(Baonghean) - 70 năm qua với bao thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử, mặc dù trong điều kiện khó khăn nhiều mặt về kinh tế - xã hội nhưng các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống, đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' thường xuyên quan tâm chăm lo việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16 tháng 2 năm 1947 ban hành chế độ lương hưu, thương tật và tiền tuất tử sỹ và quyết định chọn ngày 27/7 làm ngày Thương binh toàn quốc để tỏ lòng "Hiếu nghĩa, bác ái" đối với những người đã có công với nước. Dấu mốc thời gian đó đã gắn liền với lịch sử dân tộc trong suốt sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng CNXH, khơi dậy và phát huy truyền thống, đạo lý cao đẹp "Uống nước nhớ nguồn","Đền ơn đáp nghĩa" trong mọi tầng lớp nhân dân.
Trong giai đoạn chiến tranh, đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn, để có điều kiện chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, các tổ chức xã hội như "Hội cứu tế", "Hội giúp binh sỹ bị thương" đã được vận động thành lập ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh nhằm quyên góp tiền, của trong nhân dân phục vụ cho việc chăm sóc bộ đội, thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Các phong trào "Hũ gạo nuôi quân", "Tấm áo chiến sỹ" được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực.
Khi hòa bình lập lại, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đây là thời kỳ thực hiện chủ trương giải quyết các tồn đọng về chính sách sau chiến tranh và điều chỉnh các chế độ trợ cấp ưu đãi để nâng cao mức sống cho người có công. Cùng với việc mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng chính sách, các nội dung chính sách đối với người có công cũng được Nhà nước quy định thêm như: Chính sách ưu tiên hỗ trợ về đất và nhà ở, bảo hiểm y tế, ưu đãi giáo dục…
Dù vẫn còn là một tỉnh nghèo, nhưng với ý thức trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Nghệ An đã dành sự quan tâm và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Bên cạnh việc tổ chức xác nhận đối tượng và thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc hỗ trợ đời sống gia đình người có công tiếp tục được phát triển sâu rộng.
Là một trong những địa phương sớm có chủ trương thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", bình quân mỗi năm cả tỉnh đã vận động thu được trên 18 tỷ đồng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Từ nguồn quỹ, cùng với sự hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa, trong thời gian qua các địa phương, các ngành và đơn vị trong tỉnh đã tổ chức xây dựng mới 3.862 nhà và sửa chữa nâng cấp 8.728 nhà tình nghĩa, tặng gần 40.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình người có công trị giá hơn 10 tỷ đồng. Hội phụ nữ và thanh, thiếu niên với phong trào "áo lụa tặng mẹ, tặng bà" đã có hàng vạn sản phẩm quần áo, chăn màn tặng các gia đình thương binh liệt sỹ khó khăn.
Cuộc vận động đón thương, bệnh binh nặng về nuôi dưỡng tại gia đình đạt được kết quả tốt, hàng trăm thương, bệnh binh nặng được đón về sinh sống với gia đình đảm bảo có cuộc sống ổn định. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng theo lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hưởng ứng tích cực.
Để đảm bảo chi trả chính sách đúng đối tượng, từ năm 2013, ngành LĐ-TB&XH đã tập trung rà soát ưu đãi người có công theo Chỉ thị số 23/2013/TTg. Sau nhiều tháng tập trung thí điểm tại phường Lê Mao (thành phố Vinh) và tiến hành đồng bộ tại 21 huyện thành, thị. Đến ngày 25/6/2014 đã có 5.130 đối tượng được rà soát (theo 7 nhóm đối tượng) và sau khi Ban rà soát của tỉnh rà soát lần cuối kết quả có 5.117 người hưởng đúng chế độ (chiếm 98%). Tính đến ngày 31/5/2017, toàn tỉnh đã và đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho 77.211 đối tượng với số tiền chi trả gần 1.226.520 triệu đồng/ tháng.
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, đời sống của một bộ phận gia đình chính sách người có công còn khó khăn. Đặc biệt, một số hộ còn thuộc diện nghèo (cả tỉnh hiện còn 152 hộ), hàng ngàn hộ chưa được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng là một nội dung rộng lớn, phức tạp và rất nhạy cảm trong đời sống xã hội, nhưng nhận thức và sự vào cuộc, tổ chức chỉ đạo thực hiện của một số cơ quan, đơn vị, các cấp cơ sở về công tác thương binh liệt sỹ và người có công chưa thật sâu sắc, toàn diện, thậm chí còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng thương binh, người hưởng chế độ như thương binh, chế độ chất độc hóa học không đúng, sai phạm trong thực hiện chính sách... Vẫn còn một số người có công đến nay do nhiều nguyên nhân khác nhau chưa được công nhận.
Vì vây, thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tham mưu huy động mọi nguồn lực để đến năm 2020, 100% hộ gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng theo quy định và có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Hoàn thành giải quyết chế độ cho những người có công với cách mạng chưa được hưởng do hồ sơ chưa đầy đủ, đảm bảo chặt chẽ với phương châm “thấu lý, đạt tình”.
Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành để tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội tham gia tích cực phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" thực hiện tốt 5 chương trình chăm sóc đời sống người có công, bao gồm: Chương trình xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa; Chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chương trình ổn định đời sống thương, bệnh binh nặng ở gia đình và chương trình chăm sóc bố, mẹ, vợ liệt sỹ già yếu cô đơn, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu con liệt sỹ mồ côi, người bị nhiễm chất độc da cam.
Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu tiên trong đầu tư, hỗ trợ các nguồn vốn giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, dạy nghề tạo việc làm cho con liệt sỹ, thương binh và người có công. Đồng thời, chú trọng việc động viên phát huy truyền thống gia đình cách mạng của các đối tượng chính sách vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất, công tác, ổn định và cải thiện đời sống, tiếp tục cống hiến, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Hiện nay, công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn không còn là tình cảm mà là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau. Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Nguyễn Bằng Toàn
(Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội)