Chủ trì điểm cầu tại Nghệ An có các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế; Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT.
Dịch bệnh lây lan nhanh và diễn biến nguy hiểm
Tại cuộc họp khẩn, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo nhanh tình hình dịch Covid-19, đặc biệt là dịch bệnh diễn biến phức tạp tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó, tính đến sáng nay, Đà Nẵng ghi nhận có 27 ca bệnh dương tính với Covid-19, tập trung chủ yếu tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều khả năng trong ngày hôm nay cơ quan y tế sẽ chính thức công bố thêm 4 trường hợp nhiễm Covid-19, gồm 1 ca ở Hà Nội, 2 ca ở TP.HCM và 1 ca ở tỉnh Đắk Lắk. Trong đó các ca bệnh ở TP.HCM và Đắk Lắk liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng, riêng ca bệnh tại Hà Nội chưa xác định được nguồn gốc lây nhiễm.
Riêng các ổ dịch tại thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế nhận định các cơ sở y tế ở đây đều có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Hiện nay thành phố đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế tiếp tục bổ sung thêm 3 đội xét nghiệm vào Đà Nẵng để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, phấn đấu 5.000 - 7.000 mẫu/ngày, đồng thời tiến hành lắp các labô di động để xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng cho biết, sẽ chuyển tất cả các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế để chữa trị. Đối với các bệnh nhân tại Quảng Nam thì tổ chức điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Với các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng, nếu chưa bị nhiễm Covid-19 thì sẽ chuyển về Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang để tiến hành chạy thận và cách ly.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 bằng bảo hiểm y tế.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thông tin, thành phố đã tiến hành phong tỏa 3 bệnh viện. Tính đến thời điểm này thì cả trong và ngoài bệnh viện có từ 8.000 - 9.000 người thuộc diện F1 phải cách ly.
Đối với thành phố Hà Nội, theo thông tin tại cuộc họp, có khoảng 15.000 - 20.000 người từ Đà Nẵng trở về. Hiện tại có 29 trường hợp có biểu hiện sốt, trong đó đã có 1 bệnh nhân dương tính (hiện đã xác định được 51 đối tượng F1 liên quan đến bệnh nhân này).
Còn thành phố Hồ Chí Minh, có 6.719 người về từ Đà Nẵng. Có 10 trường hợp có nguy cơ cao, trong đó có 8 trường hợp xét nghiệm âm tính, 2 ca dương tính. Hiện đã xét nghiệm được 50% số người từ Đà Nẵng về.
Chống dịch không cực đoan, không mất cảnh giác
Tham gia phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cả nước tập trung tuyên truyền lại trong toàn cộng đồng về ý thức bảo vệ sức khỏe. Đó là rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, thường xuyên đeo khẩu trang khi ra đường. Đặc biệt, phải khởi động lại việc thực hiện Chỉ thị 19 của Chính phủ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, lo lắng nhất là các trường hợp không xác định được nguồn lây nhiễm, chính vì vậy, việc khởi động lại các biện pháp chống dịch là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đồng chí Vũ Đức Đam cũng lưu ý, các tỉnh không cực đoan đến mức “ngăn sông, cấm chợ”, ngăn đường nhưng cũng phải nêu cao tinh thần cảnh giác. Các tỉnh phải có sự hành động đồng bộ, thống nhất nhằm đảm bảo hài hòa các vấn đề liên quan.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế làm văn bản xin Thủ tướng mua thiết bị xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2.
Nêu cao tinh thần trước nhân dân, không được để vỡ trận
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dịch bệnh lần này khác trước, đó là lây ra cộng đồng nhiều ngày nhưng chưa xác định được F0. Thực tế này dẫn đến nguy cơ dịch bệnh dễ lây nhiễm ra các thành phố lớn, nhất là chỉ trong một thời gian ngắn Covid-19 đã lây nhiễm 27 người.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, không được để vỡ trận, không được chủ quan, chủ quan sẽ trở tay không kịp. Các địa phương phải tuyên truyền lại trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách đầy đủ để nhân dân đề cao cảnh giác, nhất là dịch biểu hiện lây nhiễm nhanh, biến thể phức tạp nên phải thực hiện mạnh mẽ hơn công tác chủ động phòng, chống. Yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 Trung ương, Bộ Y tế và các địa phương cần thực hiện nghiêm túc Công điện của Thường trực Ban Bí thư, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch.
“Bí thư, Chủ tịch các địa phương phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện các biện pháp chống dịch” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng hoan nghênh ngành Y tế, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội triệt để trên tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều biện pháp năng động để giảm mức độ đi lại tại các ổ dịch.
Trước hết ngành Y tế, ngành Tài chính các địa phương cần đảm bảo năng lực cho hệ thống y tế. Công an, Quân đội, các địa phương phải sẵn sàng, “phải hỏi đâu phải có đó”, nhất là các phương tiện, công cụ cũng như là lực lượng có liên quan.
Đẩy mạnh việc truy tìm F1 và cách ly nhanh. Đề nghị các đơn vị Quân đội, đặc biệt là Quân khu 5 cần tổ chức cách ly nhanh cho người dân ở Đà Nẵng tốt nhất vì ở đây có số lượng đông. Về nâng cao năng lực xét nghiệm, yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng cần tăng cường thêm phương tiện, cán bộ có liên quan không chỉ giúp cho Đà Nẵng mà cho cả các địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch.
Đồng ý phương án tăng cường những vị trí điều trị ở các bệnh viện Trung ương, bệnh viện Quân đội các cơ sở điều trị ở Huế, Quảng Nam để xử lý, điều trị bệnh nhân nặng ở Đà Nẵng, trong đó có những bệnh nhân đang chạy thận hoặc các bệnh nền khác.
Các trường hợp cần thiết cần xét nghiệm kịp thời hơn, nhất là ra lời kêu gọi phù hợp những người bị sốt, bị ho trên cả nước tham gia xét nghiệm để ngăn ngừa chủ động hơn. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế về việc thanh toán Bảo hiểm y tế đối với việc xét nghiệm Covid-19.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh tùy hoàn cảnh cụ thể để áp dụng Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ một cách kịp thời, riêng Đà Nẵng phải thực hiện triệt để Chỉ thị 16 trong phạm vi toàn thành phố.
Thủ tướng lưu ý, không ngăn sông, cấm chợ nhưng phải có một số biện pháp cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm từ các dòng người rất đông đã đi đến các địa phương khác từ thành phố Đà Nẵng. Từng địa phương phải có kịch bản ứng phó như giai đoạn trước cả nước đã triển khai, trong đó có thể khuyến cáo với nhân dân hạn chế đi lại…
Yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra trường hợp vi phạm quản lý biên giới. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng tăng cường quản lý tốt các trung tâm cách ly.
Những nơi tập trung đông người, đặc biệt phương tiện giao thông công cộng cần rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, diệt khuẩn. Những nơi có dịch bệnh không được tổ chức các lễ hội lớn. Những người có triệu chứng và những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cần theo dõi chặt chẽ hơn. Bộ Y tế cần có phương án cụ thể về vấn đề này.
Đề nghị các địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án tổ chức kỳ thi THPT an toàn. Bộ Ngoại giao chủ trì và phối hợp với Bộ GTVT tính toán lại khả năng trong nước để có lộ trình phù hợp, nhất là người Việt Nam về nước trong tình hình hiện nay. Các địa phương cần quản lý tốt dân cư, an ninh, trật tự, đặc biệt đảm bảo bình ổn giá cả, hàng hóa thiết yếu, không để tình trạng lộn xộn trên địa bàn của mình.