(Baonghean.vn) Sau giờ tan trường, nhiều trẻ em ở xóm nhỏ bên dòng sông Lam tại xã Nam Lộc (Nam Đàn) lại tiếp tục hành trình mưu sinh bằng việc kiếm tìm những con hến dưới lòng cát sâu để phụ giúp bố mẹ. Với các em, đó là công việc thường nhật, vậy mà cái ăn, cái mặc luôn thiếu thốn...

 

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đến xóm chài Vạn Lộc, xã Nam Lộc (Nam Đàn) là nhóm trẻ em đen nhẻm đang cào hến dọc sông. Đã thành thói quen, sau giờ tan trường, các em làm nghề này để phụ giúp gia đình và tích góp tiền trang trải việc học tập.

770368_small_68349.jpg

                     Người dân vạn chài dùng nước sông để sinh hoạt.



Em Nguyễn Văn Hạnh, 9 tuổi, ở xóm Vạn Lộc, tâm sự: "Ngày thứ 7 và Chủ nhật là bọn emđi thâu ngày, lội khắp các sông để cào hến, có hôm đói mệt mua tạm mấy cái kẹo lạc ăn cho đỡ đói, nhưng ăn vào càng cồn cào ruột gan. Có bạn tên Na, đã ngất trong lúc đi cào hến do nhịn đói.

Hầu hết ai cũng chung cảnh nghèo khổ. Bố mẹ sống ở các khúc sông, nay bến này, mai bến khác, bọn em ở trên bờ vì còn đi học. Hoàn cảnh nghèo nên bọn em tự nguyện phụ giúp gia đình". Hạnh cho biết, nghề cào hến chăm chỉ lao động một ngày cũng kiếm được 20 nghìn đồng, tranh thủ cũng kiếm được 5 - 7 nghìn đồng. Ngày Chủ nhật gấp đôi ngày thường, bởi hầu hết các em cào hếnthâu trưa, cả nhóm đùm cơm nắm, vừng lạc đi theo, lúc nào đói thì ăn. Sau một ngày đi cào hến về, gần 50 em ở xóm chài này ngồi tụm vào với nhau ở bờ sông nhìn ra dòng Lam, nơi những mái "nhà" của bố mẹ các em đang lênh đênh mưu sinh. Nhiều lúc bọn trẻ nhớ bố mẹ muốn bỏ học để theo bố mẹ xuống thuyền, nhưng vì các em thiết tha đến trường, và bố mẹ các em lại không muốn con mình thất học nên gia đình đành sống xa nhau. Hạnh cũng như nhóm bạn, sống nhờ đất của người thân và dựng tạm căn nhà nhỏ để sinh sống, một tuần bố mẹ vào thăm một lần, nhiều lúc cả tháng mới ghé vào thăm, con nhớ mẹ, bố nhớ con cũng đành chịu.

Có tiếp xúc mới biết được nỗi vất vả của trẻ em ở đây. Một căn nhà nhỏ được dựng lên trên đất của họ hàng, người thân cho mượn để làm nơi che nắng che mưa. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là một cái lán nhỏ có từ5 - 7 trẻ cùng chung sống với nhau, trong nhà tài sản quý nhất là cái giường và chồng sách vở, bát ăn cơm không có cái nào nguyên vẹn. Giường là những mảnh thuyền cũ nát ghép lại. 2 cái nồi, 1 cái nấu cơm và 1 cái dùng để luộc hến. Khổ nhất là mùa mưa, củi ướt, nấu một bữa ăn vô cùng vất vả, nhiều hôm các em phải ăn bánh mỳ hoặc mỳ tôm sống. Tiền kiếm được đủ trang trải và tích góp mua sách vở, vì thế cái gì các em cũng phải tiết kiệm, một bó rau chia làm 2 bữa, bữa ăn sang lắm có miếng thịt lợn, bình thường chỉ cơm và lạc với ít tép đồng kho mặn. Hạnh ở cùng nhà với Tuấn, Bình, Tùng, Hảo, cả 5 em năm nay bước vào lớp 7 Trường THCS Nam Lộc. Sách vở, đồ dùng học tập... đều nhìn vào những mẻ hến hàng ngày các em tìm kiếm được.


Đường tới trường của trẻ em làng chài Vạn Lộc phải đi bộ mất 40 phút, nếu như học cả ngày thì mất 4 lần đi lại. Từ quần áo đến sách vở đều thiếu thốn. Những quyển vở của Hạnh, Tuấn là những trang vở cũ của bạn bè trong xã cho, được các em cắt ra đóng lại thành vở của mình. Hạnh tâm sự: "Cứ cuối năm học, chúng em lại xin vở của bạn bè, tập nào còn giấy trắng chúng em cắt ra đóng thành vở mới, ở bến sông này, ai đi học cũng đều giống nhau như vậy cả. 8 giờ tối, những gian "nhà" trẻ em xóm chài tối như mực, không đủ tiền chi trả điện lưới nên các em sử dụng rất hạn chế. Mùa trăng sáng là niềm vui lớn nhất của các em ở xóm vạn chài này.


Chị Vũ Thị Quy, xóm Vạn Lộc theo ông bà lên bờ được gần 40 năm nay. Chị là chủ nhà mà 5 anh em Hạnh đang ở nhờ, cho biết: "Hơn chục năm về trước, chủ trương của xã có quyết định di dời 250 hộ dân vạn chài vào Khe Hương xã Nam Lộc, nhưng không ai chịu vào, mọi người nghĩ rằng vào rú không biết làm gì để sinh sống cả. Thành thử mấy đứa nhỏ cứ phải sống leo lắt, lủi thủi rất thương". Được biết, xã đã xuống tận từng thuyền phân tích, vận động người dân lên bờ, hỗ trợ giống cây, connhưng không khó có ai có thể rời sông nước, vẫn lênh đênh cậy nhờ mặt sông. Giờ đây, Khe Hương người lên khai hoang xây dựng kinh tế, người dân vạn chài Vạn Lộc muốn trở về lập nghiệp cũng không còn cơ hội nữa. Thiệt thòi và đáng thương nhất là đám trẻ thơ, các em không chỉ khó khăn về miếng cơm manh áo mà còn chật vật về nơi ăn chốn ở, cuộc sống của bố mẹ và các em như Hạnh, Tuấn... thì đến bao giờ mới có một ngôi nhà để ổn định cuộc sống.


Chúng tôi, những người đến rồi đi, chẳng giúp được gì cho các em bằng món quà nhỏ và lời động viên. Dọc đường về, lời nói của Hạnh còn văng vẳng: "Mùa mưa bão đến, bố mẹ em thường xuyên phải đi tìm lạch trú ẩn, công việc tìm kiếm hến cũng rất khó khăn". Và mắt Hạnh ngân ngấn nước.


Thu Hương