Thực phẩm nhà làm lên ngôi dịp Tết. Clip: Thanh Phúc |
Có kinh nghiệm kinh doanh thực phẩm “nhà làm” 6 năm nay, chị Nguyễn Thị Hòa (chung cư Kim Thi, phường Quán Bàu, TP. Vinh) cho biết: “Tết là dịp cao điểm để làm và bán ra thị trường các loại thực phẩm như: bò khô, lợn khô, kim chi, giò, chả cuốn… Bắt đầu từ đầu tháng Chạp, chúng tôi đã lên đơn các món Tết để khách lực chọn và đặt hàng. Tết năm nay, tôi nhận làm 1 tạ bò, lợn khô; 5.000 chả cuốn và khoảng 50kg giò xào. Đến 20 âm là chốt đơn và giao hàng đến trưa 30 Tết”.
Chị Hòa cho biết, giá các thực phẩm “nhà làm” có nhỉnh hơn các loại thực phẩm được bán sẵn ở chợ dân sinh. Ví dụ, bò khô có giá 900.000 – 1.000.000 đồng/kg thì ở chợ giá chỉ 700.000 – 800.000 đồng/kg; giò xào chị bán với giá 230.000 đồng/kg thì ở chợ chỉ có giá 150.000 đồng/kg. Nhưng theo chị Hòa thì “tiền nào của nấy”, giá chênh là do nguyên liệu được chọn lựa kỹ, quá trình chế biến không pha trộn và đảm bảo sạch.
“Khách hàng chủ yếu của tôi là người quen, đã đặt hàng nhiều lần, biết chất lượng nên tin tưởng đặt tiếp. Ngoài ra, mặt hàng bò khô, lợn khô còn xuất sỉ đi cho các mối ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định và Sài Gòn. Do đó, từ đầu tháng 12 đến 30 Tết, 2 chị em phải làm hết công suất từ 4h sáng đến 23h đêm mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách”.
Thời điểm này, gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (phường Hưng Bình, TP.Vinh) bận rộn với đơn hàng phục vụ lễ cúng ông Táo và các món dọn mâm cỗ ngày Tết. Chị Kiều Oanh cho biết: “Xu hướng sắm Tết của người dân hiện nay là không mua nhiều mà mua có chọn lọc, mua các món ngon. Đặc biệt, do đặc thù công việc nên sát Tết dân công chức vẫn phải làm việc, không có thời gian mua sắm, nấu nướng nên họ lựa chọn đặt thực phẩm đã chế biến để về bày biện. Do đó, đơn hàng Tết tăng mạnh”.
Mùa Tết năm nay, cơ sở của chị Oanh sản xuất 7 tạ bánh cà, khoảng 7 tạ giò bò, giò xào, xúc xích và 200 set cúng ông Táo. Ngoài huy động nhân lực trong nhà, chị phải thuê thêm nhân công để làm hàng Tết mới kịp trả khách.
Lo ngại bánh kẹo “3 không”tràn lan trên thị trường nên chị Nguyễn Tuyết Anh (phường Lê Mao) chỉ mua một ít bánh hộp truyền thống để bày biện bàn thờ cho đẹp, còn bánh kẹo, mứt tiếp khách chị đặt người quen làm. Chị Tuyết Anh cho biết: “Giờ, bánh kẹo cũng ít người ăn nên không mua nhiều, mua xô bồ như trước. Tôi chọn đặt người quen làm một số loại mứt dừa dẻo, kẹo hạnh nhân, bánh bông tuyết, mỗi thứ 0,5kg. Những loại này, giá cả đắt gấp đôi hàng bán sẵn nhưng chất lượng đảm bảo”.
Thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, có cung ắt có cầu nên hiện nay, thị trường thực phẩm nhà làm trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trên các chợ online dễ dàng bắt gặp các sản phẩm chế biến thủ công cho ngày tết như giò, chả, khô gà lá chanh, thịt lợn khô cháy tỏi, bò sấy, lạp xường, mứt dừa non, mứt chanh leo, các loại bánh quy, kẹo hạnh phúc... được rao bán rầm rộ.
Qua khảo sát, giá cả các loại thực phẩm này trên thị trường tương đối bình ổn: bò khô dao động từ 900.000 – 1.000.000 đồng/kg; giò bò 300.000 đồng/kg, giò xào 250.000 đồng/kg; mứt dừa xiêm miếng 250.000 - 300.000 đồng/kg; bánh cà 160.000 đồng/kg…
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhiều cơ sở, chủ tài khoản facebook kinh doanh đồ handmade đã đầu tư hệ thống máy sấy, máy hút chân không, bao bì, nhãn mác đầy đủ. Đặc biệt, để tạo niềm tin cho khách, các quy trình từ chọn nguyên liệu đến chế biến thường được quay hoặc livestream rồi đăng, phát lên mạng xã hội. Vì tính tiện lợi, có thể đặt hàng chế biến theo yêu cầu, không chất bảo quản, phụ gia, giá cả hợp lý nên thực phẩm handmade đang được lòng nhiều “thượng đế”.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tiêu chí sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ dựa vào những gì “mắt thấy, tai nghe” qua livestream, qua lời giới thiệu của người bán và qua niềm tin từ các mối quen biết chứ chưa có cơ quan nào kiểm định. Nhiều sản phẩm bán trên "chợ mạng" được quảng cáo “nhà làm” đều không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng. Có không ít trường hợp “treo đầu dê, bán thịt chó” quảng cáo một đường, lúc giao hàng lại một nẻo, chất lượng không đảm bảo.
Do đó, người tiêu dùng phải thông thái khi lựa chọn thực phẩm nhà làm và những người bán hàng “nhà làm” cũng phải có trách nhiệm trong việc chế biến, bán các sản phẩm đó. Bởi một khi đã được thương mại hóa, được marketing qua Facebook thì người kinh doanh phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.