(Baonghean.vn) - Những năm qua, xã Nghi Phong (Nghi Lộc) đã cónhiều chủ trương, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội,trong đó, phát triển thương mại, dịch vụ được đánh giá là một trong những khâu “đột phá”, góp phần lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Gia đình anh Nguyễn Văn Xuân ở xóm Phong Lâm, xã Nghi Phong trước đây làm ruộng, mặc dù rất cần cù, chịu khó trong sản xuất nhưng cuộc sống luôn khó khăn. Sau bao trăn trở, và được sự khuyến khích của đảng ủy xã về phát triển thương mại - dịch vụ, anh Xuân đã quyết định mở cơ sở sản xuất bún bánh. Ban đầu, nghề làm bún cũng chỉ giúp gia đình cải thiện cuộc sống, nhưng nhờ chịu khó, cần cù tích lũy kinh nghiệm trong cách làm, cách tiếp thị nên nghề làm bún đã giúp anh làm giàu.
Từ chỗ sản xuất thủ công nhỏ lẻ, nay anh đã đầu tư đưa máy móc hiện đại và mở rộng cơ sở sản xuất. Hiện bình quân mỗi ngày anh làm ra gần 2 tấn bún thành phẩm, cung cấp thị trường Vinh, Nghi Lộc, thu lãi mỗi ngày từ 800.000 - 1.000.000 đồng; vào ngày lễ, tết thì con số này còn cao hơn nhiều.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tường ở xóm Phong Yên cũng không bằng lòng với mức thu nhập khiêm tốn từ 4 sào ruộng của gia đình nên đã làm nhiều việc khác nhau và rồi dừng lại với nghề sửa chữa ô tô. Sau thời gian tích lũy vốn, điểm sửa chữa nhỏ lẻ của ông bên Tỉnh lộ 535 đã phát triển thành công ty TNHH mang tên Thiên Thuận Tường, chuyên sửa chữa ô tô và gia công lắp ráp các mặt hàng cơ khí tổng hợp, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động của địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình của anh Xuân, ông Tường chỉ là 2 trong số hàng trăm hộ ở xã Nghi Phong đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ thực hiện chủ trương phát triển đa ngành nghề của cấp ủy, chính quyền xã. Mặc dù xã Nghi Phong điều kiện đất đai sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhưng lại có tuyến Quốc lộ 46, Tỉnh lộ 535 đi qua địa bàn, tiếp giáp với thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò nên rất thuận lợi cho giao thương buôn bán; người dân lại cần cù, chịu khó và khá nhạy bén trong phát triển kinh tế dịch vụ. Xuất phát từ tình hình đó, BCH Đảng bộ xã Nghi Phong nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã ban hành Đề án phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn.
Theo đó, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã đã triển khai kế hoạch thực hiện sát với nhiệm vụ của tổ chức mình. Cụ thể, Hội nông dân đã phối hợp với UBND xã mở hàng chục lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân như nghề đan mây tre xuất khẩu, chăn nuôi thú y, nghề trồng hoa cây cảnh; liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay 2 đến 4 tỷ đồng để phát triển ngành nghề dịch vụ, tăng thu nhập.
MTTQ, các đoàn thể tuyên truyền, vận động, giới thiệu mô hình, chính quyền xã tạo hành lang pháp lý để các hộ dân trên địa bàn phát triển các ngành nghề dịch vụ, kinh doanh. Dọc các tuyến Quốc lộ 46, Tỉnh lộ 535 trước đây số hộ mở ốt kinh doanh buôn bán hãy còn thưa thớt thì nay đã khá dày đặc với các ngành nghề như: cơ khí, sửa chữa ô tô xe máy, sản xuất mộc mỹ nghệ, buôn bán hàng nội thất, hàng tạp hóa gia đình, chế biến nông sản...
Bên cạnh đó, xuất khẩu lao động cũng là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Nghi Phong. Mỗi năm, địa phương có từ 30 đến 50 người đi lao động tại các nước, hàng năm gửi về hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn có trên 100 lao động hiện đang làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Nhờ tập trung phát triển các ngành nghề dịch vụ thương mại, năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và thương mại của Nghi Phong chiếm tỷ trọng trên 73,8% tổng giá trị sản xuất toàn xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 chiếm 21% thì nay con số này là 3,7%.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu – Bí thư Đảng ủy xã Nghi Phong cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy đang xây dựng Kế hoạch tiếp tục thực hiện Chương trình của cấp ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 về phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn xã Nghi Phong, giai đoạn 2016 - 2020. Nhiệm vụ, giải pháp chính sẽ tiếp tục được quan tâm đó là: đẩy mạnh công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho nông dân, nhất là các lao động vùng có đất bị thu hồi; tăng cường xuất khẩu lao động, lao động tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các hộ dân phát triển kinh doanh, dịch vụ, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương; giải quyết tốt vấn đề môi trường tại khu vực làm nghề bún bánh phát triển bền vững. |
Nhật Tuấn
Đài Nghi Lộc