(Baonghean) - Nghệ An hiện có trên 13.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong xây dựng thương hiệu.

Hiện việc xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp trên địa bàn còn nhiều hạn chế, số doanh nghiệp có thương hiệu rất ít. Thậm chí một số sản phẩm của doanh nghiệp đã có thương hiệu, nhưng nguy cơ mất thương hiệu nếu không đầu tư để duy trì phát triển.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đến tháng 7/2015, tổng số đối tượng được bảo hộ trên địa bàn tỉnh là 618 đối tượng, trong đó 11 sáng chế, 5 giải pháp hữu ích, 33 kiểu dáng và 569 nhãn hiệu. Như vậy số lượng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa được đăng ký và bảo hộ quá khiêm tốn so với số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập.

1
Sản xuất nước mắm tại Công ty Cp thủy sản Vạn Phần.

Theo đánh giá của các nhà quản lý, người tiêu dùng và các chuyên gia thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang có một số sản phẩm, dịch vụ có thương hiệu được người tiêu dùng trong và ngoại tỉnh lựa chọn như: Các sản phẩm công nghiệp xây dựng gồm Xi măng Hoàng Mai (PCB40, PC40), gạch granite Trung Đô; Ngói Cừa; ke chống bão Định Nhàn, Tôn Hoa Sen... Ngoài các thương hiệu trong lĩnh vực công nghiệp, nông lâm thủy hải sản, thương hiệu trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, vận tải, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, vệ sinh, môi trường... cùng hình thành và phát triển. Các thương hiệu mang địa danh đã góp phần quảng bá hình ảnh Nghệ An với thế giới, từ đó thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến Nghệ An đầu tư sản xuất kinh doanh...

Ông Võ Văn Đại, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP thủy sản Vạn Phần Diễn Châu chia sẻ: Xác định chất lượng sản phẩm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp nên chúng tôi đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ISO 22.000: 2005 vào sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Hiện Công ty Cp thủy sản Vạn Phần đang thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Vạn Phần” dùng cho sản phẩm nước mắm của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An” do Bộ Khoa học công nghệ và Sở KHCN Nghệ An tài trợ.

Áo dài Thiên Nga đang được xây dựng thương hiệu.

Thương hiệu Áo dài Thiên Nga (TP.Vinh) đã tồn tại trong lòng khách hàng hàng chục năm nay nhưng trên thực tế "Áo dài Thiên Nga" vẫn chưa có nhãn hiệu. Hiện nay trong bối cảnh kinh doanh thương trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, bà Hoàng Thiên Nga, chủ tiệm áo dài đã rốt ráo xúc tiến đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình. 

Thông thường để phát triển thương hiệu cần nguồn kinh phí từ 500 triệu đồng trở lên. Đây quả là một khoản chi không nhỏ đối với doanh nghiệp tỉnh nhà. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó phòng kế hoạch tài chính Sở Công thương cho rằng: "So sánh giữa số lượng doanh nghiệp trên địa bàn và số nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, cho thấy phần lớn doanh nghiệp Nghệ An chưa quan tâm đến bảo vệ sở hữu của mình, hoặc có thể nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được "cái cần phải làm". Do đó, Sở Công thương cần có kế hoạch tăng cường tập huấn cho doanh nghiệp nhận thức về việc đăng ký nhãn hiệu cũng như chính sách xây dựng thương hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình".

                                                                                                                                    Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN