(Baonghean) - Trẻ phạm lỗi: Phạt hay không phạt? Phải làm như thế nào khi con phạm lỗi? Đó là câu hỏi khiến cho không ít bậc phụ huynh đau đầu.
Nhiều người không khỏi xót xa khi hay tin một cặp cha mẹ người Nhật đã phạt con bằng cách bỏ cậu bé lại trên đường đi leo núi vì cậu không nghe lời bố mẹ. Sự việc xảy ra vào ngày 28/5, trên đường đi leo núi, bố mẹ của cậu bé Yamato Tonooka 7 tuổi đã quyết định cho cậu xuống xe khi cậu không nghe lời mà vẫn ném đá vào xe cùng những người đi đường. Vài phút sau đó, bố mẹ Tonooka quay lại thì cậu bé đã mất tích. Hơn 150 viên cảnh sát cùng lính cứu hỏa đã được huy động để tìm kiếm nhưng vẫn chưa có tung tích gì. Đáng nói là khu vực bố mẹ bé bỏ Tonooka lại là nơi sinh sống của gấu hoang dã.
Trước đó, lại có trường hợp một bà mẹ sống tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc phạt con bằng cách xích chân tay của đứa con trai 17 tuổi rồi bắt đi diễu phố. Sợi xích khá ngắn nên cậu phải cúi khom người để đi còn bà mẹ đi ở phía sau giám sát. Lý do bà mẹ này đưa ra là vì đứa con của mình không chịu làm việc nhà mà thường bỏ đi chơi điện tử. Mặc dù mọi người có can ngăn nhưng bà mẹ vẫn không chịu dừng hình phạt cho đứa con.
Ở Việt Nam, cha ông ta cũng có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” và khá nhiều cặp phụ huynh đã quyết định “thương cho roi cho vọt” mỗi khi con mình phạm lỗi. Những hình phạt phổ biến như từ trách mắng, làm lơ đứa trẻ, cấm đi chơi, xem ti vi, máy tính cho đến các hình thức nặng hơn như đòn roi, đuổi khỏi nhà… Chưa có một nghiên cứu nào ở Việt Nam chứng minh sự ảnh hưởng của các hình phạt đến tâm lý của trẻ nhỏ, nhưng chắc chắn một điều rằng, những hình phạt của người lớn sẽ để lại hậu quả tiêu cực dù ít dù nhiều cho trẻ. Cũng có trường hợp trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn, nhưng không ít trường hợp hình phạt gây phản tác dụng, khiến đứa trẻ trở nên chống đối, cố tình làm trái lời bố mẹ hay lì đòn hơn.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là cổ xúy cho việc các bậc phụ huynh làm lơ hay bỏ qua mỗi khi trẻ phạm lỗi. Vấn đề ở đây là các bậc phụ huynh phải học cách ứng xử sao cho hợp lý, khôn khéo mỗi lúc con mình mắc lỗi. Thay vì đánh mắng mỗi khi con không nghe lời, các bậc phụ huynh trước tiên cần phải bình tĩnh rồi nhẹ nhàng giải thích lỗi sai của con. Hơn nữa, các hình phạt áp dụng cũng nên phù hợp lứa tuổi. Các bậc phụ huynh không nên áp đặt hình phạt roi đòn cho một đứa con 15, 16 tuổi như những đứa bé lên 5, lên 6. Và có lẽ, cũng cần nhiều hơn nữa những lời chia sẻ, yêu thương, kiên nhẫn từ các bậc phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con nên người.
Chu Thanh