Thượng đỉnh 3 bên Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ về tương lai Syria

thuong dinh 3 ben iran nga tho nhi ky ve tuong lai syria hinh 1

Thượng đỉnh 3 bên Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ về tương lai Syria. Ảnh: AFP

Theo các nguồn tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ đến Iran để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào ngày 7 tháng 9.

Theo đài truyền hình tư nhân NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Tabriz, thành phố phía Bắc Iran. Trong khi đó, Người phát ngôn của Tổng thống Nga cho biết, cuộc gặp ba bên đang được chuẩn bị nhưng không xác nhận thời gian cũng như địa điểm của cuộc gặp.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngỏ ý ông lên kế hoạch đăng cai hội nghị thượng đỉnh về Syria vào ngày 7/9 tại Istanbul cùng với Tổng thống thống Nga, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức. Tuy nhiên, những tuần gần đây, báo chí đưa tin, cuộc gặp kiểu này khó diễn ra và nhưng được thay thế bằng ba bên: Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên Hợp quốc: Tất cả các bên tại Yemen đều phạm tội ác chiến tranh

Lực lượng ủng hộ Chính phủ Yemen làm nhiệm vụ tại khu vực gần thành phố Al Jah, tỉnh Hodeida ngày 7/6. Nguồn: AFP/TTXVN

AFP đưa tin các nhà điều tra Liên Hợp quốc ngày 28/8 tuyên bố tất cả các bên trong cuộc xung đột đẫm máu tại Yemen có thể đều đã phạm các tội ác chiến tranh, nhấn mạnh về các cuộc không kích gây chết người, bạo lực tình dục trên diện rộng và tuyển mộ trẻ em làm binh sỹ.

Trong báo cáo đầu tiên, một nhóm các nhà điều tra được sự ủy thác của Liên Hợp quốc cho biết họ đã có "những căn cứ hợp lý để tin rằng các bên trong cuộc xung đột vũ trang tại Yemen đều đã thực hiện rất nhiều hành động vi phạm luật nhân đạo quốc tế". Theo báo cáo, nhiều trong số những vi phạm này có thể được coi là "các tội ác chiến tranh", và các nhà điều tra đã xác nhận một số thủ phạm.

Yemen đã rơi vào cuộc nội chiến từ năm 2015 tới nay. Saudi Arabia, UAE và các đồng minh Hồi giáo Sunni của họ đã tham chiến tại chiến trường Yemen dưới sự ủng hộ của phương Tây trong hơn ba năm nhằm chống lại lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn./.

Nhật Bản nghi Triều Tiên sở hữu hàng trăm tên lửa Nodong

Tên lửa Nodong của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 28/8 tuyên bố, Nhật Bản vẫn coi chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên là “một mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng thấy và sắp diễn ra” đối với an ninh của nước này, bất chấp căng thẳng hạ nhiệt trên Bán đảo Triều Tiên.

“Xét đến thực tế rằng Triều Tiên dường như sở hữu và triển khai hàng trăm tên lửa Nodong có khả năng vươn tới hầu hết các khu vực của Nhật Bản, cũng như những tiến bộ của Triều Tiên trong việc phát triển và vận hành tên lửa, vũ khí hạt nhân, thông qua nhiều vụ thử hạt nhân và vụ phóng tên lửa tính đến thời điểm hiện tại, không có sự thay đổi trong nhận thức của chúng tôi liên quan đến mối đe dọa về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong Sách Trắng thường niên ngày 28/8.

Theo tài liệu nêu trên, Nhật Bản sẽ tăng cường mạng lưới phòng không bằng cách triển khai hai hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis Ashore do Mỹ sản xuất.

Nga sẽ huy động 1.000 máy bay cho đợt tập trận lớn nhất lịch sử

Binh sĩ Nga tham gia tập trận Zapad 2017. Ảnh:RT.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 28/8 cho biết khoảng 300.000 binh sĩ, 1.000 máy bay quân sự các loại, hai hạm đội hải quân và toàn bộ các đơn vị đổ bộ đường không sẽ được huy động tham gia cuộc tập trận Vostok-2018, dự kiến được tổ chức vào tháng 9 tới tại Siberia và Viễn Đông, theo Reuters.

Ông Shoigu cũng khẳng định Vostok-2018 sẽ là cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 1981. Khi đó, hơn 150.000 binh sĩ quân đội Liên Xô đã được huy động tham gia.

Theo giới quan sát, Vostok-2018 dường như là phản ứng của Moskva trước các cuộc tập trận quy mô lớn gần đây của NATO gần biên giới Nga.

Biểu tình bùng phát thành bạo lực tại Đức, nhiều người bị thương

Cảnh sát chống bạo động đã được huy động tại Chemnitz vào cuối tuần qua. Ảnh: AFP

Ít nhất 6 người đã bị thương khi cuộc biểu tình của hàng nghìn người theo phe cực hữu bùng phát thành bạo lực tại thành phố Chemnitz, miền Đông nước Đức, nơi vừa xảy ra vụ sát hại bằng dao nhằm vào một công dân Đức và vụ việc này đã châm ngòi dẫn tới các cuộc tấn công theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Hãng thông tấn DPA của Đức ngày 28/8 đưa tin hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông hơn 1.000 người gây hỗn loạn vào đêm 27/8, trong đó hầu hết hô khẩu hiệu phản đối người nước ngoài.

Trump tố Google can thiệp kết quả tìm kiếm để bôi nhọ ông

Tổng thống Donald Trump phát biểu trước khi ký một đạo luật ở Bedminster, New Jersey ngày 12/8/2017. Ảnh: Reuters

"Các kết quả tìm kiếm cho "Trump news" chỉ hiển thị tin bài của các hãng truyền thông giả", Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/8 viết trên Twitter. "Nói cách khác, họ đã dàn xếp nó, đối với tôi và cả những người khác, để hầu hết các câu chuyện và tin tức đều xấu xa. Hãng tin giả CNN là điển hình". Trump cho rằng những người tìm kiếm tin tức mới nhất về ông đang được cho xem những câu chuyện "nguy hiểm" đến từ "truyền thông cánh tả", trong khi truyền thông "bảo thủ và công bằng" bị gạt bỏ.

Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn cho rằng các kết quả tìm kiếm có thể đã bị Google "thao túng bất hợp pháp", nhưng không đưa ra dẫn chứng chứng minh.

Các kết quả tìm kiếm xuất hiện trên bất cứ trang tìm kiếm nào của Google đều do một thuật toán bao gồm nhiều yếu tố quyết định. Phần lớn những yếu tố này chỉ có Google biết.

Ông Duterte bị kiện ra tòa hình sự quốc tế vì cuộc chiến chống ma túy 

Các nhà hoạt động và gia đình nạn nhân biểu tình phản đối chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Duterte phát động tại thành phố Quezon ngày 28/8. Ảnh: Reuters

Các nhà hoạt động và gia đình 8 nạn nhân trong chiến dịch bài trừ ma túy tại Philippines đệ đơn lên Tòa án Hình sự Quốc tế, cáo buộc Tổng thống Duterte tội ác chống lại loài người.

Đơn kiện dài 50 trang kêu gọi truy tố Tổng thống Philippines Rodrigo Dutertevì hàng nghìn vụ giết người được cho là "ngoài vòng pháp luật", bao gồm những vụ hành quyết do cảnh sát tiến hành mà không bị truy cứu trách nhiệm, theo Reuters.

Đây là đơn kiện thứ hai chống lại ông Duterte được đệ lên ICC sau một đơn kiện tương tự hồi tháng 4/2017, liên quan đến chiến dịch khiến khoảng 4.400 người thiệt mạng trong hai năm qua tại đảo quốc Đông Nam Á.

Nam Sudan: Thủ lĩnh đối lập từ chối ký thỏa thuận hòa bình cuối cùng

Thủ lĩnh phe đối lập Nam Sudan Riek Machar tới dự cuộc đàm phán với Tổng thống Salva Kiir ở Addis Ababa, Ethiopia ngày 20/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 28/8, một nhà trung gian đàm phán hòa bình tại Nam Sudan cho biết thủ lĩnh đối lập tại nước này Riek Machar đã từ chối ký thỏa thuận hòa bình cuối cùng với chính phủ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua.

Phát biểu với các phóng viên, Ngoại trưởng Sudan Al-Dierdiry Ahmed - người tham gia nỗ lực trung gian hòa giải tại Nam Sudan - cho biết các nhóm đối lập chính tại Nam Sudan, trong đó có SPLM-IO do ông Machar đứng đầu, đã từ chối ký văn kiện hòa bình cuối cùng và yêu cầu phải đảm bảo các lãnh địa của họ trong thỏa thuận này. Theo ông Ahmed, đây là lần đầu tiên phe đối lập tại Nam Sudan tuyên bố không ký vào thỏa thuận. Ông cũng nhấn mạnh Nam Sudan sẽ không có hòa bình nếu các nhóm này không ký vào thỏa thuận.

Từ cuối tháng 6 vừa qua, Sudan đã đứng ra làm trung gian tổ chức các cuộc đàm phán giữa các phe đối địch tại Nam Sudan. Các cuộc đàm phán này được tiến hành trong khuôn khổ nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm đạt được nền hòa bình lâu dài cho Nam Sudan.

Thái Lan bắt giữ hàng trăm lao động nước ngoài bất hợp pháp

Ảnh minh họa: phnompenhpost.com

Truyền thông Thái Lan dẫn lời Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động nước này, ông Anurak Tossarat, cho biết đã có 1.162 lao động trái phép bị bắt giữ và 204 chủ lao động bị truy tố sau các cuộc kiểm tra đối với gần 50.000 lao động nước ngoài trong tháng Tám vừa qua.

Theo ông Anurak, từ ngày 3/8, nhà chức trách đã kiểm tra 2.419 chủ lao động với tổng số lao động nước ngoài là 46.254 người trên toàn quốc. Cảnh sát đã bắt giữ và truy tố 204 chủ lao động, 157 trong số đó bị cáo buộc thuê lao động không giấy tờ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng bắt giữ 1.162 lao động, 612 trong số đó bị cáo buộc lao động không giấy phép chính thức.