Từ sáng sớm ngày mồng 4 Tết, có rất nhiều tiểu thương đã bày bán các loại thực phẩm thiết yếu trước cổng chợ Vinh như rau, củ quả các loại, thịt bò, thịt lợn, cá… người mua cũng khá đông đúc.
Chị Nguyễn Thị Lam, người dân phường Hồng Sơn (TP.Vinh) cho biết: “Xác định ra năm sẽ có chợ sớm nên trong Tết tôi không mua tích trữ nhiều thực phẩm. Vả lại thời tiết năm nay nắng nóng, đồ ăn không để được lâu, nên từ mồng 3 Tết, tôi đã ra chợ mua các loại rau, thịt tươi về phục vụ bữa ăn cho cả gia đình. Giá cả các mặt hàng này tăng cao so với ngày thường”.
Không chỉ rau xanh tăng giá, một số loại thịt giá cũng nhích hơn so với ngày thường: Thịt bò, bê loại 1 có giá 300.000 - 320.000 đồng/kg, thịt lợn giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, gà 120.000 đồng/kg.
Đặc biệt với quan niệm ăn lươn đầu năm để “trơn bọt lọt lành”, rất nhiều người dân mua lươn về chế biến các món ăn nên giá cả cao gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường, dao động từ 270.000 - 300.000 đồng/kg (bình thường chỉ khoảng 150.000 - 170.000 đồng/kg).
Không chỉ ở các chợ thành phố, các chợ huyện giá cả các loại thực phẩm cũng tăng nhẹ so với những ngày trước Tết. Chị Trịnh Thị Thuận, bán rau ở chợ Bệnh viện (thị trấn Dùng, Thanh Chương) cho biết: "Sau Tết, có nhiều gia đình tổ chức tiệc yến lão, đám cưới, đám vui, họp lớp, gặp mặt đầu Xuân… nên nhu cầu thực phẩm tăng, trong khi đó, nguồn cung không nhiều nên giá cả có sự biến động nhẹ. Vì ở nông thôn, hầu hết người dân đều có nguồn rau tự cung tự cấp nên không quá khan hiếm, giá rau vì thế không tăng quá cao".
Ở Đô Lương, từ chiều mồng 2 Tết, dọc đoạn đường quanh chợ Đình (thị trấn Đô Lương) đã có nhiều người dân bày bán rau, thịt, cá, tôm các loại. Giá cả có tăng nhưng không quá cao. Anh Phạm Đình Nam, bán cá ở khu vực chợ Đình cho biết: Sau Tết, nhu cầu về cá tươi để “đổi món” khá cao, riêng ngày mồng 3 Tết, anh bán được gần 1 tạ cá các loại. Giá cả các loại như cá quả, cá chép, cá trắm, cá trôi chỉ cao hơn ngày thường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg; riêng tôm càng cao hơn ngày thường khoảng 10.000 đồng/kg...
Lý giải cho nguyên nhân giá cả các mặt hàng này tăng cao so với ngày thường, chị Phan Thị Hường, tiểu thương ở chợ Hưng Dũng cho hay: Thứ nhất, đầu năm, người bán ít; thứ hai, nông dân chưa thu hoạch rau, cá, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa hoạt động trở lại nên nguồn hàng khan hiếm hơn, giá mua sỉ vì thế đắt hơn; thứ ba, những ngày sau Tết, khi đã chán với bánh chưng, thịt kho, hàng đông lạnh thì nhu cầu về các loại thực phẩm tươi sống tăng cao, do đó giá cả cũng đội lên.