Về miền đặc sản
Chè hoa vàng được xem là một sản vật của huyện Quế Phong, thường sinh trưởng và phát triển trên những vùng núi cao, mùa ra hoa kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Cây chè hoa vàng có chứa hàng trăm thành phần dinh dưỡng, là loại dược liệu quý. Tập trung nhiều ở các xã Tiền Phong, Đồng Văn, Thông Thụ, Châu Kim, Hạnh Dịch…
Ông Hà Văn Hải - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Dịch cho hay: Xã đã tổ chức rà soát, quy hoạch thành các vùng trồng, bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Đối với cây chè hoa vàng, xã tập trung tuyên truyền cho bà con bảo tồn các cây mọc tự nhiên tập trung ở các bản Quang Vinh, Vinh Tiến, Hạnh Tiến với diện tích khoảng 9-10 ha.
Những năm gần đây, ngoài việc tạo giống chè hoa vàng bản địa, huyện Quế Phong cũng đã thử nghiệm, du nhập giống chè ngoài bản địa về trồng thử (chè hoa vàng Tam Đảo, Ba Chẽ...), đơn cử như tại trang trại Nhật Minh đang trồng thử nghiệm 01 ha giống chè hoa vàng Ba Chẽ (Camellia chrysantha). Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm chè hoa vàng Quế Phong đã khẳng định được thương hiệu trên toàn quốc. Hiện nay, Huyện ủy Quế Phong đang chỉ đạo UBND huyện việc nghiên cứu bảo tồn, tạo giống, chọn giống chè bản địa tốt nhất để nhân rộng trong nhân dân.
Bên cạnh chè hoa vàng, thương hiệu giống lúa Japonica cũng đã và đang được quan tâm xây dựng. Thực hiện Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản xuất lúa Japonica J02 trên địa bàn các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An” do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí và quản lý, cơ quan chủ trì dự án là Công ty TNHH MTV Lê Thắng đã xây dựng được các mô hình sản xuất giống, trong đó, diện tích mô hình sản xuất giống nguyên chủng 10 ha, tạo được sản phẩm 40 tấn hạt giống nguyên chủng đạt tiêu chuẩn Việt Nam (QCVN); diện tích mô hình lúa thương phẩm 300 ha tạo ra 1.800 tấn lúa xay xát ra 1.200 tấn gạo thương phẩm chất lượng. Dây chuyền xay xát khép kín từ thóc ra gạo đạt chất lượng cao, đánh bóng và đóng gói sản phẩm. Theo công suất thiết kế dây chuyền chế biến 2 - 3,5 tấn thóc/giờ). Hiện nay đang thực hiện các thủ tục pháp lý để xây dựng thương hiệu và xúc tiến đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.
Tháng 11/2020, Viện Di truyền phối hợp Sở KH&CN và UBND huyện Quế Phong đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học bàn giải pháp phát triển giống lúa Japonica J02 tại các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An với sự tham dự của các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn... mở ra hướng đi mới trong việc xây dựng thương hiệu gạo Japonica Quế Phong nói riêng và vùng miền Tây Nghệ An nói riêng; tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm này.
Ngoài ra, ở huyện Quế Phong còn có nhiều sản phẩm từ dược liệu, cây, con đặc sản như: chanh leo, rượu mú tửn, đẳng sâm, quế Quỳ, mắc khén, dưa rẫy, vịt bầu Quang - Cắm, lợn đen bản địa (lợn nít) đã và đang dành được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Giai đoạn 2016 đến nay, huyện Quế Phong còn tận dụng lợi thế về diện tích mặt nước các lòng hồ, đập thủy lợi, thủy điện (các hồ thủy điện: Hủa Na, Châu Thắng, Nhạn Hạc; đập Kèm Ải)... để phát triển nuôi cá lồng.
Diện tích, số lồng nuôi cá nước ngọt trên địa bàn phát triển mạnh, chú trọng hướng tới các loại cá có giá trị kinh tế cao (cá vược, cá lăng, cá bống...) và nâng cao giá trị sản phẩm (thay vì bán sản phẩm thô đã có hộ dân, HTX đang xúc tiến mô hình chế biến để hình thành chuỗi: Nuôi, chăm sóc, chế biến, xây dựng thương hiệu và đưa ra thị trường). Năm 2021, để đa dạng hóa sản phẩm vùng lòng hồ, tìm hướng đi mới cho người nuôi trồng thủy sản, Sở KH&CN đã phê duyệt nhiệm vụ thực hiện mô hình “Nuôi trai lấy ngọc trên lòng hồ Hủa Na”, đơn vị chủ trì đã thả 610 con giống; sau 1 tháng thả, tỷ lệ trai sống 601/610 con, đạt 98,5%, tiến hành mổ trai nuôi thử nghiệm, tỷ lệ sống đạt 100%, tỷ lệ cho ngọc đạt khoảng 65%; ngọc cho màu đẹp, bám nhân dày khoảng 2mm.
Theo lãnh đạo huyện Quế Phong, trong thời gian tới trên các lòng hồ thủy điện, đập thủy lợi sẽ chú trọng nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao gắn với quy trình: Nuôi - chăm sóc - thu hoạch - chế biến - thị trường. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư để nghiên cứu, xây dựng thương hiệu cho một số loài cá đặc sản vùng lòng hồ Hủa Na như: Cá lăng chấm sông Chu, chạch sông, cá vược...
Ưu tiên cơ chế, chính sách
Huyện ủy, UBND huyện Quế Phong đã đưa ra một số giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm phát triển KH&CN trên địa bàn huyện. Trong đó, xác định mục tiêu về sản phẩm chủ lực của địa phương trong từng giai đoạn để huy động các nguồn lực (hỗ trợ về ngân sách, quảng bá thương hiệu, đất đai...) thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm, giai đoạn 2016-2020 tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm chè hoa vàng, chanh leo; giai đoạn 2016-2025 định hướng tập trung các sản phẩm: gạo Japonica, mắc khén, vịt bầu Quang - Cắm).
Các đề án của UBND huyện ban hành tiếp tục được thực hiện thuận lợi như Đề án về sản xuất một số nông sản hàng hóa trên địa bàn, Đề án về phát triển cây dược liệu... trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng của huyện có thế mạnh thành hàng hóa. Hiện đã có sự tác động của KH&CN đối với một số sản phẩm cây, con chủ lực, ví dụ như cây đẳng sâm đã được tỉnh cấp kinh phí để thực hiện 02 mô hình; cây quế Quỳ đang được nghiên cứu, thử nghiệm bởi Dự án: “Nghiên cứu chọn giống quế có năng suất vỏ, hàm lượng và chất lượng tinh dầu cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cho vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ” do Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chủ trì thực hiện đang trong giai đoạn chăm sóc, theo dõi sinh trưởng cây quế (cây quế đã trồng được 02 năm); cây mắc khén đang được tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Dự án: Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nhân giống và trồng cây mắc khén trên địa bàn huyện Quế Phong...
Tại các địa phương, một số sản phẩm đã được một số doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất áp dụng các tiến bộ về KH&CN như: Công ty TNHH Lâm sản Khánh Tâm chế biến lùng (các sản phẩm đã sản xuất và đưa ra thị trường: que xiên nướng, than không khói…), với công suất 14.300 tấn sản phẩm/năm; trang thiết bị, máy móc được đầu tư hiện đại (chủ yếu nhập khẩu từ Nhật Bản); tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Công ty cổ phần Công nghệ xanh Kim Sơn chế biến sản phẩm chè hoa vàng bằng công nghệ sấy lạnh, công suất 50 kg/giờ.
Sản phẩm gạo Japonica của Công ty TNHH MTV Lê Thắng với công nghệ chế biến tiên tiến, công suất 200 tấn sản phẩm/năm đã giải quyết được đầu ra cho vùng trồng lúa Japonica của người dân. Viện Giống cây trồng công nghệ cao tại xã Tri Lễ do Công ty cổ phần Nafoods đầu tư xây dựng với quy mô 06 ha. Với trang thiết bị, công nghệ hiện đại, đội ngũ kỹ sư, công nhân được đào tạo bài bản, có tay nghề cao đã tạo ra được nhiều loại giống cây trồng chất lượng. Hiện nay các giống chanh leo: Đài Nông 1, Hương Thơm, Quế Phong 1 do Viện Sản xuất đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; hàng năm cung cấp khoảng 2 triệu cây giống cho các vùng trồng chanh leo trên cả nước…
Nhìn chung, kết quả đạt qua thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU trên địa bàn huyện được cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 10-CTHĐ/HU, đã góp phần xây dựng thành công thương hiệu một số sản phẩm đặc sản, thúc đẩy kinh tế và quảng bá hình ảnh Quế Phong. Trên địa bàn đã có các sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ sản phẩm như chè hoa vàng, chanh leo, rượu mú tửn. Các loại giống chanh leo gồm: Đài Nông 1, Quế Phong 1, Nafoods1 do Viện Nghiên cứu giống cây trồng công nghệ cao Tri Lễ sản xuất được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là cây giống đủ điều kiện trồng, xuất khẩu.
Từ những kết quả đạt được, huyện Quế Phong đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 3-4 sản phẩm là đặc sản, đặc hữu của huyện được cấp văn bằng bảo hộ (quế Quỳ, mắc khén, lợn đen, vịt bầu Quang - Cắm).