Ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp gỡ nhau tại Helsinki, Phần Lan. Trong giới tinh hoa chính sách đối ngoại Nga, hiện hữu một cảm giác lạc quan thận trọng về cuộc gặp thượng đỉnh này. Tuy hiểu rõ chướng ngại hiện nay với việc cải thiện quan hệ giữa Washington và Moskva, nhiều người vẫn tin rằng 2 nhà lãnh đạo có thể tìm ra con đường để bắt đầu xoa dịu căng thẳng. Để có cái nhìn sắc nét hơn về những kỳ vọng của Nga, trang National Interest đã có cuộc trao đổi với nhiều chính khách và học giả hàng đầu tại Moskva.
Tại Nga, có sự đồng thuận rộng rãi rằng quan hệ Mỹ-Nga đang hướng vào một vòng xoáy trôn ốc nguy hiểm theo chiều hướng đi xuống. Konstantin Zatulin, Phó Chủ tịch Thứ nhất Ủy ban thuộc Duma Quốc gia Nga về các vấn đề liên quan đến Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (CIS) và Quan hệ với kiều bào Nga, đồng thời là một trong những nhà lãnh đạo theo định hướng chủ nghĩa dân tộc trong đảng Nước Nga Thống nhất của Putin đưa ra cảnh báo: “Mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Nga đang ở điểm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng Caribe”.
Quan ngại của Zatulin nhận được sự hưởng ứng từ một số nhân vật trong phe đối lập. Maksim Shevchenko - một nhà báo cánh tả nổi tiếng đại diện cho đảng Cộng sản Nga trong các cuộc tranh luận của Tổng thống trên sóng truyền hình thời gian gần đây, và đang chạy đua tranh chức Thống đốc khu vực Vladimir gần Moskva, giải thích: “Mỹ và Nga đã tiến tới quá gần nhau tại Trung Đông”. Ông có cái nhìn rõ ràng về bất kỳ sự nhượng bộ tiềm tàng nào của Nga trước Washington. Khi được hỏi về những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm xoay chuyển Nga để giúp giảm tầm ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, ông đáp: “Điều này là không thể, đây là con đường tiến tới chiến tranh”. Vị chuyên gia này bảo lưu quan điểm rằng “nếu không có các cuộc đối thoại trực tiếp với Iran, thì chẳng có thỏa thuận nào khả thi”. Ông khẳng định: “Cá nhân tôi tin rằng Nga không nên phản bội Iran. Không thể chấp nhận việc chọn một quan điểm về Trung Đông chỉ ủng hộ Israel”.
Tuy nhiên, trước thềm thượng đỉnh, cũng có đôi chút không khí lạc quan mới mẻ tại Moskva về khát khao đạt được cách hiểu chung với Nga của ông Donald Trump. Andranik Migranyan - giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Moskva đồng thời là cố vấn phi chính thức của chính quyền Tổng thống Nga, lập luận rằng Trump có thể đã không cải thiện các quan hệ với Điện Kremlin trong năm đầu tại nhiệm bởi “ông cần thể hiện với dân chúng Mỹ và các đối thủ chính trị rằng ông có thể cứng rắn về vấn đề Nga và ông tuyệt nhiên không phụ thuộc vào Nga”.
Hoàn thành mục tiêu này, và được củng cố nhờ thành công gần đây của nền kinh tế Mỹ, Trump hiện “cảm thấy tự tin hơn” về khả năng đạt một thỏa thuận với Putin. Với Moskva, những hạn chế trong nước của Trump về việc can dự với Nga dường như bớt trầm trọng hơn so với thời điểm 1 năm trước.
Ngoài ra, giới cầm quyền chính sách đối ngoại của Nga xem John Bolton và Mike Pompeo là những “bản nâng cấp” của người tiền nhiệm, dù rằng họ “khét tiếng” cứng rắn về vấn đề Nga. Dmitry Suslov - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn diện châu Âu và quốc tế, đã gặp Bolton khi ông này tới Moskva để hỗ trợ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo. Ông nói: “Bolton chắc chắn vẫn là một nhân vật tân bảo thủ, nhưng với tư cách cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump ông ta thể hiện quan điểm của Tổng thống Mỹ chứ không phải chương trình nghị sự của riêng mình”. Suslov nhìn nhận Pompeo theo cách tương tự. Từ đó, ông dự báo 2 chính khách này sẽ trung thành làm việc để thực thi chính sách của Trump đối với Nga, kể cả khi cá nhân họ không hoàn toàn ủng hộ.
Thêm vào đó, các chuyên gia Nga đánh giá cao sự ổn định mà Bolton và Pompeo đem lại cho ê kíp chính sách đối ngoại của Trump. “Thà có một đối thủ cứng rắn còn hơn là một đối tác không rõ ràng nói hết điều này tới điều khác”, Migranyan tuyên bố.
Vậy đâu là những mục tiêu của Moskva đối với hội nghị thượng đỉnh tới? Theo Suslov, phía Nga có 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, Điện Kremlin tìm cách tạo ra thêm nhiều đường dây liên lạc mạnh mẽ hơn với những người đồng cấp trong chính quyền Trump và bắt đầu một cuộc đối thoại về các vấn đề an ninh, từ an ninh mạng tới vũ khí hạt nhân. Thứ hai, họ muốn Washington giảm bớt sức ép lên các quốc gia là bên thứ ba, chẳng hạn Ấn Độ, trong việc duy trì các quan hệ kinh tế và quân sự với Nga. Cuối cùng, Điện Kremlin tin rằng họ có thể đạt thỏa thuận với Trump, người ít “thiết tha” với việc lật đổ Assad hơn so với Obama, khi nói đến vấn đề Syria.
Tuy nhiên, một sự thấu hiểu hoàn toàn giữa 2 bên về an ninh mạng thì rất khó có khả năng diễn ra. Suslov khẳng định Nga sẽ chỉ ngừng tìm cách gây ảnh hưởng đến hoạt động chính trị nội bộ của Mỹ nếu Mỹ hoàn toàn từ bỏ những động thái mà Điện Kremlin xem là can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Những điều này bao gồm “tài trợ tài chính cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Nga, cung cấp hỗ trợ lý thuyết chính trị cho phe đối lập Nga, và bày tỏ bất cứ dạng ý kiến nào về các hành động và các phong trào biểu tình thi thoảng diễn ra tại Nga”. Suslov, dĩ nhiên, không kỳ vọng chính quyền Trump gật đầu chấp nhận những điều kiện như vậy.
Vấn đề khác mà Điện Kremlin có thể sẵn lòng thể hiện đôi chút linh động là Iran. Migranyan cho rằng Moskva có thể xem xét liệu Tehran có sẵn sàng tái đàm phán những khía cạnh nhất định của thỏa thuận Iran mà Trump phản đối hay không. Suslov đặt ra ý tưởng rằng Nga có thể gúp Mỹ giảm sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria để đổi lấy việc Mỹ ủng hộ một tiến trình hòa bình cho phép Assad tiếp tục tại nhiệm. Đồng thời, ông lưu ý rằng Nga sau đó sẽ buộc phải tăng hợp tác với Iran trong các lĩnh vực khác để tránh kịch bản hoàn toàn xa lánh đồng minh Trung Đông. Người phát ngôn của Putin là Dmitry Peskov đã bác khả năng xảy ra một bản thỏa thuận như vậy.
Một lĩnh vực mà giới cầm quyền chính sách đối ngoại Nga không trông đợi đạt tiến triển gì là Ukraine. Moskva chắc chắn không có kế hoạch nhượng bộ về Ukraine, nhất là vụ sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. “Chúng tôi sẽ không từ bỏ Crimea”, Zatulin chỉ rõ. Tuy nhiên, việc Mỹ thay đổi lập trường về Crimea trong thời gian trước mắt lại là chuyện hãn hữu. Suslov cho rằng những phát biểu gần đây của Trump về khả năng công nhận Crimea thuộc về Nga là “trò chơi khăm” nhằm mục đích gây sức ép buộc các quốc gia châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO.
Cũng như những người đồng cấp Mỹ, các chuyên gia phân tích của Nga đang rất quan tâm theo dõi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu. Suslov xem tình thế hiện nay là cơ hội để Nga trở nên gần gũi hơn với các nước châu Âu, khiến Mỹ phải trả giá. Tuy nhiên, ông cũng nhanh chóng nhấn mạnh, “tồn tại cách hiểu rất rõ ràng rằng Nga sẽ không thành công trong việc hoàn toàn đưa các nước châu Âu về phe với mình”. Trong khi người Nga tỏ ra hứng thú với Trump, thì bản chất khó dự đoán của nhân vật này đồng nghĩa với việc dù hy vọng có được các quan hệ khả quan hơn với Washington, họ vẫn lo ngại về đường hướng mà chính quyền này rốt cuộc sẽ lựa chọn.