(Baonghean) - Từ khi Chỉ thị 17-CT/TU được ban hành, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức được trách nhiệm đạo đức công vụ, cán bộ lãnh đạo chưa thể hiện được trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành đơn vị...
Có thể nói, việc Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 17-CT/TU ngày 3/12/2013 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh là một chủ trương đúng đắn và kịp thời. Đây là giải pháp nhằm chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm trong việc chấp hành nội quy, quy chế, thời gian làm việc, cải cách hành chính, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với nhau... Nhờ có Chỉ thị 17 mà nhận thức của cán bộ, công chức và hoạt động của nhiều địa phương, cơ quan đã đi vào nề nếp. Ví dụ như tại UBND Thị trấn Nam Đàn - đơn vị được đánh giá là thực hiện tốt Chỉ thị 17: Cán bộ, công chức đi làm đúng giờ, đeo thẻ đầy đủ và tác phong chỉnh tề. Bên cạnh đó, UBND thị trấn đã xây dựng được các quy chế làm việc, quy chế văn hóa công sở đầy đủ, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức. Nhờ đó, hoạt động của cơ quan ngày càng hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND Thị trấn Nam Đàn cho biết: Sau khi có Chỉ thị 17, thị trấn đã bổ sung vào quy chế những nội dung mới, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành của cán bộ, công chức. Đối với những cán bộ vi phạm xử lý nghiêm nên ai cũng chấp hành nghiêm túc.
Để thực hiện Chỉ thị 17, song song với tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt và ban hành văn bản tổ chức thực hiện Chỉ thị, tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành tại các sở, ngành và 21 huyện, thành, thị; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành lập 2 tổ khảo sát nhiều đảng bộ huyện, thành và cơ quan, sở, ngành; một số huyện, thành, thị chủ động tiến hành kiểm tra, giám sát chấp hành Chỉ thị tại cơ sở.
Hơn 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU, tình hình chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính có chuyển biến tốt, một số nội dung có hiệu quả rõ nét là việc không uống rượu, bia trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc; cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên và tích cực đôn đốc, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; người đứng đầu đã thể hiện được trách nhiệm, vai trò nêu gương thực hiện Chỉ thị; khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nề nếp, kỷ luật lao động, tác phong làm việc; hình thành được một số điển hình, cách làm hay thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17 - CT/TU…
Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 17 tại nhiều cơ quan, địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Đó là việc các sở, ngành, đơn vị đã ban hành quy chế làm việc, quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức nhưng chưa sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa theo quy định của Chỉ thị 17/CT. Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, Tỉnh quyết định đổi mới cách thức kiểm tra. UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất ở các cơ quan, đơn vị.
Ông Cao Cự Tân, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ, Tổ trưởng Tổ thư ký, đoàn kiểm tra Chỉ thị 17 của tỉnh cho biết: Việc kiểm tra đột xuất, không thông báo trước là nhằm đánh giá thực chất việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra những cơ quan, đơn vị đã từng kiểm tra để đánh giá việc khắc phục. Nếu đơn vị nào không thay đổi thì đoàn sẽ kiến nghị lên cấp trên để có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Trong quá trình kiểm tra cho thấy việc cán bộ, công chức chấp hành quy chế văn hóa công sở hiện nay còn thấp. Kiểm tra quân số cán bộ, công chức có mặt tại trụ sở ở một số đơn vị thì nhiều người vắng mặt, trong đó một số vắng mặt không có lý do, thủ trưởng cơ quan cũng không nắm được công chức vì sao lại vắng mặt; không mang thẻ công chức; bàn làm việc không có biển tên chức danh. Sự quan tâm về khuôn viên trụ sở và những quy định về treo Quốc huy, Quốc kỳ chưa được thực hiện nghiêm. Cá biệt như tại một xã ở Đô Lương, việc thông báo thời gian làm việc mùa hè không đúng như quy định của Chính phủ. Ngay tại sảnh chính của trụ sở UBND xã thông báo, giờ làm việc mùa hè bắt đầu từ 16/4: Sáng từ 7h -11h30; chiều từ 14h-17h. Như vậy, theo như Quy định giờ làm việc của Chính phủ thì cán bộ, công chức đã “ăn bớt” mỗi ngày 30 phút. Đó là trên lý thuyết còn thực tế thì mặc dù đã quá 14h nhưng nhiều phòng làm việc vẫn khóa cửa.
Việc ban hành các quy chế làm việc, việc phân công nhiệm vụ cho từng vị trí, chức danh, sắp xếp tổ chức và chỉ đạo điều hành công việc chưa được thực hiện nghiêm túc. Như tại xã Tam Quang (Tương Dương), cho đến thời điểm đoàn đến kiểm tra (17/6), địa phương vẫn chưa ban hành quy chế làm việc của cơ quan, không ban hành chương trình công tác tháng 6, cách triển khai Chỉ thị 17 chưa cụ thể, chất lượng thấp. Còn UBND Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) mặc dù đã kiểm tra, nhắc nhở vào thời điểm tháng 10/2014 nhưng khi kiểm tra lại vẫn chưa khắc phục: họp không ghi biên bản, không có thông báo kết luận của Thủ trưởng cơ quan; Trụ sở UBND thị trấn không treo Quốc huy, chưa được bố trí ngăn nắp, gọn gàng.
Không chỉ cấp xã mà ngay cả cấp huyện việc chấp hành Chỉ thị 17 vẫn có những tồn tại tương tự như việc không đeo thẻ lúc làm việc, vắng mặt tại công sở không có lý do…
Việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính là cơ sở để các cơ quan, đơn vị đánh giá lại công chức, cán bộ của mình, đánh giá lại việc điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo. Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị 17/CT-TU đến từng cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, kiểm tra nhằm chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phát hiện những cán bộ không đủ tư cách, đạo đức để có biện pháp xử lý, bố trí công việc phù hợp, đúng khả năng, sở trường. Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chính là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05 ngày 31/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước”. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chuẩn mực về đạo đức, lối sống, đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh công sở.
Phạm Bằng