Thuốc lá nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Nó đã giết chết 100 triệu người trong thế kỷ 20 và sẽ là một tỷ người trong thế kỷ 21.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo về đại dịch thuốc lá toàn cầu. Theo đó, tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sử dụng, giảm tử vong do thuốc lá và là biện pháp có chi phí hiệu quả cao để thực hiện. Trong đó, thuế thuốc lá bằng ít nhất 75% giá bán lẻ có hiệu quả cao nhất. Ví dụ, tăng thuế thuốc lá ở Brazil đóng góp gần một nửa cho việc giảm 46% tỷ lệ sử dụng thuốc lá từ 1989 đến 2010.
Tăng thuế thuốc lá là một giải pháp cùng thắng cho Chính phủ bởi nó gia tăng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy rằng bất chấp việc tăng thuế thuốc lá đem lại những tác động hiệu quả tới sức khỏe, rất nhiều quốc gia vẫn có mức thuế thấp, và một số quốc gia không đánh thuế thuốc lá.
Tăng thuế thuốc lá là một trong những biện pháp kiểm soát thuốc lá ít được thực hiện nhất, với chỉ 10% dân số thế giới sống ở các quốc gia có thuế thuốc lá vừa đủ. Trong số những chính sách được thảo luận trong báo cáo này, tăng thuế thuốc lá là giải pháp có ít sự cải thiện nhất kể từ khi WHO bắt dầu đánh giá sự tiến bộ.
Theo WHO, sử dụng thuốc lá đã giết chết 100 triệu người trong thế kỷ 20, và sẽ giết một tỷ người trong thế kỷ 21 nếu các xu hướng hiện nay không được đảo ngược. Vì thế, báo cáo này kêu gọi Chính phủ các nước cần hành động để giảm sử dụng thuốc lá bằng cách thực hiện các chính sách đã được chứng minh là hiệu quả.
Tại Việt Nam, từ 1/1/2016, thuế thuốc lá sẽ được điều chỉnh từ 65% lên 70%, sau đó tăng theo lộ trình lên 75%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu tăng 5% như dự thảo thì giá bán lẻ tăng không đáng kể, không theo kịp mức tăng thu nhập bình quân 4,8% một năm. Vì thế, sức mua thuốc lá vẫn tăng. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá hầu như không thay đổi và có lẽ giữ nguyên ở con số như hiện tại. Hiện 47% nam giới trưởng thành Việt Nam hút thuốc lá.
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 70 chất gây ung thư. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... Hút thuốc là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Theo VnExpress