"Thương hiệu" và "độc quyền nhà nước"?...

(Baonghean) Những dai dẳng trong dư luận suốt nhiều tháng qua về vấn đề vì sao SJC lại được  chọn là thương hiệu độc quyền vàng nhà nước đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tái giải trình tại kỳ họp Quốc hội  ngày 31/10/2012. Theo Thống đốc:  Từ 25/5/2012, SJC đã chấm dứt việc dập vàng miếng, NHNN chính thức độc quyền dập vàng miếng và đã chọn SJC làm mác độc quyền chứ “không có công ty SJC nào được dập vàng miếng”. Trước đó, đại diện NHNN cũng  khẳng định: “SJC chỉ là đơn vị gia công cho NHNN”.

Về bản chất, cái tên SJC không nói lên được gì về vấn đề “độc quyền nhà nước”. Tuy nhiên, việc NHNN chọn SJC làm thương hiệu độc quyền càng làm giàu cho doanh nghiệp này và đồng thời đẩy nhiều doanh nghiệp khác vào thế cạnh tranh rất bất lợi, cũng như sẽ xảy ra bao tiêu cực trong kiểm định chất lượng vàng. Mặt khác, SJC là tên viết tắt tiếng Anh của Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn - Saigon Jewlry Company limited. Việc chọn thương hiệu này làm độc quyền nhà nước dễ gây sự hiểu lầm trong phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp này với NHNN trong sản xuất kinh doanh, bởi nếu không có gì “béo bở” thì SJC chẳng dại gì chỉ làm “gia công”, trong khi doanh nghiệp này đang “ăn nên làm ra”. Cũng như là con người, bộ máy thuộc ‘người nhà nước” hay người “doanh nghiệp”?.

Sản phẩm là hữu hạn, thương hiệu là vô hạn. Thương hiệu như phần hồn của sản phẩm, mà phần hồn đó đã thuộc về cái “xác” là Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn. Cho nên, giải trình của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước dễ khiến dư luận chuyển sang một mối quan ngại khác…

Châu Lan

Tin mới