(Baonghean) - Nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Pù Hoạt được đánh giá là vùng mang tính chất nguyên sinh tiêu biểu, với hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm. Quanh Pù Hoạt là địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số, một số dự án thủy điện... đang là áp lực đối với công tác bảo vệ rừng. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (KBTTN) đã được thành lập với trọng trách nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; đồng thời lưu giữ, phát huy những giá trị đặc biệt của Pù Hoạt...

Gập ghềnh đường vào
Gập ghềnh đường vào "vương quốc lùng" Na Lướm.

TIN LIÊN QUAN
Ngỏ ý mong muốn thưởng ngoạn vùng sinh quyển quý hiếm này, anh Nguyễn Danh Hùng - Giám đốc KBTTN Pù Hoạt hỏi ngay rằng thời gian của chúng tôi ở Quế Phong được mấy ngày? Bởi để tận thấy Pù Hoạt sẽ hết cả tháng trời! Anh dẫn ra một số địa chỉ: Vùng cây sa mu ở Hạnh Dịch, Nậm Giải; vùng rừng lùng nguyên sinh ở Thông Thụ... Bởi Quế Phong lâu nay vẫn nóng chuyện khai thác lùng, lại chưa từng đến Cửa khẩu Thông Thụ nên chúng tôi chọn đến Na Lướm, nơi mệnh danh "vương quốc lùng" và "đẹp hơn trong các bộ phim dã sử Trung Quốc".

Để đến Cửa khẩu Thông Thụ, từ ngã ba Phú Phương đi ô tô hết gần 2 giờ đồng hồ. Đường dốc cao nhưng đẹp, và cùng với sự hùng vĩ của núi rừng Pù Hoạt, dù thời tiết lạnh giá nhưng ai cũng hết sức phấn chấn. Xe dừng ở Khu tái định cư Huổi Lướm, chúng tôi cùng Phan Tiến Long, Nguyễn Đình Nguyên và Sầm Văn Tài - là những cán bộ trẻ của trạm bảo vệ rừng Thông Thụ tiến vào Na Lướm. Trời lất phất mưa, đất ẩm ướt, đường là lối mòn nhỏ có nhiều dốc cao, khe suối, vừa đi xe máy, vừa lội bộ, thêm khoảng gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi đến được "vương quốc lùng". Quả thật, lời ngợi ca rừng lùng "đẹp hơn trong phim dã sử Trung Quốc" không sai. Từng đi nhiều nơi như Châu Thắng, Châu Tiến (Quỳ Châu), Tiền Phong, Đồng Văn (Quế Phong) để viết về nạn khai thác lùng nên tôi không lạ lẫm với loài cây này. Lùng có đốt dài khoảng 50 - 60cm, đường kính từ 4 - 5 cm đã được dân mây tre đan mê mệt. Vậy mà ở Na Lướm, lùng có đốt dài đến 80 - 100cm, đường kính trung bình 8cm, có những cây có đường kính đến 10 cm. Lùng mọc ken dày, san sát nhau như những bức tường xanh. Càng vào sâu, mật độ lùng càng lớn. Phan Tiến Long cho biết, để đi hết rừng lùng, nếu là người địa phương phải hết vài ngày, còn như chúng tôi thì chẳng thể. Lùng đẹp là vậy, nhưng là khu bảo tồn nên chẳng thể khai thác, người địa phương cũng cấm chỉ không được vào...". 

Rừng đặc dụng Pù Hoạt được xác định là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc Khu vực miền Tây Nghệ An mà tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục được Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận từ tháng 9/2007. Rừng đặc dụng Pù Hoạt có diện tích 35.723 ha, nằm trên địa bàn 5 xã Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ. Theo tài liệu được lưu giữ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thì vùng rừng này có những giá trị hết sức đặc biệt về thiên nhiên, là mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Thảm thực vật ở Pù Hoạt được hình thành 3 kiểu: rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới núi cao, hỗn giao cây lá rộng với cây lá kim; rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình; rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp... 

Anh Lê Văn Nghĩa - Phó phòng Hợp tác quốc tế KBTTN Pù Hoạt đã diễn giải rằng, thảm thực vật thứ nhất phần lớn nằm sâu trong vùng lõi, ít bị tác động, tính nguyên sinh rất cao. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, cây lá kim, một số loài có kích thước rất lớn. Các loài cây chiếm ưu thế của rừng này là: re, chắp, bời lời, kháo, cà ổi, dẻ lá tre, côm, mây châu, tô hạp... Ở loại thảm thực vật thứ hai phân bổ ở độ cao từ 800 - 1500m, trải rộng khắp vùng sườn núi Pu Pà Nhà, Pu Cao Mạ và phía đông đỉnh Pù Hoạt. Kiểu rừng này vẫn giữ được tính nguyên sinh cơ bản. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, sinh trưởng tốt với các loài tiêu biểu như: sau sau, dẻ, sồi, re, dâu, hồng xiêm, xoan, bồ hòn...; các cây lá kim như thông nàng, kim dao. Rừng được chia thành 4 tầng, trong đó có tầng vượt tán có các loài cây giá trị cao như chò chỉ, sến mật. Thảm thực vật thứ ba phân bổ ở độ cao dưới 800m với nhiều họ cây như: thầu dầu, xoan, dâu tằm, cánh bướm, vang, thị, re, dẻ, côm... Rừng được chia thành 3 tầng, tầng ưu thế với các loài điển hình là chẹo, bứa, vang, lim xẹt, mọ, muồng, da, ngát...

Khẳng định Pù Hoạt có tính đa dạng sinh học là bởi, cho đến nay các nhà khoa học đã phát hiện được nơi đây có 763 loài thực vật thuộc 427 chi, 124 họ; có hơn 30 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Về cây, có những loài có giá trị, đáng chú ý như: trai, sến mật, táu mật, chò chỉ, tô hạp...; thực vật hạt trần bước đầu được khảo sát có 7 loài, có 4 loài quý hiếm gồm: pơ mu, bách xanh, kim giao, sa mu. Trong đó, quần thể sa mu được phát hiện ở Pù Hoạt gồm những cây có đường kính rất lớn, trung bình trên 1,5 - 2m, cao trên 45m, đặc biệt có cây đường kính rộng đến 2,8m, cao trên 50m.

Động vật rừng ở Pù Hoạt đã thống kê được 176 loài có xương sống thuộc 4 lớp: 45 loài thú, 131 loài chim, 11 loài bò sát, 6 loài lưỡng cư. Khu hệ động vật của Pù Hoạt có cấu trúc và thành phần loài giống với khu hệ động vật Tây Bắc Việt Nam, lớp thú có các loài đặc trưng là: bò tót, vẹc xám, sóc, cầy...; lớp chim là các loài trong họ khướu. Thành phần các loài chim và thú ở Pù Hoạt được ghi nhận là tương đương với các khu Vũ Quang (Hà Tĩnh) và Pù Mát, xếp trên Pù Huống. Về thú có các loài tiêu biểu và quý hiếm như: voi, hổ, báo hoa mai, báo gấm; về chim là: gà tiền mặt vàng, gà lôi trắng, công, hồng hoàng, cao cát bụng trắng; về bò sát có: rùa núi viền, rùa hộp trấn vàng, rùa đầu to, rùa đất, hổ mang, trăn gấm, trăn đất...

Một cây cổ thụ giữa đại ngàn Pù Hoạt.

Theo Giám đốc Nguyễn Danh Hùng, Pù Hoạt có nguồn tài nguyên rừng phong phú, đa dạng bậc nhất nhưng việc bảo vệ, quản lý trước đây chủ yếu do chính quyền cấp xã, Hạt Kiểm lâm đảm nhiệm nên hiệu quả không cao, tình trạng chặt phá rừng tồn tại trong nhiều năm, thậm chí có những vụ việc rất nghiêm trọng. Hơn nữa, việc gia tăng dân số nhanh; các dự án kinh tế - xã hội như dự án thủy điện, đường vành đai biên giới, đường dân sinh được thực hiện... cùng với tình trạng khai thác gỗ làm nhà theo Quyết định 167 đang trực tiếp gây áp lực nặng nề cho công tác bảo vệ rừng.

Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển vùng Tây Nam Nghệ An với UNESCO. Vậy nên, ngày 2/4/2013, UBND tỉnh đã quyết định chuyển đổi Ban Quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt với mục tiêu có một chủ rừng Nhà nước đủ tư cách và điều kiện thực hiện nhiệm vụ bảo tồn rừng đặc dụng. Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt được giao 9 nhiệm vụ. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ và phát triển rừng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường. 

Với quân số hiện có gồm 50 người, Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt quản lý tổng số 90.741,10 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 28.045,8 ha rừng thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt; 7.677,2 ha rừng thuộc phân khu phục hồi sinh thái; 18.748,8 ha vùng rừng đệm và phòng hộ; 35.615 ha vùng rừng phòng hộ. Bởi vậy, công tác bảo vệ rừng là rất nặng nề. Theo ông Nguyễn Đức Tính - Trạm trưởng Trạm Na Chàng, người có 30 năm làm công việc bảo vệ rừng thì hiện tại, Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt đã thành lập 6 trạm quản lý bảo vệ rừng.

Đời sống cán bộ bảo vệ rừng đã tương đối ổn định so với năm 2012, không chỉ cán bộ trong biên chế mà cán bộ 2B cũng đã có lương thưởng kịp thời, hơn nữa, Ban lại tạo điều kiện cho các trạm tăng gia sản xuất, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống nên tinh thần của cán bộ, nhân viên các trạm rất tốt, toàn tâm toàn ý cho công việc. Nhưng lực lượng cán bộ, nhân viên vẫn còn quá mỏng. Giám đốc Nguyễn Danh Hùng cho biết, theo nguyên tắc, với diện tích rừng Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt được giao quản lý, bảo vệ thì cần xấp xỉ 100 cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, trong khó khăn chung nên bước đầu cần có sự sẻ chia để hoàn thành nhiệm vụ. 

Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt tổ chức các chốt chặn tại các điểm rừng trọng điểm và động viên cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ; tiến hành thành lập Hạt Kiểm lâm trực thuộc với 12 cán bộ, nhân viên. Đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền các địa phương, phối kết hợp với các lực lượng bộ đội biên phòng, quân đội, công an, kiểm lâm địa bàn, dân quân tự vệ... Trong năm 2013, Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt đã hợp đồng giao khoán cho 1.593 hộ với tổng số 36.994,76 ha.

Bên cạnh đó, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và chính quyền các xã tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. "Nhiệm vụ của Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt là quản lý, bảo vệ, phát triển và phát huy các giá trị đặc biệt của rừng đặc dụng, bởi vậy, chúng tôi sẽ thực hiện từng bước đi một. Tin rằng, với sự chỉ đạo của tỉnh, sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan, của chính quyền địa phương cơ sở, với nỗ lực của các cán bộ nhân viên và ý thức gìn giữ bảo vệ rừng của nhân dân, Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt sẽ hoàn thành nhiệm vụ..." - Giám đốc Nguyễn Danh Hùng thổ lộ.

Bài, ảnh: Nhật Lân