(Baonghean.vn)- Đã thành thói quen, sau giờ lao động, cải tạo, các phạm nhân ở Trại giam số 3 (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) lại tìm đến thư viện. Với họ, thời gian đọc sách cũng chính là quãng thời gian để tĩnh lặng suy ngẫm, đọc để học, để hiểu thêm và để tìm lại chính mình...
Vừa chăm chú đọc từng trang trong cuốn sách pháp luật, phạm nhân Trần Hồng Chương, bày tỏ: “Vì thiếu hiểu biết mà trước kia tôi đã làm những việc vi phạm pháp luật dẫn đến án phạt tù. Vậy nên, ngoài những cuốn tiểu thuyết, tôi thường tìm đọc sách pháp luật. Những kiến thức có được từ những trang sách sẽ giúp tôi thêm hiểuT biết, để sau này khi chấp hành xong án phạt trở về với cộng đồng tôi sẽ tránh làm những việc sai trái”.
Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tổ chức cho người khác đi nước ngoài bất hợp pháp, Chương chịu mức án phạt 24 năm tù giam. Lúc mới vào trại, Chương thường xích mích với các phạm nhân khác. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của cán bộ quản giáo, cùng với những trang sách, Chương dần hiểu tội lỗi bản thân và quyết tâm cải tạo tốt để sửa chữa lỗi lầm.
Phạm nhân Chương cho biết thêm: “Ngoài những cuốn sách liên quan đến pháp luật, tôi đọc cả những cuốn “Đắc nhân tâm”… Tôi nghiền ngẫm hàng đêm và như được gột rửa tâm hồn, thức tỉnh bản thân thực sự. Những điều tươi đẹp về cuộc sống, về con người qua từng trang sách đã thôi thúc tôi phải nuôi niềm tin, khát vọng làm lại cuộc đời”.
Cũng như phạm nhân Chương, phạm nhân Nguyễn Huy Ngọc (ở Gia Bình, Bắc Ninh) luôn mặc cảm, tự ti với tội danh mua bán chất ma túy, cùng mức án chung thân. Được các quản giáo trong Trại giam giáo dục, Ngọc dần thức tỉnh, thoát ra khỏi sự tuyệt vọng. Phạm nhân Ngọc cho hay: “Ngoài thời gian lao động cải tạo, mỗi tuần tôi đều đến đọc sách tại thư viện từ 2-3 lần. Qua từng trang sách, tôi tìm thấy cho mình những bài học làm người, hướng đến cuộc sống lương thiện...”.
Trong số các đầu sách đã đọc, tôi thấy tâm đắc nhất là cuốn "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng". Chính câu nói “Không bao giờ là quá muộn để gột sạch những quá khứ đau thương và làm lại từ đầu”. Cuốn sách này đã tiếp thêm cho tôi niềm tin, hy vọng”- anh Ngọc tâm sự.
Tại 2 phân trại của Trại giam số 3 hiện có hơn 3.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại, trong đó chủ yếu được chia làm 3 mảng: Sách hướng nghiệp, sách giáo dục đạo đức, pháp luật, rèn luyện kỹ năng sống và dòng sách tiểu thuyết, văn học... Ngoài giờ lao động, cải tạo, phạm nhân đều có thể đến thư viện đọc sách, cùng với đó những phạm nhân có nhu cầu đều được cán bộ phân trại tạo điều kiện để đăng ký mượn sách về đọc tại buồng giam.
Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3, cho biết: Với trên 2.000 phạm nhân đang thụ án, trong đó có nhiều phạm nhân mang trọng tội như giết người, buôn bán ma túy, tham ô tài sản,… tính chất tội phạm nguy hiểm, diễn biến tư tưởng của số phạm nhân có mức án cao, nhiều tiền án rất phức tạp. Vì vậy, cùng với nhiều hình thức quản lý và giáo dục khác, ban giám thị trại giam luôn coi trọng vai trò của sách. Theo đó, trại thực hiện việc xây dựng thư viện cho phạm nhân. Hàng tháng, hàng quý, phối hợp với Thư viện tỉnh luân chuyển, bổ sung các đầu sách mới.
Việc tạo điều kiện cho phạm nhân đọc sách đã góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Qua việc đọc sách sẽ giúp mỗi phạm nhân có thêm một kênh thông tin hữu ích để học tập, rèn luyện bản thân trong quá trình cải tạo. Trong quá trình đến với thư viện, phạm nhân sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích từ sách, báo, để khi trở về với cộng đồng họ sẽ biết cân nhắc, điều chỉnh hành vi của mình đúng chuẩn mực...
Quả thực, tuy chỉ là việc bố trí một phòng đọc sách, thế nhưng điều tưởng chừng như nhỏ nhoi này đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho những người thụ hưởng. Đáng nói hơn, trong khi sách và văn hóa đọc đang có chiều hướng mai một ở nhiều nơi, thì trong trại cải tạo, sự xuất hiện của những cuốn sách không chỉ làm phong phú cho đời sống tinh thần của phạm nhân, mà còn giúp họ hiểu hơn, thấm hơn những giá trị của cuộc sống, giá trị của lao động… Để ngày trở về của họ sẽ thực sự có ý nghĩa hơn, tươi sáng hơn.
Đặng Nguyễn