Trump và Kim theo kế hoạch sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Singapore vào ngày 12/6, trong bối cảnh nhiều hy vọng rằng các cuộc đối thoại của họ sẽ đặt nền móng chấm dứt nhiều thập niên thù địch và vạch ra con đường hòa bình cho vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Trước các cuộc đối thoại chưa từng có tiền lệ giữa các “kẻ thù” lâu năm, các nhà phân tích đã rút ra những điểm tương đồng với các hội nghị thượng đỉnh thời Chiến tranh Lạnh, từng giúp xây dựng lòng tin lẫn nhau và giảm căng thẳng quân sự, dù đôi khi chúng kết thúc bằng một bản hiệp ước gồm những điểm chung chung mơ hồ.
Patrick M. Cronin - Giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nêu quan điểm: “Tôi nghĩ theo một nghĩa nào đó, chúng ta đang ở giai đoạn giống như năm 1959, khi Eisenhower tìm cách thử Khrushchev bằng việc mời ông ta tới Trại David. Ông ta muốn xem liệu người kế nhiệm của Stalin có khác biệt không và liệu các căng thẳng Chiến tranh Lạnh có thể giảm bớt thay vì liên tục tăng lên không”.
“Dù hội nghị thượng đỉnh mang tính thăm dò đó không đem lại thỏa thuận gì lớn, song nó cho thấy một quá trình có thể phát triển, và chắc chắn Kennedy đã rút ra được điều trở thành những nền tảng ban đầu cho việc kiểm soát vũ khí”, ông nói thêm.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Dwight Eisenhower và Nikita Khrushchev diễn ra trong bối cảnh mất lòng tin sâu sắc giữa 2 cường quốc Mỹ - Xô.
Những quan ngại của Khrushchev về lời mời đến Trại David, nơi nghỉ ngơi của Tổng thống Mỹ nằm ẩn mình trong một dãy núi ở Maryland, tô đậm mức độ thấu hiểu giữa các kẻ thù. Nhà lãnh đạo Liên Xô sau đó đã viết rằng địa điểm tổ chức thượng đỉnh có thể là một “nơi mà những người còn hồ nghi sẽ bị cách ly”.
Dù Eisenhower-Khrushchev không đem lại thỏa thuận cụ thể nào, truyền thông cũng vẫn tán tụng “tinh thần Trại David”. Nhưng hy vọng thúc đẩy các quan hệ dần lụi tắt sau khi một máy bay do thám của Mỹ bị quân đội Liên Xô bắn hạ vào tháng 5/1960.
Viện dẫn thượng đỉnh năm 1959, song chuyên gia Cronin lưu ý rằng, Triều Tiên không phải là Liên Xô, một cường quốc mà Mỹ can dự trong cuộc cạnh tranh chiến lược nhiều thập kỷ.
“Mỹ sẽ không hài lòng với tiến triển nhỏ như vậy (từ một hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên) trước khi trở lại chiến lược gây sức ép, răn đe và kiềm chế”, học giả này cho hay.
Các chuyên gia khác lại so sánh thượng đỉnh Trump-Kim với Hội nghị thượng đỉnh Malta 1989 giữa Tổng thống Mỹ George H. W. Bush và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, nơi họ đã thảo luận về kết thúc Chiến tranh Lạnh. Hội nghị này diễn ra chưa đầy 1 tháng sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Sau hội nghị, Gorbachev nói với ký giả rằng “mối đe dọa vũ lực, sự mất lòng tin, cuộc tranh đấu tâm lý và hệ tư tưởng” nên là những điều thuộc về quá khứ. Đổi lại, Bush tuyên bố 2 bên có thể biến đổi quan hệ Đông-Tây thành quan hệ “hợp tác lâu dài”.
Kim Youl-soo - chuyên gia chính sách đối ngoại tại Seoul nhận định: “Thượng đỉnh Trump-Kim tại Singapore có ý nghĩa lịch sử to lớn như thượng đỉnh Malta, mở ra thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Đó là vì hội nghị tại Singapore nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và giải quyết sự thù địch nhiều thập kỷ giữa Washington và Bình Nhưỡng”.
Thượng đỉnh 12/6 tại Singapore được sắp xếp sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên chuyển trọng tâm chính sách sang phát triển kinh tế, sau nhiều năm khiêu khích làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo này hồi năm ngoái.
Một số nhà quan sát nhìn thấy điểm tương đồng giữa sự thay đổi chính sách của ông Kim và sự thúc đẩy mở cửa của cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev.
Tuy nhiên, Balbina Hwang - Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown lại chỉ ra sự khác nhau giữa Kim và Gorbachev. Bà nói: “Quả thực, Kim đã sẵn sàng tiến hành các thay đổi, nhưng những thay đổi này không được xem là cứu cánh như với Gorbachev, mà bởi Kim cảm thấy đủ tự tin rằng ông có thể theo đuổi chúng và vẫn có khả năng kiểm soát kết quả, đồng nghĩa duy trì và thực sự củng cố chế độ và hệ thống của đất nước, chứ không làm suy yếu nó”.
Bên cạnh đó, cũng có một số chuyên gia phân tích thận trọng khi đưa ra bất cứ sự tương đồng nào với các hội nghị thượng đỉnh thời Chiến tranh Lạnh, với lý do là những khác biệt giữa quan hệ Mỹ-Triều và sự cạnh tranh giữa các siêu cường. Peter Joachim Katzenstein - Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Cornell nói: “Không có sự so sánh nào cả. Với tôi đây là một tình huống độc đáo, thậm chí cũng không thể so sánh với trường hợp Iran”.
Rana Mitter, một nhà sử học của Anh, chỉ ra sự tương phản trong cách giải quyết vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh và tình thế hiện nay liên quan đến Triều Tiên: “Cắt giảm vũ khí hạt nhân là một yếu tố chính trong thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, vào thời đó, người ta quan ngại nhiều hơn về việc giảm kho vũ khí của các siêu cường. Ngày nay, hầu như không có sự thảo luận nào về loại bỏ các vũ khí khỏi các quốc gia hạt nhân đang tồn tại. Thay vào đó, động lực là hướng đến việc tìm cách ngăn chặn các nước phổ biến vũ khí, chẳng hạn Triều Tiên và Iran. Động lực này khác hẳn”.