Trump thông báo Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai

trump-kim1-5232-1549444644.jpgTổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore năm ngoái. Ảnh:Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đọc Thông điệp Liên bang trước quốc hội hôm nay thông báo về thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo AP. "Nếu tôi không được bầu làm Tổng thống Mỹ, tôi cho rằng bây giờ chúng ta đang chiến tranh lớn với Triều Tiên khiến hàng triệu người có thể thiệt mạng. Vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng quan hệ giữa tôi và Kim Jong-un rất tốt đẹp. Tôi và Chủ tịch Kim sẽ gặp nhau lần nữa vào ngày 27 - 28/2 ở Việt Nam", Trump tuyên bố.

CNN dẫn một nguồn tin thông thạo quá trình lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh cho biết thành phố tổ chức sự kiện này vẫn đang được thảo luận, nhưng nhiều khả năng sẽ là Đà Nẵng hoặc Hà Nội.

Ngưng INF, Nga đặt mục tiêu phát triển tên lửa trong hai năm tới

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu - Ảnh: TASS

Bộ trưởng Quốc phòng Nga đưa ra lộ trình hai năm để Nga phát triển các loại tên lửa từ mặt đất vốn bị cấm trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ mà hai bên vừa tuyên bố hủy bỏ. Cụ thể, trong năm 2019-2020, Nga cần chế tạo xong hệ thống Kalibr phóng từ mặt đất được trang bị tên lửa hành trình tầm xa, phiên bản của hệ thống Kalibr phóng trên biển vốn được chứng minh có hiệu quả tại Syria. Ngoài ra, Nga cũng sẽ chế tạo hệ thống phóng tên lửa mặt đất với tên lửa siêu thanh tầm xa.

Hãng tin Tass dẫn lời bộ trưởng Sergei Shoigu, cho biết các nỗ lực phát triển tên lửa sẽ được triển khai ngay lập tức. Các hệ thống này cần phải được sẵn sàng đưa vào sử dụng vào năm 2021. Bộ quốc phòng Nga cho biết việc phát triển phiên bản mặt đất của các loại tên lửa trên biển và trên không sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí để tạo ra loại tên lửa mới.

EU sẽ không xem xét lại thỏa thuận Brexit

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: THX/ TTXVN

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk ngày 6/2 bày tỏ hy vọng Thủ tướng Anh Theresa May sẽ tới Brussels vào ngày 7/2 với "những đề xuất thực tế" để phá vỡ thế bế tắc về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, khi mà EU sẽ không xem xét lại thỏa thuận Brexit. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ireland Leo Varadkar sau cuộc thảo luận tại Brussels, ông Tusk tái khẳng định lập trường của EU rằng điều khoản "rào chắn" biên giới Ireland trong thỏa thuận "ly hôn" là không thể thay đổi. Trong khi đó, Thủ tướng Varadkar cho rằng thỏa thuận Brexit bị Quốc hội Anh bác bỏ là thỏa thuận "khả thi nhất". Ông Varadkar nói rằng sự bất ổn chính trị gần đây là một minh chứng khác cho thấy cần có điều khoản "rào chắn".

Cùng ngày, phát biểu trước một ủy ban trong Quốc hội, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Greg Clark khẳng định việc trì hoãn Brexit sẽ chỉ làm gia tăng mà không giải quyết sự bất ổn đang gây tổn hại tới nền kinh tế.

Venezuela tịch thu lô vũ khí chuyển từ Mỹ

Số vũ khí bị tịch thu ở sân bay Valencia, Venezuela. Ảnh:RT.

Chính quyền Venezuela thông báo vừa tịch thu một lô vũ khí có nguồn gốc từ Mỹ, gồm 19 khẩu súng trường, 118 băng đạn, đạn cỡ lớn, 90 bộ đàm và 6 điện thoại di động. Số hàng này có khả năng được gửi từ Miami, bang Florida, Mỹ từ hôm 3/2, theo RT. Số vũ khí bị phát hiện ở sân bay quốc tế Arturo Michelena, thành phố Valencia, phía bắc Venezuela. Các nhà chức trách đang điều tra chủ lô hàng này. 

Tuy Mỹ chưa từng bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela để ủng hộ tổng thống tự phong Juan Guaido, Washington luôn kêu gọi chuyển đổi quyền lực trong hòa bình ở quốc gia Mỹ Latin này. 

Thái Lan tạm đóng cửa 600 nhà máy để giảm ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí ở Bangkok. Ảnh: CGTN

Phát biểu sau cuộc họp nội các hàng tuần, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cho biết, chính phủ nước này đang triển khai rất nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí hiện ở mức báo động. Trong đó, khoảng 100.000 nhà máy trên khắp đất nước đã được kiểm tra và có tổng cộng 1.700 nhà máy vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép. 600 nhà máy phải đóng cửa tạm thời cho tới khi khắc phục được lượng khí thải gây ô nhiễm. Đây là một trong những biện pháp của chính phủ Thái Lan nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong thời gian qua. 

Ông Prayut cũng kêu gọi người dân ủng hộ các biện pháp của chính phủ để cùng giảm thiểu ô nhiễm không khí. Chính phủ Thái Lan hiện tại đã triển khai các biện pháp ngắn, trung và dài hạn để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Theo ông Prayut, các hạt bụi mịn trong không khí chủ yếu gây ra bởi khí thải giao thông vì vậy một số loại phương tiện không đủ tiêu chuẩn sẽ phải ngường lưu thông.

Mỹ sẽ “rắn tay” với Trung Quốc trong đàm phán thương mại

Ảnh minh họa.

Trong thông điệp liên bang, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ phải giải quyết không chỉ vấn đề “thâm hụt thương mại kinh niên” giữa hai nước mà còn phải tạo ra sự thay đổi trong các chính sách của Trung Quốc, để bảo vệ công nhân và các doanh nghiệp Mỹ. “Tôi có sự tôn trọng lớn dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình và chúng tôi đang làm việc để đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận này phải bảo gồm sự thay đổi thực sự, mang tính cơ cấu để chấm dứt các hành vi thương mại thiếu công bằng, giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước và bảo vệ công ăn việc làm của người dân Mỹ”.

Ông Trump cũng chỉ chính các chính phủ Mỹ tiền nhiệm đã khiến nhiều vấn đề nảy sinh giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, đồng thời khẳng định chiến lược thuế quan của ông đang phát huy hiệu quả.