(Baonghean) - Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo, nhiều dân tộc khác nhau phân bố ở nhiều vùng miền. Trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, hầu hết các tôn giáo, dân tộc đều có đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo, dân tộc là vấn đề chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa bằng pháp luật và được bảo đảm trên thực tế.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 3 tháng 9 năm 1945 tại phiên họp Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến vấn đề tôn giáo. Người nói: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Ngày 14 tháng 6 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL công bố: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện, chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ pháp luật nhà nước như mọi tổ chức khác. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi các tôn giáo hãy xóa bỏ hiềm khích, đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà vì “công giáo hay không công giáo, phật giáo hay không phật giáo đều phải nỗ lực đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ vững nền độc lập dân tộc, toàn thể đồng bào ta không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến để giữ gìn non sông, Tổ quốc và cũng để giữ gìn tín ngưỡng tự do”. Suốt chiều dài lịch sử, nhất là qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, đại đa số đồng bào các tôn giáo đều có lòng yêu nước, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; nhiều người đã lập nhiều chiến công lớn, nêu tấm gương sáng cho các thế hệ tiếp nối, noi theo; đồng bào tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác tôn giáo như Nghị quyết số 24/NQ-TƯ ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 25- NQ/T.Ư ngày 13/3/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX); Quốc hội khóa 11 đã ban  hành Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo (số 21/2004/PL-UBTVQH11) qui định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo. Sau đó tiếp tục ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 6/11/2012 qui định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo thay thế NĐ số 22 năm 2005 khẳng định rõ “công dân có quyền tự do tín  ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.

Các chính sách, pháp luật đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến nhu cầu tín  ngưỡng của tín đồ, chức sắc các tôn giáo, làm cho quần chúng tín đồ và các chức sắc tôn giáo yên tâm, phấn khởi  thực hiện tốt “việc đạo, việc đời”, tin tưởng vào chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, phát  triển kinh tế xã hội, đấu tranh ngăn chặn những hành động lợi dụng tôn giáo, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Có thể nói, các tôn giáo sinh hoạt sôi động như hiện nay, tín đồ ngày càng đông, được tự do hành lễ dù ở nhà riêng hay nơi thờ tự hợp pháp. Đã chứng tỏ những quan điểm, đường lối, công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước đã tạo chuyển biến, hướng các tôn giáo vào mục tiêu xây dựng đất nước, quê hương “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Riêng trong phạm vi tỉnh Nghệ An, đến thời điểm hiện nay có 2 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo với số lượng 27,5 vạn tín đồ, 125 chức sắc, có một trường đào tạo chức sắc tôn giáo (Đại chủng viện Vinh Thanh của công giáo). Các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm giải quyết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của tín đồ, chức sắc, tổ chức tôn giáo; nhiều công trình tôn giáo được cấp phép nâng cấp, sửa chữa, xây mới…

Các ngày lễ lớn của các tôn giáo như Lễ Noel, Bế mạc năm thánh, lễ tấn phong giám mục của công giáo; Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan của Phật giáo… đều được chính quyền các cấp tạo điều kiện thực hiện và có sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền, mặt trận đến chúc mừng. Tín đồ, chức sắc tôn giáo trong tỉnh đoàn kết, yên tâm, phấn khởi tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền cũng tổ chức triển khai nhiều chương trình, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại vùng đồng bào tôn giáo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người có đạo.

Những kết quả trong thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta nói chung và của tỉnh ta nói riêng là thực tiễn sinh động khẳng định đường lối đổi mới của đất nước, của Đảng đã đi vào cuộc sống; khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng đất nước, quê hương giàu mạnh.

815673_small_105556.jpg

Mô hình trồng cam của giáo dân Nguyễn Hữu Bình ở xóm Đồng Trung - xã Đồng Thành - Yên Thành. Ảnh: Thanh Lê

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đồng bào các tôn giáo là một trong những lực lượng hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã tích cục tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Đặc biệt trong những cơn lũ lịch sử gây thiệt hại lớn ở trong tỉnh và miền Trung, các tổ chức tôn giáo đã hỗ trợ nhân dân vùng lũ lụt hàng tỷ đồng, nghĩa cử cao đẹp ấy thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam có từ ngàn đời nay.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, xóa bỏ mặc  cảm, định kiến phân biệt đối xử về thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tôn trọng những ý kiến khác nhau nhưng không trái với lợi ích của đất nước, lợi ích của dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung vì sự ổn định chính trị xã hội. Thực hiện đường lối đoàn kết dân tộc, hoạt động của đồng bào công giáo đã có những đóng góp nhất định trong việc vận động, tập hợp đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là chất xúc tác, chất kích thích giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, là nhân tố quan trọng cấu thành khối đại đoàn kết dân tộc, tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những mặt hạn chế, nhận thức về quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách tôn giáo ở một số địa phương, cơ sở có lúc có nơi còn chưa thật sự nghiêm túc, triệt để, tạo sơ hở, thiếu sót để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Một số tín đồ, chức sắc tôn giáo chưa hiểu đúng, đầy đủ về những quan điểm, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, chưa nhận thức rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của một tín đồ, một công dân nên đã nghe theo những luận điệu xuyên tạc, kích động, xúi giục có những hành động gây rối, viết đơn thư khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

Điều quan trọng hơn cả là, tất cả chúng ta, mọi quần chúng nhân dân, cả người theo hoặc không theo một tôn giáo nào, cần nhận thức rõ mình đều là con dân nước Việt, cùng là anh em nên “Anh em như thể chân tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Trước những chuyện đúng, chuyện sai, việc hay, việc dở, thậm chí là sự tổn thương mất mát, đau đớn đến tột cùng trong một thời khắc nào đó, ở nơi này hay chỗ kia, cần phải biết bỏ qua, dừng lại và xóa bỏ. Hãy cùng nhau đắp bồi, xoa dịu vết thương, để tạo dựng nên những ngày tươi đẹp, tràn đầy tình thân ái, mến yêu.

Việc xử lý những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã có các cơ quan chức năng căn cứ theo quy định của luật pháp Việt Nam thực hiện. Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình khi đã đủ tuổi trưởng thành; chịu trách nhiệm về hành vi của người chưa trưởng thành khi mình là người bảo hộ. Có chăng, việc chúng ta nên làm cho những người anh em đáng thương đã vi phạm pháp luật là trợ giúp, động viên những người thân của họ vượt qua khó khăn gian khó, thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Giải thích, khuyên nhủ những người anh em nhất thời manh động, cả tin, lầm đường, lạc lối hãy “quay đầu về bờ”. Chỉ khi nhìn nhận ra và tự chịu trách nhiệm về hành vi sai trái, lỗi lầm của mình thì mỗi người mới ý thức được để tự giác cải tạo và trở thành công dân có ích và tín đồ tận tâm...

Hơn lúc nào hết, mỗi công dân, tín đồ, chức sắc tôn giáo, đặc biệt là các vị chức sắc đứng đầu tổ chức tôn giáo cần phải hiểu rõ và thống nhất trong tư tưởng rằng, hoạt động của các tôn giáo phải đi đúng với đường hướng “tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”. Nhà nước không phân biệt đối xử với bất cứ tôn giáo nào, mọi tôn giáo phải bình đẳng trước pháp luật. Các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền phải chăm lo và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trong đó có tín đồ, chức sắc tôn giáo. Đồng thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những biểu hiện lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo cũng như những biểu hiện lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động nhân dân, tín đồ, chức sắc tôn giáo gây rối trật tự, ảnh hưởng đến ổn định xã hội; tăng cường phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước.


Khánh Thanh