuối tháng 3/2015 vừa qua, biên đội tàu tên lửa HQ-377 và HQ-378 vừa ra biển thực hiện chuyến huấn luyện thực tế. Được biết, đây là đợt hành quân huấn luyện trên biển “hai trong một”.
Cuối tháng 3/2015 vừa qua, biên đội tàu tên lửa HQ-377 và HQ-378 vừa ra biển thực hiện chuyến huấn luyện thực tế. Được biết, đây là đợt hành quân huấn luyện trên biển “hai trong một”.
Đối với kíp tàu HQ-377 và HQ-378 là nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên, còn với kíp tàu HQ-379 và HQ-380 (cặp tàu chuẩn bị được tiếp nhận) là nhằm sử dụng thành thạo vũ khí trang bị kỹ thuật trên tàu để chuẩn bị tiếp nhận hai chiếc tàu mới do Việt Nam tự đóng theo giấy phép của Nga, sắp được bàn giao cho Lữ đoàn 167.
Thượng tá Nguyễn Việt Anh, Phó Lữ đoàn trưởng cho biết, cán bộ chiến sĩ tham gia huấn luyện lần này gồm tổ chức đi biển và hành quân, thực hành triển khai các dạng phòng thủ và sử dụng vũ khí tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển; luyện tập bắn pháo đối hải; phòng chống vũ khí hủy diệt lớn...
Khi khẩu lệnh của thuyền trưởng vang lên, bộ đội mau chóng vào vị trí chiến đấu. Trong lúc cặp tàu cũ luyện tập thì thủy thủ kíp tàu mới quan sát học hỏi. Đổi lại kíp tàu mới tập thì kíp tàu cũ vừa quan sát vừa uốn nắn động tác. Cứ như vậy hết lần tập này xoay vòng qua lần tập khác. Ai nấy mải miết quên thời gian và sóng to gió lớn.
Cán bộ chiến sĩ trên tàu luyện tập nhiều tình huống khác nhau, trong đó có bài huấn luyện thực hành công kích tên lửa làm chúng tôi chú ý nhất. Tình huống giả định phát ra với tọa độ mục tiêu được xác định.
Những người lính ở từng vị trí bắt đầu giải bài toán công kích tên lửa sao cho trúng mục tiêu. Mọi người, tùy theo nhiệm vụ của mình phải báo cáo cho thuyền trưởng các thông số và sẵn sàng chờ lệnh. Giây phút hồi hộp nhất chính là thời khắc đếm ngược từ 10 đến 1 và lúc tên lửa phóng đi. Dẫu chỉ là bài tập nhưng không khí khẩn trương như xảy ra trên thực địa.
Trung tá Nguyễn Đức Thoan, Thuyền trưởng tàu HQ-377 cho biết, cán bộ, chiến sĩ của tàu đa số đã tham gia bắn đạn thật với loại tàu này, nên có nhiều thuận lợi khi hướng dẫn đồng đội kíp tàu mới.
Theo chia sẻ của Tung tá Phạm Tiến Dũng, Thuyền trưởng tàu HQ 378, trong huấn luyện đi biển dài ngày cần sự phối hợp giữa các bộ phận, từ công tác chính trị, kỹ thuật đến hậu cần. Tư tưởng của bộ đội phải vững, máy móc phải vận hành ổn định, an toàn và phải đảm bảo đời sống của bộ đội trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
“Mỗi cán bộ, nhân viên và chiến sĩ tàu không chỉ cần giỏi về chuyên môn mà còn bền về sức khỏe. Không giỏi, không bền thì khó vượt được sóng, thắng được gió trên biển” - Trung tá Dũng chia sẻ.
Cùng chung nhận định trên, Thiếu tá Nguyễn Xuân Dương, Thuyền trưởng tàu HQ-379 khẳng định, sau thời gian tham gia huấn luyện cùng kíp tàu 377 cán bộ, chiến sĩ tàu 379 được học hỏi không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà cả về phương pháp vận hành, tác phong chỉ huy.
Tàu tên lửa HQ-377 và HQ-378 là cặp tàu trong loạt tàu tên lửa lớp Molniya thuộc dự án 1241.8 được đóng tại Tổng công ty Ba Son theo giấy phép của Nga. Tàu được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương. Molniya có lượng giãn nước toàn tải 510 tấn, dài 56,9m, rộng 10,20m, mới nước (toàn tải) 2,5m. Thủy thủ đoàn vận hành tàu khoảng 40 người.
Molniya được trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E với 16 đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu. Với trọng lượng đầu đạn nặng 145 kg, Kh-35 Uran E được cho là có khả năng đánh chìm tàu chiến lượng giãn nước chừng 5.000 tấn.
Ngoài hệ thống tên lửa Uran-E, tàu Molniya trang bị một pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2mm dùng để tiêu diệt mục tiêu tầm gần trên biển, hoặc khi cần pháo có thể bắn mục tiêu trên không. Pháo AK-176M đạt tốc độ bắn 120 phát/phút, tầm bắn 15km. 

\

Theo Baodatviet