(Baonghean) - Dự báo bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2015 cho thấy, đây là năm có nhiều chuyển biến tích cực hơn, với mức tăng trưởng kinh tế phấn đấu khoảng 6,2%, lạm phát khoảng 5%... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức... tác động đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và cân đối thu, chi NSNN năm 2015. Đồng thời, năm 2015 cũng là năm tổ chức đại hội đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn cấp quốc gia, từ đó, việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN cần đạt được các mục tiêu đã đề ra có ý nghĩa quan trọng.

NSNN năm 2015 sẽ tăng chi trả nợ
 
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, để thực hiện các mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu về NSNN được xác định rõ ràng. Về thu NSNN: trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 911,1 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 18,9% GDP. Trong đó, dự toán thu nội địa phải đạt 638,6 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 93 nghìn tỷ đồng (trên cơ sở sản lượng dự kiến 14,74 triệu tấn, giá bình quân 100 USD/thùng), dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 175 nghìn tỷ đồng (trên cơ sở số thu 260 nghìn tỷ đồng, chi hoàn thuế GTGT 85 nghìn tỷ đồng), và thu từ nguồn viện trợ là 4,5 nghìn tỷ đồng.
 
Căn cứ dự toán thu NSNN đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới. Bên cạnh việc bảo đảm đúng quy định của Luật NSNN, không thấp hơn so với dự toán được giao, các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp phù hợp, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao, đồng thời phấn đấu tăng tăng thu nội địa và thu từ hoạt động XNK ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, số hoàn thuế GTGT không quá 85 nghìn tỷ đồng – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
images1203757_h__th_ng_v_t_s_a_t__d_ng_hi_n_d_i_du_c_nh_p_kh_u_t__ch_u__u.jpgNguồn thu ổn định từ doanh nghiệp sẽ tăng cân đối cho ngân sách nhà nước. (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất sữa Vinamilk). Ảnh: PV
 
Về chi NSNN, với dự toán chi NSNN năm 2015 là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, mức chi đã tăng 140,4 nghìn tỷ đồng (13,9%) so dự toán năm 2014, nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tăng chi tối thiểu. Do đó, đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, tiết kiệm. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua nguyên tắc bố trí dự toán NSNN năm 2015 tăng chi trả nợ để bảo đảm trả đủ các khoản nợ nước ngoài đến hạn và chi trả nợ lãi các khoản vay trong nước, thực hiện đảo nợ một phần khoản nợ gốc vay trong nước; bố trí chi dự phòng, dự trữ quốc gia để đảm bảo cho các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cấp bách. Từ đó, theo lộ trình, cần giảm dần bội chi để đạt mức 4,5% GDP vào năm 2015 (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ). Tuy nhiên, do khả năng cân đối NSNN năm 2015 rất khó khăn, trong khi vẫn phải bố trí tăng chi bảo đảm các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.. nên Quốc hội đã thông qua mức bội chi NSNN năm 2015 là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5%GDP – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.
 
Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách
 
Theo Bộ Tài chính, trong công tác huy động vốn, năm 2015, mức phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư năm 2015 là 85 nghìn tỷ đồng (trong đó 15 nghìn tỷ đồng thuộc kế hoạch phát hành giai đoạn 2011-2015 và 70 nghìn tỷ đồng thuộc kế hoạch bổ sung giai đoạn 2014-2016), cộng với huy động cho bù đắp bội chi (226 nghìn tỷ đồng) và đảo nợ (130 nghìn tỷ đồng)... thì nhiệm vụ phải huy động trong năm 2015 là rất nặng nề, tăng khoảng 40 nghìn tỷ đồng so với năm 2014. Chính vì vậy, Bộ Tài chính phải triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm. Dự kiến, kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN giai đoạn 2011-2015 theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội sẽ đạt hiệu quả, với cơ cấu thu NSNN giai đoạn 2011-2015 tiếp tục có chuyển biến, lành mạnh; tỷ trọng thu nội địa tăng từ 58% (giai đoạn 2006-2010) lên 67% (giai đoạn 2011-2015; đến năm 2015 chiếm 70% trong tổng thu NSNN). Điều này cho thấy nguồn thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ngày càng đóng vai trò quan trọng, tạo sự chủ động và tăng tính ổn định của NSNN. 
 
Về chi NSNN, tỷ trọng chi NSNN so GDP giai đoạn 2011-2015 khoảng 28,4% GDP (giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 32,5% GDP), nếu kể cả trái phiếu Chính phủ và xổ số kiến thiết thì đạt khoảng 30,4% GDP. Bộ đã tăng chi cho các lĩnh vực quan trọng, như giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, quốc phòng, an ninh; tăng chi cho con người, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tuy nhiên, cơ cấu chi NSNN đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khi tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN tăng mạnh (bình quân chiếm 64,8%, tăng 10% so với giai đoạn 2006-2010); Trong đó, các khoản chi cho con người chiếm khoảng 68,2% tổng chi thường xuyên, dẫn đến các khoản chi thường xuyên khác rất khó khăn. Trong điều kiện cân đối NSNN, buộc phải giảm chi đầu tư từ NSNN và bố trí chi trả nợ thấp hơn nhu cầu - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích. 
 
Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục cơ cấu lại ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư để phân bổ tập trung, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đang triển khai để cắt giảm, lồng ghép chính sách, chương trình, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Việc ban hành các chính sách mới làm tăng chi ngân sách chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm mới được thực hiện. Về cân đối ngân sách: việc cắt giảm nhanh chính sách thu, cùng với áp lực tăng chi lớn, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn, không thực hiện được yêu cầu giảm bội chi NSNN. Những năm vừa qua, bội chi NSNN phải duy trì ở mức cao (năm 2011 là 4,4% GDP; năm 2012 là 5,36% GDP; năm 2013 là 5,5% GDP; năm 2014 là 5,3% GDP và năm 2015 là 5% GDP) không đạt Nghị quyết của Đảng và Quốc hội là giảm dần để đến năm 2015 bội chi NSNN đạt 4,5%. 
 
Về huy động vốn và nợ công, ngoài phát hành 225 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã bổ sung kế hoạch phát hành 170 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2014-2016, còn giai đoạn 2011-2015 phát hành 335 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Dự kiến đến 31/12/2015, dư nợ công khoảng 64% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,6% GDP. Các chỉ số nợ mặc dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép, song đã tạo nên sức ép lớn trong việc bố trí và cân đối nguồn trả nợ năm 2015 và những năm tiếp theo; xuất hiện các yếu tố đe doạ đến an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cảnh báo. 
 
Sông Hồng