Thủy sản được coi là một trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất sau khi TPP được thông qua. Tuy nhiên, cũng có không ít những khó khăn, thách thức với ngành hàng này.

Thuận lợi

Thuế NK thủy sản trong các nước TPP sẽ được giảm xuống còn 0%.

Tuy nhiên, tác động của việc bãi bỏ thuế NK lại khác nhau ở từng thị trường. Khi TPP có hiệu lực, thuế NK các mặt hàng nói trên từ Việt Nam vào Nhật Bản sẽ giảm xuống 0%. Như vậy, TPP sẽ giúp làm tăng khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường Nhật Bản, mà trước hết là mặt hàng tôm. Chính vì vậy, khi thuế NK tôm Việt Nam vào Nhật Bản được bãi bỏ theo TPP, chắc chắn giá tôm Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với các đối thủ chính nói trên.

Chế biến tôm xuất khẩu

Với sản phẩm cá ngừ XK sang Nhật Bản, Việt Nam đang chịu bất lợi lớn so với 2 đối thủ trong khu vực là Thái Lan và Philippines, vì cá ngừ từ 2 nước này khi NK vào Nhật Bản đều có thuế NK là 0%. Do đó, TPP cũng sẽ tăng mạnh khả năng cạnh tranh cho cá ngừ Việt Nam.

Còn với thị trường Mỹ, khi thuế NK thủy sản bị bãi bỏ, sẽ không có tác động lớn tới NK thủy sản từ Việt Nam, vì phần lớn các dòng thuế mà Chính phủ Mỹ đang áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản NK đã tương đối thấp: trung bình là 0,3% đối với các loại thủy sản sống; 4,7% đối với thủy sản chế biến.

Mặt khác, trở ngại lớn nhất đối với XK thủy sản Việt Nam sang Mỹ từ nhiều năm nay không phải là thuế NK mà là thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra, vụ kiện chống trợ cấp, chương trình giám sát cá da trơn của Bộ NN Mỹ. Mà theo các chuyên gia của Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), đàm phán TPP hoàn toàn không tác động đến kết quả các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ở Mỹ đối với thủy sản Việt Nam. Nhưng theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, khi TPP có hiệu lực, sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam giải quyết các tranh chấp nói trên với Mỹ một cách bình đẳng hơn.

Ở chiều ngược lại, khi thuế NK thủy sản vào Việt Nam được bãi bỏ, cũng ít nhiều tạo thuận lợn hơn cho các DN chế biến thủy sản XK đang phải nhờ một phần vào nguyên liệu NK, nhất là cá ngừ. 

Thách thức

Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng thách thức có thể còn nhiều hơn cả cơ hội. Trong đó có những khó khăn, thách thức đã tồn tại lâu nay trong ngành thủy sản mà có thể khiến cho những cơ hội có được từ TPP trở nên không có mấy giá trị. Chẳng hạn, giá thành đang là một thách thức lớn với ngành tôm Việt Nam, nhất là khi so sánh với các đối thủ trong khu vực như Ấn Độ và Indonesia. So với Việt Nam, nuôi tôm ở Ấn Độ có những lợi thế như giá thức ăn rẻ hơn 30%, giá giống rẻ hơn 50%, tỷ lệ nuôi thành công đạt 70% (Việt Nam chỉ đạt 30%). Vì thế, giá tôm của Ấn Độ đang rẻ hơn giá tôm Việt Nam 1-3 USD/kg (tương ứng với 10-30%). Với sự thất thế khá lớn về giá như vậy, cho dù thuế NK có giảm xuống còn 0% ở thị trường Mỹ, tôm Việt Nam vẫn khó cạnh tranh được với tôm Ấn Độ.

Mặt khác, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, chắc chắn các nước TPP sẽ dựng lên những hàng rào phi thuế quan nhằm bảo hộ sản xuất thủy sản trong nước như yêu cầu về ATTP ngày càng khắt khe hơn, hay kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp… Đây chính là những trở ngại lớn nhất đối với XK thủy sản của Việt Nam trong những năm qua, nhất là vào những thị trường lớn hiện đã tham gia TPP như Mỹ, Nhật Bản, Úc…...

Theo Nongnghiep.vn

TIN LIÊN QUAN