Ngày 19/5, Công ty thủy điện Bản Vẽ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Năm 2019, mặc dù tình hình thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, thời kỳ đầu mùa cạn, lượng nước về hồ xấp xỉ trung bình nhiều năm, tuy nhiên sau đó, lượng nước về hồ thiếu hụt đến 75% so với những năm trước, đã gây ra rất nhiều khó khăn trong việc vận hành hồ chứa cấp nước cho hạ du.
Đặc biệt, trong năm vừa qua, lưu vực sông Cả chịu ảnh hưởng trực tiếp của 3 cơn bão. Trong đó lưu vực thủy điện Bản Vẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây ra một trận lũ lớn về hồ Bản Vẽ từ ngày 03/8 đến ngày 06/8.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, công trình thủy điện Bản Vẽ nằm trong vùng thường xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như tố, lốc, giông sét, mưa đá… Các hiện tượng thời tiết này thường xảy ra nhanh, bất ngờ, thời gian hoạt động ngắn nên rất bị động trong việc phòng tránh.
Tuy nhiên, công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai luôn được Công ty thủy điện Bản Vẽ đặc biệt quan tâm, có sự chuẩn bị chu đáo và thực hiện sớm theo phương châm “4 tại chỗ”. Vì vậy, năm 2019, công ty đã đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong suốt mùa mưa lũ; làm tốt công tác vận hành hồ chứa chống lũ cho công trình, cắt giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ đồng thời điều tiết nước góp phần chống hạn cho hạ du trong mùa khô.
Năm 2020, Công ty Thủy điện Bản Vẽ tập trung nâng cao năng lực xử lý tình huống, ứng phó thiên tai cho từng cá nhân trong đơn vị; Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến toàn bộ CBCNV trong Công ty; nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng tránh thiên tai của nhân dân vùng hạ du công trình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2020.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị liên quan đề nghị công ty tiếp tục phát huy và chủ động hơn nữa trong công tác PCBL, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Công ty cần thường xuyên quan tâm hệ thống cảnh báo, phối hợp với huyện nâng cấp những điểm bị ngập, cô lập; bố trí 1-2 xuồng máy ở khu vực bị chia cắt, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra...