(Baonghean) - Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp cho nền sản xuất nông nghiệp ngày càng đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này là tình trạng rác thải từ bao bì, chai lọ, vỏ đựng thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Mô hình thùng rác ruộng đồng đang triển khai ở nhiều địa phương được xem là giải pháp quan trọng khắc phục thực tế nêu trên.

Về xã Phúc Thành (Yên Thành) những ngày này, trên các cánh đồng là màu xanh của lúa non mới cấy, ở những tuyến đường nội đồng không còn vương vãi những chai lọ, bao bì đựng thuốc trừ sâu như trước.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Đình Quang - Trưởng ban Nông nghiệp xã cho biết: “Trước đây, sau khi pha thuốc trừ sâu, bà con thường vứt bừa bãi các bao bì trên đồng ruộng, không chỉ gây mất mỹ quan mà còn gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng khá lớn đến nguồn nước. Rồi có những chai lọ đựng thuốc trừ sâu làm bằng thủy tinh vứt nhan nhản trên bờ ruộng, kênh mương, dễ kiến người dân giẫm phải. Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của cấp trên với việc cung cấp các thùng rác đặt ở cánh đồng và hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng cách, tình trạng này dần được khắc phục”.

Những thùng rác hình trụ được đúc bằng xi măng, đường kính từ 90-100 cm, đặt tại các điểm người dân thường pha thuốc trừ sâu để thuận tiện cho việc vứt bỏ rác bao bì, chai lọ̣.

Sau khi khảo sát thực trạng địa phương, Chi Cục BVTV tỉnh và Trạm BVTV huyện Yên Thành đã chọn đồng Vịnh, thuộc địa bàn xóm 10A (Liên Sơn), xã Phúc Thành thí điểm đặt 3 thùng đựng rác thải nông nghiệp. Thấy được hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ môi trường của mô hình này, xã Phúc Thành đang lên kế hoạch để gấp rút triển khai nhân rộng ra quy mô toàn xã. Khi rác thải đầy thùng sẽ được chuyển về khu xử lý tập trung. 

Từ đầu năm 2014, Cục Bảo vệ thực vật Nghệ An đã xây dựng mô hình “Cộng đồng quản lý bền vững dịch hại lúa và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm thuốc BVTV”, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nông dân, giảm nguy cơ rủi ro do thuốc BVTV, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong năm đầu tiên thực hiện triển khai mô hình này, Cục đã hỗ trợ một phần kinh phí cho các xã xây dựng thùng rác ruộng đồng, thí điểm tại 8 xã thuộc 5 huyện trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh (2 mô hình tại huyện Yên Thành, 2 mô hình tại huyện Hưng Nguyên, 1 mô hình tại các huyện Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương và Nam Đàn). Tại mỗi mô hình, cứ 5 ha ruộng đồng, Cục BVTV hỗ trợ cung cấp 1 thùng đựng rác thải nông nghiệp.

Nhận thấy được hiệu quả tích cực từ việc làm này, các huyện đã đầu tư đặt thêm nhiều thùng rác ruộng đồng; đồng thời tuyên truyền phổ biến rộng rãi để bà con nhân dân nhận thức và thực hiện bỏ rác thải đúng nơi quy định. Điển hình như tại xã Thanh Liên (huyện Thanh Chương), hiện nay có tới gần 60 thùng đựng rác thải nông nghiệp được phân bố đều trên toàn bộ diện tích đồng ruộng của xã. Chị Lê Thị Tuyết (xóm 7, xã Thanh Liên) cho biết: “Ngày trước, nhiều chai lọ đựng thuốc trừ sâu vứt bừa bãi trên ruộng và bờ mương, chúng tôi đi làm đồng luôn lo sợ sẽ giẫm phải. Từ khi có các thùng đựng rác đặt ở bờ ruộng, chúng tôi không còn phải lo lắng nữa, môi trường cũng đỡ ô nhiễm hơn”. Theo ông Phan Bá Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên, mô hình này được bà con ủng hộ nhiệt tình, nên sắp tới xã sẽ còn đặt thêm một số thùng rác nữa để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải ruộng đồng... 

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn thực trạng có một số người dân chưa nhận thức đầy đủ tác hại của các bao bì, chai lọ đựng thuốc trừ sâu, vì vậy vẫn duy trì thói quen “tiện đâu vứt đó”, khiến cho những thùng rác ruộng đồng chưa phát huy hết vai trò và tính hiệu quả.

Bên cạnh đó, có những thùng rác đặt gần khu dân cư nên người dân gom cả rác thải sinh hoạt vào, gây khó khăn trong việc phân loại và tiêu hủy. Theo quy định, điểm tập trung xử lý rác phải cách xa dân cư sinh sống từ 3 km trở lên.

Thế nhưng, hiện nay một số địa phương chưa xử lý đúng quy trình. Một số nơi sử dụng hình thức đốt hoặc chôn tại chỗ, trong khi có những chai lọ và rác thải dưới dạng rắn không dễ phân hủy, theo thời gian sẽ tác động tiêu cực đến môi trường đất, môi trường nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Khi được hỏi về hướng khắc phục những hạn chế này, ông Phạm Thanh Long – Phó trưởng phòng BVTV nông nghiệp, Chi cục BVTV Nghệ An cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình này, chúng tôi có thành lập các nhóm "nông dân tự quản", mỗi nhóm 3 người, bao gồm những nông dân có uy tín và có khả năng nắm bắt vấn đề để phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định đề ra, đồng thời chỉ đạo, tìm hiểu và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Về việc thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng, chúng tôi đang cố gắng vận động người dân phát huy tinh thần tự giác, bỏ rác thải ruộng đồng đúng nơi quy định, sau đó, thu gom bao bì thuốc từ các thùng chứa 1 lần/năm tập kết tại 1 địa điểm để đưa đi xử lý”. 

Để phát triển nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, trước hết phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân trong việc giữ gìn môi trường canh tác. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, tạo thành thói quen thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.Thậm chí có thể bổ sung vào quy chế, hương ước để kiểm soát hành vi của người dân. Ngoài ra, các cấp, ngành cũng cần có những giải pháp thu gom và xử lý rác thải ruộng đồng phù hợp, phát huy tính hiệu quả tích cực, toàn diện của mô hình tiến bộ này để nhân rộng ra quy mô toàn tỉnh. 

Phương Thảo